Trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo có thể tự làm một số việc đơn giản: Tự ăn cơm, xếp mền, gối sau khi ngủ dậy, sắp xếp bàn ghế,...
Cuộc sống trước đây còn nhiều khó khăn, gia đình lại đông con nên việc “đứa lớn ẵm đứa nhỏ”, vừa trông em, vừa thoăn thoắt làm việc nhà là rất bình thường. Ngày nay, khi cuộc sống tương đối no đủ, các gia đình thường ít con nên bao nhiêu tình thương, ông bà, cha mẹ đều tập trung vào trẻ. Từ đó, trẻ dễ có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào cha mẹ. Nhiều học sinh ở lứa tuổi tiểu học nhưng ông bà, cha mẹ vẫn phải phục vụ từng bữa ăn.
Chị Trần Thị Nhi (phường 2, TP.Tân An, tỉnh Long An) cho biết: “Vợ chồng tôi đi làm cả ngày nên gửi con cho ông bà ngoại chăm sóc. Được ông bà cưng chiều nên cháu hay làm nũng, ăn uống, ngủ nghỉ đều phải nhắc chừng. Chỉ khi nào có cha mẹ ở nhà, cháu mới tự giác ăn uống, vệ sinh cá nhân”.
Còn chị Hồ Thị Mẫn (xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) chia sẻ: “Con trai lớn của tôi mới 9 tuổi nên cũng còn ham chơi. Cả 2 vợ chồng đều làm ngành y, công việc bận rộn nên việc nào có thể tự làm thì vợ chồng tôi tập cho cháu làm từ nhỏ, thậm chí từ khi có em, cháu còn biết phụ giúp mẹ việc nhà. Tôi động viên cháu bằng cách “chia việc” để 2 mẹ con cùng làm. Ví dụ, tôi rửa chén thì cháu giúp phơi đồ, tôi nấu cơm thì cháu sẽ chăm em. Từ đó, cháu có trách nhiệm hơn”.Trẻ cần phải được rèn luyện từ khi còn nhỏ, vì càng lớn thì càng khó răn đe, dạy bảo.
Theo Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Thủ Thừa - Bùi Thị Kim Tuyền: Tùy theo lứa tuổi mà trẻ có khả năng tự lập khác nhau. Tại trường, các cháu 2, 3 tuổi có thể tự cầm muỗng ăn cơm, dọn dẹp đồ sau khi chơi xong. Ở lứa tuổi lớn hơn, các cháu biết giúp cô sắp xếp bàn ghế nhựa, tự xếp mền, gối sau khi ngủ dậy, cất tập vở, đánh răng, rửa tay trước khi ăn,... Sổ bé ngoan của trẻ cũng được các giáo viên ghi chép, nhận xét về khả năng tự lập, vâng lời để phụ huynh tiện theo dõi, phối hợp nhà trường trong việc giáo dục các cháu. Đồng thời, chúng tôi cũng trao đổi để phụ huynh không quá nuông chiều vì việc uốn nắn sẽ càng khó hơn khi trẻ lớn.
Với trẻ bình thường là thế, việc rèn luyện khả năng tự lập cho các em chậm phát triển, khiếm khuyết về thể chất, trí tuệ lại càng khó khăn hơn. Phó Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Long An - Trần Thanh Phong thông tin: Trong số 149 học sinh đang theo học tại trường, có 97 em khuyết tật nghe, nói, 52 em khuyết tật trí tuệ. Với 54 học sinh nội trú và 30 học sinh học bán trú, bên cạnh việc học, các em cũng được hướng dẫn tự làm vệ sinh cá nhân như đánh răng, gội đầu, sắp xếp đồ dùng cá nhân, dụng cụ học tập,... Ngoài ra, các em còn có thể tự phơi đồ, rửa chén để giúp đỡ cha mẹ lúc ở nhà.
Bên cạnh việc học, học sinh Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật được rèn luyện khả năng tự chăm sóc bản thân và làm các công việc cơ bản để phụ giúp cha mẹ khi ở nhà
Đầu năm 2017, Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật còn phối hợp Tổ chức Worldwide Orphans Foundation (WWO) triển khai chương trình Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ khuyết tật với những kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng các thiết bị gần gũi với cuộc sống hàng ngày: Ủi quần áo, dùng các dụng cụ nhà bếp,... giúp trẻ có thể hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, chương trình còn chú trọng giáo dục trẻ em gái khuyết tật vị thành niên biết cách chăm sóc, bảo vệ bản thân trước những nguy cơ xâm hại trong xã hội.
Giáo dục, rèn luyện tính tự lập cho trẻ là việc làm vô cùng quan trọng mà các bậc cha mẹ cần thực hiện càng sớm càng tốt. Trẻ tự lập, tự giác ngay từ thuở nhỏ, khi lớn lên sẽ là những người độc lập, quyết đoán và tự tin trong cuộc sống. Đây là nền tảng vững chắc cho quá trình trưởng thành của trẻ trong tương lai sau này./.
Phạm Ngân