Đứng chân vào hàng ngũ của Đảng, những nông dân chân chất, quân nhân xuất ngũ,... và người trẻ đều tự hào. Tất cả đều nguyện cống hiến, đóng góp sức lực của mình vào sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương và xứng đáng là đảng viên. 9 tháng năm 2017, toàn tỉnh phát triển hơn 1.500 đảng viên (ĐV), trong đó có hơn 1.000 ĐV dưới 30 tuổi, 118 ĐV là nông dân và 32 ĐV là học sinh, sinh viên. Đây là lực lượng thể hiện tính tiên phong, gương mẫu trong các lĩnh vực: Lao động, sản xuất và học tập,...
Kỳ 1: Mầm xanh của Đảng
Công tác phát triển Đảng trong thời gian qua được một số trường THPT trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện. Điều này vừa tạo điều kiện để học sinh, sinh viên (HS, SV) nỗ lực học tập và phấn đấu rèn luyện tốt, vừa tạo lực lượng kế thừa, đội hậu bị vững mạnh của Đảng.
Đất tốt ươm mầm xanh
Là một trong những trường đầu tiên trong tỉnh thực hiện công tác phát triển Đảng trong HS, SV, Trường THPT Nguyễn Thông (huyện Châu Thành) thực hiện từ năm 2001. Tính đến nay, gần 50 HS được xem xét, kết nạp Đảng khi còn ngồi dưới mái Trường THPT Nguyễn Thông. “Tất cả những em này đều xứng đáng và bây giờ thành đạt, trở thành những công dân có ích cho xã hội” - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thông - Phạm Kiều Vân nhận xét.
Kết nạp Đảng trong trường học, tạo đội ngũ kế thừa cho Đảng
Tuy nhiên, để đứng chân vào hàng ngũ Đảng, HS phải trải qua những tháng ngày rèn luyện, nỗ lực mới được giới thiệu, bồi dưỡng và xem xét, kết nạp. Theo cô Phạm Kiều Vân, ngoài đủ độ tuổi theo quy định, Đảng ủy trường thảo luận và thống nhất về quy trình, tiêu chuẩn phát triển ĐV là HS. Đáp ứng đủ những tiêu chuẩn này thì khi kết nạp, lực lượng ĐV trong trường học cũng bảo đảm chất lượng, không chạy theo số lượng.
Cô Phạm Kiều Vân cho biết: “Đối tượng phát triển Đảng là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn; đạt danh hiệu HS giỏi văn hóa cấp tỉnh trở lên hoặc có huy chương trong các kỳ thi văn nghệ, thể dục - thể thao, giải toán trên máy tính cầm tay, viết thư quốc tế,... cấp tỉnh trở lên. Về tiêu chuẩn, các em phải có 5 học kỳ đạt loại học lực giỏi, học kỳ II lớp 12 đạt học lực giỏi; 6 học kỳ đạt hạnh kiểm tốt; là đoàn viên xuất sắc; tập thể lớp hoặc chi đoàn cuối năm xếp loại từ khá trở lên và có ngày sinh trước 01-7 (thời điểm kết thúc lớp 12). Nếu đủ điều kiện, cuối học kỳ I của lớp 12, các em được cử đi học lớp nhận thức về Đảng và đầu học kỳ II sẽ phân công ĐV hướng dẫn, viết lý lịch, xác minh,...”.
Những tiêu chuẩn ấy là điều kiện bắt buộc! Còn tạo cơ hội để các em bộc lộ tố chất, đáp ứng được điều kiện thì Đoàn trường phải là người đồng hành. “Bên cạnh việc giảng dạy của giáo viên, sự phấn đấu học tập tốt do các em nỗ lực. Riêng về tích cực tham gia phong trào, Đoàn trường tạo môi trường hoạt động để các em có cơ hội tham gia, bộc lộ những tố chất. Ngoài ra, tổ chức Đoàn trường luôn gần gũi, theo sát HS nên dễ dàng nắm bắt những em nổi trội và giúp đỡ các em rèn luyện thêm. Những em này là nguồn để giới thiệu xem xét, kết nạp Đảng” - Bí thư Đoàn trường THPT Nguyễn Thông - Nguyễn Thị Tuyết Hằng chia sẻ.
