Tiếng Việt | English

08/06/2023 - 14:53

Từ hôm nay, nhiều quy định mới về đăng kiểm chính thức có hiệu lực

Từ hôm nay, Sở GTVT các tỉnh, thành được thực hiện việc cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới theo quy định.

Ngày 8/6, Chính phủ ban hành Nghị định 30/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Trong đó, Chính phủ nới một số quy định về việc tuyển nhân viên đăng kiểm.

Cơ sở bảo dưỡng được kiểm định xe

Theo đó, nghị định cho phép các tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới thì được phép hoạt động kiểm định xe cơ giới. Như vậy, quy định này không hạn chế các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô tham gia vào hoạt động kiểm định xe cơ giới khi đáp ứng các điều kiện theo quy định.

Trong trường hợp hệ thống các đơn vị đăng kiểm không đáp ứng được nhu cầu kiểm định của tổ chức và cá nhân cho phép huy động đơn vị đăng kiểm và nhân lực của lực lượng Công an nhân dân và Quân đội nhân dân tham gia hỗ trợ kiểm định xe cơ giới thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định này.

Về điều kiện để trở thành đăng kiểm viên, học viên có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên theo nội dung do Bộ GTVT quy định. Trường hợp học viên đã có kinh nghiệm trực tiếp thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa ô tô tại các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô theo quy định, có tổng thời gian làm việc cộng dồn từ 12 tháng đến 24 tháng thì thời gian thực tập là 6 tháng, trên 24 tháng thì thời gian thực tập là 3 tháng.

Từ hôm nay các trung tâm đăng kiểm chịu sự quản lý trực tiếp của Sở GTVT. Ảnh: V.LONG

Mỗi dây chuyền kiểm định cũng chỉ cần hai đăng kiểm viên đảm bảo thực hiện đủ các công đoạn kiểm định. Thay vì phải có tối thiểu ba đăng kiểm viên, trong đó có ít nhất một đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao như quy định hiện hành.

Mỗi dây chuyền kiểm định có tối thiểu một người phụ trách dây chuyền kiểm định, thay vì quy định một người được phụ trách tối đa hai dây chuyền kiểm định.

Các tỉnh tiếp quản hoạt động trung tâm đăng kiểm

Về công tác quản lý nhà nước, Nghị định quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Cục Đăng kiểm, Sở GTVT và chức năng cung cấp dịch vụ của các đơn vị đăng kiểm.

Theo đó, Cục Đăng kiểm là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thống nhất quản lý hoạt động đăng kiểm trên phạm vi cả nước; Sở GTVT chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trong phạm vi địa phương và các đơn vị đăng kiểm thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Nghị định cũng đưa ra lộ trình chuyển tiếp hoạt động để Sở GTVT chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực nhằm đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện.

Cụ thể, kể từ ngày thông tư có hiệu lực (8-6), nếu Sở GTVT chưa thực hiện được các nhiệm vụ cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới theo quy định; kiểm tra, đánh giá việc duy trì các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và hoạt động kiểm định thì có văn bản đề nghị Cục Đăng kiểm tiếp tục thực hiện. Kể từ ngày 1/1/ 2026, Sở GTVT thực hiện việc cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới theo quy định.

Về thời hạn tạm đình chỉ hoạt động của các trung tâm đăng kiểm có sai phạm, nghị định quy định cụ thể đối với trường hợp nào thì bị tạm đình chỉ hoạt động 1 tháng và trường hợp bị tạm dừng hoạt động 3 tháng, không đưa ra quy định “mềm” và chung chung như trước đây. Mục đích của cơ quan soạn thảo tránh tiêu cực trong xử phạt.

Các trung tâm đăng kiểm không được dừng hoạt động kiểm định quá lâu mà phải bảo đảm thời gian hoạt động kiểm định bình thường tối thiểu 8 giờ mỗi ngày và 5 ngày mỗi tuần; thông báo công khai thời gian kiểm định tại trụ sở đơn vị đăng kiểm.

Thêm vào đó, các trung tâm đăng kiểm quản lý, giám sát hoạt động kiểm định tại đơn vị, chịu trách nhiệm toàn diện khi để xảy ra vi phạm, tiêu cực tại đơn vị đăng kiểm. Trường hợp thay đổi về đăng kiểm viên làm ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị đăng kiểm thì phải thông báo đến Sở GTVT và Cục Đăng kiểm./.

Bổ sung quy định về bộ máy trung tâm đăng kiểm

Theo quy định hiện hành, các trung tâm đăng kiểm không phải thành lập các bộ phận để hoạt động. Tuy nhiên, Nghị định bổ sung quy định đơn vị đăng kiểm phải có bộ phận sau:

+ Bộ phận kiểm định: Gồm phụ trách bộ phận kiểm định, đăng kiểm viên để thực hiện kiểm tra, đánh giá tình trạng kỹ thuật của phương tiện;

+ Bộ phận văn phòng: Gồm nhân viên nghiệp vụ và các nhân viên khác để thực hiện các công việc văn phòng, hỗ trợ hoạt động kiểm định.

Nhân lực của đơn vị đăng kiểm gồm:

+ Có tối thiểu 1 lãnh đạo có đủ điều kiện theo quy định.

+ Có tối thiểu 1 phụ trách bộ phận kiểm định;

+ Dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 2 đăng kiểm viên bảo đảm thực hiện đủ các công đoạn kiểm định. Các nhân sự quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tham gia kiểm định tại các dây chuyền kiểm định và được tính là đăng kiểm viên trên dây chuyền kiểm định.

VIẾT LONG/plo.vn

Chia sẻ bài viết