Tiếng Việt | English

23/12/2016 - 19:42

Trung Quốc ồ ạt thu mua gỗ cao su của Việt Nam

Thương lái Trung Quốc đang tràn sang thu mua gỗ cao su tại Tây Nguyên của Việt Nam.

Thương lái Trung Quốc đang thâu tóm thị trường gỗ cao su Việt Nam (Ảnh minh họa: KT)

Hiện tại, các doanh nghiệp Trung Quốc ồ ạt thu mua gỗ cao su của Việt Nam.

Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia chính sách của Tổ chức Forest Trends (Hoa Kỳ) tại Việt Nam cho biết, Trung Quốc tăng vọt lượng nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Việt Nam, đặc biệt là gỗ cao su.

Theo ông Phúc, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam đối với các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, trong đó có gỗ nguyên liệu. Năm 2015 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 965,8 triệu USD, tăng thêm gần 121 triệu USD so với năm trước đó.

Trong 3 quý đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này sang thị trường Trung Quốc đạt 725,3 triệu USD, tương đương 75% giá trị kim ngạch của cả năm ngoái.

Ông Phúc cho hay, lượng và giá trị của gỗ cao su xuất khẩu sang Trung Quốc có sự biến động rất lớn. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2016, lượng gỗ cao su xẻ xuất sang thị trường Trung Quốc lớn hơn gần 1,4 lần tổng lượng gỗ cao su xẻ xuất khẩu của cả năm 2015. 

Chuyên gia Tô Xuân Phúc của Tổ chức Forest Trends (Hoa Kỳ)
Hiệp hội gỗ trong nước quan ngại về việc mua bất thường và có dấu hiệu lách thuế của doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam.

Trao đổi với Zing, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA), cho biết nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang ồ ạt thu mua gỗ cao su ở Tây Nguyên, Đông Nam bộ theo cách "triệt hạ" các doanh nghiệp nội.

Theo ông Lập, giá cao su đang tăng cao trong bối cảnh từ năm 2017, Trung Quốc sẽ đóng cửa toàn bộ rừng tự nhiên và nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến nước này sẽ thiếu hụt…

Về cách thu mua của doanh nghiệp Trung Quốc, Chủ tịch FPA cho biết: "Họ xách vali tiền sang đến các xưởng, nhà máy tại Việt Nam, đặt cọc vài trăm nghìn USD là bình thường".

Bên cạnh đó, các thương lái Trung Quốc còn đặt các xưởng chế biến của Việt Nam hạ giá cấp gỗ, từ đó để hạ giá hàng hóa để lách thuế./.

Trần Ngọc/VOV.VN

Chia sẻ bài viết