Nếu ở trường THPT, Đoàn trường là môi trường rèn luyện tốt cho các đối tượng Đảng thì đối với trường cao đẳng, đại học, chi bộ SV chính là nơi giới thiệu nguồn phát triển Đảng. Ở Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An, Chi bộ SV được thành lập vào năm 2016, tạo điều kiện, nâng đỡ nhiều SV đứng vào hàng ngũ của Đảng. Mỗi SV, đoàn viên ưu tú và đối tượng Đảng là một hạt mầm mà Chi bộ SV là “người thợ làm vườn” để mầm xanh phát triển.
Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Lê Huỳnh Ngọc Phố chia sẻ: “Một SV trở thành đối tượng Đảng phải có thành tích học tập khá trở lên, xếp loại hạnh kiểm tốt, tích cực tham gia phong trào Đoàn trường và không vi phạm nội quy, quy chế của trường. Từ những điều kiện này, Chi bộ SV sẽ giới thiệu SV được xem xét, kết nạp Đảng. Sau đó, Chi bộ SV đồng hành giúp đỡ ĐV rèn luyện, hoàn thiện bản thân trong thời gian thử thách”. Đất tốt ươm ầm xanh là như vậy!
Vào Đảng, thấy mình trưởng thành hơn!
Nâng niu chiếc nhẫn hình cờ đỏ sao vàng, em Lê Huỳnh Ngọc Phố rất đỗi tự hào vì đã tiếp nối truyền thống gia đình. Ngọc Phố kể: “Lúc ba vào Đảng được tặng chiếc nhẫn này và bây giờ trao tặng lại cho em. Ba tin tưởng nên em tiếp tục đóng góp, cống hiến sức mình, góp phần xây dựng quê hương như ba kỳ vọng”.
Hiện tại, Ngọc Phố công tác tại Phòng Quản lý Đào tạo - Ban Tuyển sinh của Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An, trong đó, chủ yếu là tư vấn tuyển sinh cho phụ huynh, HS. Công việc tưởng dễ nhưng lại khó, đòi hỏi nhiều kỹ năng. “Phụ huynh, HS có nhiều thành phần khác nhau nên khi tư vấn, em phải dùng lời lẽ phù hợp. Hơn nữa, trước khi tư vấn, em phải chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ. Công việc này đòi hỏi phải kiên nhẫn thì mới hoàn thành” - Ngọc Phố tâm sự. Và, thời gian qua, Ngọc Phố luôn hoàn thành tốt công việc được giao.
Cùng với công việc chuyên môn, khi tham gia công tác chủ nhiệm lớp Ngoại ngữ TA17, Ngọc Phố thường xuyên gắn kết, tìm hiểu tâm lý SV và tổ chức nhiều hoạt động để SV tham gia. “Không chỉ là giáo viên chủ nhiệm, bản thân vừa là người bạn, người chị để tạo cho SV cảm giác gần gũi, thoải mái, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn để cùng tháo gỡ và phấn đấu” - Ngọc Phố cho biết.
Ngoài hoàn thành tốt chuyên môn, khi nhắc đến Ngọc Phố, nhiều SV trong trường còn “nể” bởi thành tích hoạt động Đoàn của em. Tham gia hoạt động Đoàn từ năm học lớp 10, từng là gương mặt quen thuộc trong các phong trào của địa phương, đến khi vào đại học, Ngọc Phố tiếp tục là “nhân vật” nổi trội trong công tác Đoàn trường. Khi Đoàn trường tổ chức các hoạt động, Ngọc Phố là một MC tự tin, duyên dáng. Đặc biệt, suốt thời gian học tập tại trường, chưa có Mùa hè xanh năm nào vắng mặt Ngọc Phố.
“Dù đi đến tận những xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh để làm đường giao thông, xây cầu, vớt lục bình nhưng em thấy vui. Em xem đó là chuyến du lịch dài ngày để vừa thư giãn, vừa được trải nghiệm. Cũng thông qua những hoạt động này, tố chất năng nổ, xung kích của người đoàn viên có cơ hội thể hiện” - Ngọc Phố nói.
