Nỗ lực để đạt chuẩn
Về lại xã NTM Bình An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, chúng tôi thấy bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi. Trong đó, trường học được đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho HS học tập và phát huy năng lực. Trường Mẫu giáo Bình An thay đổi rõ nét về diện mạo cũng như chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
Trước đây, Trường Mẫu giáo Bình An gặp rất nhiều khó khăn. Một số giáo viên (GV) trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm nên phần nào hạn chế tính sáng tạo, linh động trong việc đầu tư, tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Về cơ sở vật chất, trường chưa có hàng rào kiên cố, vườn cổ tích cho trẻ vui chơi, trải nghiệm; cổng trường xuống cấp và thiếu trang thiết bị dạy học theo quy định. Ngoài ra, đa số phụ huynh là nông dân và công nhân nên chưa có nhiều thời gian phối hợp trường trong thực hiện các biện pháp chăm sóc, củng cố kiến thức, ôn luyện và giáo dục trẻ, rèn luyện các kỹ năng. đồng thời, đa số trẻ chưa được học qua các độ tuổi nên còn hạn chế về kỹ năng, chưa mạnh dạn, tự tin trong quá trình tham gia các hoạt động.
Trường Mẫu giáo Bình An lấy trẻ làm trung tâm trong hoạt động chăm sóc, giáo dục, giúp trẻ mạnh dạn, tự tin hơn
Đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng Trường Mẫu giáo Bình An vẫn cố gắng, nỗ lực trong thực hiện trường đạt CQG. Trường được quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu. Bên cạnh đó, trường tập trung bồi dưỡng đội ngũ GV, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, GV. Đặc biệt, GV trẻ được Ban Giám hiệu, GV có thâm niên quan tâm, hướng dẫn để nâng cao nghiệp vụ, giúp các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ đạt hiệu quả cao. Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Bình An - Trần Thị Trang Châu chia sẻ: “Bằng tình yêu nghề, mến trẻ, đội ngũ GV của trường luôn cố gắng thực hiện tốt các nhiệm vụ của năm học, từ đó, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ ngày càng nâng cao”.
Ngoài ra, trường còn tổ chức thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ và nghiêm túc đánh giá trẻ hàng ngày, theo giai đoạn, bảo đảm sự phát triển toàn diện cho trẻ theo các lĩnh vực giáo dục. “Tập thể hội đồng sư phạm nhà trường luôn cố gắng vượt qua khó khăn, thực hiện tốt các phong trào trong năm học, tích cực đổi mới công tác quản lý và phương pháp dạy để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Trường được công nhận trường đạt CQG vào tháng 3/2022. Đây là thành quả rất đáng tự hào sau bao nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, GV, nhân viên và là động lực để trường tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa” - cô Trần Thị Trang Châu chia sẻ thêm.
Trẻ được quan sát, tìm hiểu về các loại cây xanh trong khuôn viên trường
Sau khi đạt CQG, Trường Mẫu giáo Bình An như được khoác lên mình diện mạo mới. Trường có cơ sở vật chất, môi trường sư phạm nhiều cây xanh, sạch, đẹp, an toàn và thân thiện. Trẻ có kỹ năng, nề nếp trong học tập, sinh hoạt và mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, phát triển tư duy, sáng tạo trong học tập.
Nâng cao chất lượng giáo dục
Là trường học ở xã nông thôn mới nâng cao, trường CQG - Trường Tiểu học Việt Lâm (xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành) ngày càng xây dựng được thương hiệu trong phụ huynh và xã hội. Trường có thế mạnh là đội ngũ GV chất lượng, gồm 1 Nhà giáo nhân dân và 3 Nhà giáo ưu tú, 100% đội ngũ GV đạt trên chuẩn, có thâm niên, kinh nghiệm và tâm huyết trong công tác giảng dạy.
Trong quá trình giảng dạy, GV Trường Tiểu học Việt Lâm luôn tích cực đổi mới phương pháp, ứng dụng tốt các trang thiết bị dạy học thông minh giúp tiết học hiệu quả, HS hứng thú học tập. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Việt Lâm - Nguyễn Văn Bảy cho biết: “Trường có tivi thông minh kết nối Internet ở các lớp học áp dụng sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. Nhờ vậy, GV thuận lợi sử dụng sách điện tử và thay đổi phương pháp giảng dạy giúp bài giảng trực quan, sinh động”.
“Tôi luôn nghiên cứu bài kỹ và chọn phương pháp giảng dạy phù hợp với nội dung bài học và trình độ HS; đồng thời, sử dụng trang thiết bị thông minh, đồ dùng dạy học trong quá trình dạy để tiết học luôn sinh động và thú vị. Tôi không quá cứng nhắc trong việc bám sát sách giáo khoa, thay vào đó là chọn cách giải thích dễ hiểu, phù hợp với HS. Tôi cũng không yêu cầu các em ghi nhớ đúng từng câu chữ trong sách, tập mà có thể diễn đạt theo cách hiểu của mình. Nhờ những phương pháp dạy học ấy, HS tiếp thu bài tốt hơn và hứng thú trong việc học” - Nhà giáo nhân dân Huỳnh Thị Phương Thảo - GV Trường Tiểu học Việt Lâm, thổ lộ.
Cô Huỳnh Thị Phương Thảo luôn quan tâm, hết lòng với học sinh
Ngoài ra, trường còn thực hiện hoạt động bồi dưỡng và phụ đạo HS. GV xây dựng cấu trúc và tạo ngân hàng câu hỏi để phục vụ hoạt động này theo đối tượng HS. Những HS có năng khiếu ở các môn học được quan tâm, bồi dưỡng để phát huy năng lực, thế mạnh. Những HS chưa nắm bài được củng cố kiến thức cơ bản và hướng dẫn làm bài tập.
Cô Phương Thảo cho biết thêm, ngoài bồi dưỡng HS có năng khiếu, cô còn đặc biệt quan tâm HS chưa nắm bài. Cô thường dành những câu hỏi vừa sức cho các em, tuyên dương khi các em trả lời đúng và dành thời gian ra chơi, đầu giờ hoặc cuối giờ để kèm cho các em. Cô còn xây dựng đôi bạn học tập để HS giỏi giúp đỡ các em chưa nắm bài.
Bên cạnh đó, trường luôn chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho HS. Trong các tiết học, tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ, hoạt động ngoài giờ lên lớp,... trường lồng ghép các kiến thức thông qua nội dung bài học, chủ đề sinh hoạt để giáo dục HS.
Có thể thấy, tiêu chí trường học là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Bởi, trường đạt CQG, HS được học tập trong môi trường sư phạm thuận lợi, từ đó chất lượng giáo dục tại các địa phương nâng lên./.
An Nhiên