Tiếng Việt | English

20/09/2022 - 08:41

Trồng lúa ở vùng biên giới, nữ nhà nông trở thành tỉ phú

Từ phong trào Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm; chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; biết khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, mang lại hiệu quả. Trong đó, chị Trương Thị Hương, ngụ xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng, là một điển hình cho ý chí vươn lên, trở thành Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.

Chị Trương Thị Hương là 1 trong 32 nông dân tiêu biểu được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị biểu dương Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, giai đoạn 2017 – 2022 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tại Hà Nội

Lập nghiệp với 2 bàn tay trắng

Đón chúng tôi trong ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi, chị Trương Thị Hương nói: “Có được cơ ngơi như ngày hôm nay, phần lớn là nhờ tôi gắn bó với nghề trồng lúa”.

Hơn 20 năm trước, với 2 bàn tay trắng, theo lời bạn bè, chị Hương từ TP.Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) đến xã Hưng Hà, huyện Tân Hưng, sinh sống đúng vào mùa lũ lịch sử năm 2000. Thời điểm đó, khu vực vùng biên giới này chỉ có vài nóc nhà của người dân các tỉnh phía Bắc vào lập nghiệp, còn rất nghèo và thiếu thốn.

Với quyết định lập nghiệp trên “vùng đất hứa”, sau thời gian gom góp tiền làm thuê, làm mướn, vay mượn thêm từ bạn bè, chị Hương mua được 1ha đất. Chỉ trong vòng 20 năm bám đất, từ chỗ số 0, chị Hương trở thành người phụ nữ số 1 về trồng lúa ở vùng biên, là tỉ phú nông dân, có đến 70ha canh tác lúa 2 vụ, lợi nhuận hàng năm (sau khi trừ chi phí) 3,6 tỉ đồng.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam xã Hưng Hà - Lê Đình Bắc cho biết: “Chị Hương là đại diện tiêu biểu cho người nông dân hiện đại, dám nghĩ, dám làm. Ở Đồng Tháp Mười, không ít nông dân đại điền chủ, có diện tích trồng lúa 70 - 100ha. Nhưng đó là những đàn ông lực điền. Việc một nữ nông dân trồng 70ha lúa như chị Hương là lần đầu tiên tôi biết”.

Bí quyết làm giàu của chị Hương là “bắt đất đẻ ra đất”. Theo đó, để có tiền mua thêm đất, thay vì cho thuê đất lấy lời, chị Hương lấy đất thế chấp, vay tiền ngân hàng mua đất, rồi nỗ lực trồng lúa để lấy lời trả nợ ngân hàng.

Chị Hương kể, năm 2008, chị thế chấp 10ha đất cho ngân hàng để vay tiền mua 20ha đất. Trong vòng 3 năm, lợi nhuận từ “cú làm ăn này” mang về cho chị hơn 6 tỉ đồng. Từ khi diện tích đất tăng lên hàng chục hecta, chị Hương thay đổi cách thức trồng lúa từ truyền thống sang cơ giới hóa hoàn toàn trong các khâu sản xuất.  Dù phải thuê cơ giới hóa hoàn toàn nhưng chị vẫn có lời 1,2 - 1,5 tỉ đồng/năm.

Theo đó, 50ha đất trồng lúa sẽ được lên kế hoạch trồng trước khi vụ lúa diễn ra. Từng thời điểm trong vụ mùa sẽ được các công ty, dịch vụ nông nghiệp thực hiện đúng quy trình: Cày xới đất, cung cấp giống, phân bón, thuốc; máy bay không người lái phun, xịt phân, thuốc; máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa;…

Theo chị Hương, một điều quan trọng để sản xuất hiệu quả là sử dụng lượng phân bón và thuốc phải đúng, đủ trong vụ. Nếu khéo léo sẽ giảm được chi phí thuê nhân công lao động trong việc tỉa dặm và nhổ cỏ. Ngoài ra, trồng lúa phải làm sao cho lúa nặng ký. Theo chị Hương, phải cho cây lúa ra nhiều hạt nhất, hạt phải căng, chắc. Nếu người khác trồng có 50kg/bao lúa thì chị phải thu hoạch được 55kg/bao. “Trồng lúa có 2 giai đoạn rất quan trọng là trước trổ và sau trổ. Nếu 2 giai đoạn này mà phun, xịt thuốc, phân bón đúng chuẩn là “lụm lời””- chị Hương khẳng định.

Đó là những kinh nghiệm sau hơn 20 năm trồng lúa. Nhìn cây lúa, chị biết có bệnh gì, thời điểm nào có khả năng sinh bệnh; 70ha đất lúa chỗ nào lún, trũng, gò để phun xịt phân bón, thuốc cho đúng;…

Hết lòng đóng góp xây dựng quê hương, giúp đỡ người nghèo

Không những là nữ tỉ phú nông dân, chị Hương còn là tấm gương hội viên nông dân xuất sắc trong công tác xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. “Gần như tất cả mọi hoạt động xã hội ở địa phương, chị Hương đều tham gia, như đóng góp tiền làm nhà văn hóa, xây dựng giao thông nông thôn, làm cầu giao thông, góp quỹ khuyến học, xây nhà tình nghĩa, tình thương,…” - ông Lê Đình Bắc cho biết thêm .

Ngoài ra, mỗi năm, chị Hương còn tạo việc làm cho 30 - 40 lao động ở địa phương. Mỗi vụ lúa, một lao động có thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Chị Hương còn chia sẻ với người nghèo giúp họ vượt qua những khó khăn về nhà ở, vốn sản xuất,…

Với những gì đã nỗ lực trong sản xuất và chia sẻ với công tác xã hội, chị Hương được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; huyện Tân Hưng công nhận gương người tốt, việc tốt và tặng giấy khen vì có thành tích trong việc thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Tại Hội nghị biểu dương Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, giai đoạn 2017 - 2022 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tại Hà Nội trong tháng 9/2022, chị Hương vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ./.

Trương Hoàng Giang

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích