Hiện tượng “chảy máu chất xám” thường được mang ra bàn luận. Tại cơ quan nhà nước vẫn xảy ra hiện tượng này khi có một số công chức, viên chức xin nghỉ việc để làm việc cho các doanh nghiệp, công ty nước ngoài.
Nhìn lại hơn 20 năm tổ chức chương chình Đường lên đỉnh Olympia, mỗi năm chương trình tìm ra một quán quân nhận được học bổng du học và đến nay, hầu hết các quán quân này đều ở lại nước ngoài làm việc sau thời gian học tập. Thu hút nhân tài có ý nghĩa quyết định đối với quá trình đẩy mạnh
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, trong điều kiện tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Từ lâu, vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài được Đảng và nhà nước đặc biệt quan tâm bởi “hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Theo đó, có nhiều chính sách thu hút nhân tài như xét tuyển đặc cách không qua thi tuyển vào làm việc trong các cơ quan nhà nước đối với những người tốt nghiệp thủ khoa tại các trường đại học ở trong nước; tổ chức các cuộc thi để phát hiện, bồi dưỡng nhân tài;...
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Sinh thời, Bác đã trọng dụng hàng loạt người tài như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu,... trong đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp được giao nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ khi mới 34 tuổi và khi 37 tuổi được phong hàm Đại tướng, đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mặc dù đã có những cơ chế, chính sách thu hút nhân tài nhưng để công tác này đạt hiệu quả hơn, cần có những chính sách, ưu đãi cao hơn, không chỉ bảo đảm về thu nhập, điều kiện sống mà còn tạo môi trường thuận lợi để người tài phát huy hết năng lực như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Không có nhân tài thì không thể phát triển đất nước. Nhưng có nhân tài rồi mà không trọng dụng thì cũng khiến đất nước suy yếu”./.
Mai Khôi