Chính tinh thần hăng hái, nhiệt huyết tuổi trẻ đã rút ngắn con đường đến với Đảng của Ngọc Phố. Từng được giới thiệu, tham gia học lớp nhận thức về Đảng từ năm 2014 do Chi bộ ấp 1B, xã An Thạnh, huyện Bến Lức giới thiệu vì năng nổ tham gia công tác Đoàn ở địa phương. Nhưng lúc đó, Ngọc Phố đang là SV Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An nên gặp khó khăn nếu phát triển Đảng tại ấp. Không nản chí, Ngọc Phố tiếp tục phấn đấu và đến năm 2016, khi Chi bộ SV của trường được thành lập, Ngọc Phố được hướng dẫn, giúp đỡ và trở thành ĐV từ nền tảng một SV ưu tú.
Gần 1 năm trôi qua từ ngày vào Đảng, Ngọc Phố vẫn nhớ cảm giác ngày được kết nạp. Ngọc Phố bộc bạch: “Lúc đó, trong lòng em rất tự hào khi sự phấn đấu được ghi nhận. Nhưng, không phải vào Đảng là đạt mục đích và không cần phấn đấu nữa, ngược lại, em ý thức rằng, đứng chân vào hàng ngũ Đảng thì bản thân phải nỗ lực nhiều hơn để xứng đáng là ĐV. Khi chưa được kết nạp Đảng, em chủ động tìm hiểu những nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng và những điều ĐV không được làm nên ý thức rất rõ trách nhiệm của mình”.
“Cũng từ ngày vào Đảng, em thấy mình trưởng thành hơn trong suy nghĩ và cách làm” - Ngọc Phố cho biết thêm. Khi thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ, ngoài nhìn nhận khuyết điểm bản thân, Ngọc Phố mạnh dạn đóng góp ý kiến xây dựng ĐV, chi bộ. Trước khi làm việc gì, Ngọc Phố cũng suy nghĩ chu đáo chứ không vội vàng như trước. Ngoài ra, em mạnh dạn giới thiệu với chi bộ những SV ưu tú để tạo nguồn xem xét, phát triển Đảng trong trường đại học.
Còn em Trương Thị Thảo Nguyên, ngụ ấp Hòa Bình 2, xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa tự nguyện viết đơn xin đi học lớp nhận thức về Đảng sau khi có thông báo của Trường Đại học Mở TP.HCM. Cùng lứa tuổi với Thảo Nguyên, nhiều người trẻ còn ngán ngại vào Đảng vì chưa nhận thức sâu sắc và đầy đủ. Thảo Nguyên bộc bạch: “Để trở thành ĐV, bản thân phải là đoàn viên ưu tú và có kết quả học tập tốt. Vì vậy, khi bước chân vào giảng đường đại học, em luôn phấn đấu học tập giỏi và tích cực tham gia hoạt động Đoàn trường. Đến cuối năm 3, em được kết nạp Đảng và nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của người ĐV”.
Hiện nay, Thảo Nguyên công tác tại Ngân hàng Eximbank TP.HCM và luôn hoàn thành công việc, xứng đáng là một ĐV. Theo Thảo Nguyên, dù không công tác tại quê hương nhưng đã là ĐV, dù ở đâu cũng có thể đóng góp, rèn luyện. Thảo Nguyên nói: “Từ ngày vào Đảng, em trưởng thành, sự hiểu biết được mở rộng và sâu hơn. Ngoài cống hiến tùy theo sức lực của mình cho công việc chuyên môn và công tác xã hội, vào Đảng, em có cơ hội sửa mình. Qua các lần học tập nghị quyết, đặc biệt là những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, em tự soi rọi bản thân để kịp thời sửa chữa. Nói chung, vào Đảng, được tự kiểm điểm sẽ giúp bản thân ngày càng hoàn thiện hơn”.
Vào Đảng, những người trẻ được trưởng thành, lập trường, tư tưởng vững vàng và kiên định. Họ xứng đáng là mầm xanh của Đảng, mang tính kế thừa và tiếp tục đâm chồi, nảy nở trong suốt chặng đường rèn luyện của người ĐV trẻ./.
Thùy Hương - Lê Đức
(còn tiếp)