Như vậy là sau hơn 1 ngày quần thảo với ”giặc lửa”, vụ cháy ở Kwong Lung – Meko Cần Thơ mới được dập tắt. Thiệt hại cho công ty là hàng trăm tỷ đồng và hơn 1.000 người lao động tạm thời mất công ăn việc làm. Có chứng kiến tại hiện trường vụ cháy mới thấy sự chống chọi của con người với giặc lửa nhiều khi vô cùng nhỏ nhoi.
Những vòi nước chưa đủ rộng và mạnh; những bao hóa chất phủ xuống chưa thể thắng nổi ngọn lửa hung hãn đang ngùn ngụt bốc cháy. Các chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) dù bất chấp hiểm nguy, gồng mình dùng đủ mọi phương tiện dập lửa song nhiều lúc cũng đành bất lực. Bởi khi cháy, sức nóng cộng với khói độc từ nguyên vật liệu tỏa ra đặc quánh, khiến con người dù rất mạnh khỏe cũng không thể chịu đựng được lâu dài.
Cần Thơ cũng thừa nhận công tác chữa cháy vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập
Kwong Lung – Meko là công ty may mặc có vốn đầu nước ngoài. Theo lãnh đạo Sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP. Cần Thơ, nhiều năm qua, doanh nghiệp này chưa tập trung cao nhất cho công tác PCCC nên cũng đã một vài lần bị xử phạt các lỗi vi phạm trong đảm bảo an toàn PCCC.
Thực tế việc công ty chứa các vật liệu dễ cháy như lông vũ, vải vóc, máy móc, mút nệm trong các phòng nhỏ, kín khi xảy cháy nên rất khó chữa. Đó là chưa kể việc làm mái che giữa các tòa nhà khi xảy cháy khiến sức nóng không thoát kịp càng sinh nhiệt cao giúp cháy nhanh hơn. Bên cạnh đó, qua vụ việc này, lãnh đạo chính quyền và ngành chức năng TP. Cần Thơ cũng thừa nhận công tác chữa cháy vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.
Cụ thể là việc thiếu các xe, các trang thiết bị chuyên dụng cũng làm cho việc chữa cháy trở nên lúng túng; nguồn nước để cung ứng khi xảy cháy lại khan hiếm; địa hình địa chất phức tạp, gây khó khăn, cản trở khi tiếp cận đám cháy. Để chữa cháy kịp thời, Cần Thơ đã phải huy động lực lượng từ TP HCM và các tỉnh lân cận để hỗ trợ.
Nhiều tài sản và công trình nhà xưởng của công ty Kwong Lung – Meko bị thiệt hại hoàn toàn
Từ vụ cháy ở công ty Kwong Lung – Meko cho thấy, ý thức phòng cháy chữa cháy của nhiều doanh nghiệp và cả hộ dân, cộng đồng nhiều nơi còn rất hạn chế. Mà trước tiên là việc phòng cháy. Do tập trung cho sản xuất, kinh doanh hay công tác bảo vệ, nhiều doanh nghiệp, hộ dân đã tự ý cơi nới hoặc gia cố cơ sở, nhà cửa vi phạm các nguyên tắc PCCC.
Thực tế ở nhiều khu dân cư tập trung hiện nay, đất cho lối thoát hiểm cũng bị người dân lấn chiếm; để an toàn, nhiều cơ sở sản xuất, hộ dân kiên cố hóa bằng mọi giá và bỏ qua phương án về phòng chống cháy nổ. Đó là chưa kể việc trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy, kỹ năng PCCC đều chưa được quan tâm đúng mức. Theo thống kê, năm 2016, cả nước xảy ra 3.006 vụ cháy, trong đó có 1.229 vụ cháy tại các cơ sở, 1.290 vụ cháy nhà dân làm chết 98 người, bị thương 180 người, thiệt hại về tài sản trị giá ước tính trên 1.240 tỷ đồng.
Rõ ràng để hạn chế các thiệt hại kể trên, công tác phòng cháy chữa cháy phải được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm nhiều hơn nữa, nhất là công tác phòng cháy. Công tác này phải được làm thường xuyên, liên tục trong cộng đồng dân cư và các chủ thể hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Kỹ năng PCCC phải được phổ cập cho học sinh khi còn trên ghế nhà trường và đến khi trưởng thành. Trong đó kỹ năng sử dụng, quản lý nguồn lửa là đặc biệt quan trọng. Công tác quản lý, giám sát, xử lý vi phạm về PCCC cũng cần được thực hiện xuyên suốt, cương quyết, triệt để. Phương án PCCC của cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư phải được thường xuyên tập luyện để không bị động khi xảy cháy. Trang thiết bị PCCC cũng cần được trang bị đầy đủ trong từng hộ gia đình và các tổ chức, cơ sở, doanh nghiệp. Và trên hết là ý thức PCCC phải thường trực trong mỗi cá nhân, tập thể và cả cộng đồng.
Chỉ khi chung tay, góp sức đầu tư cả nhân lực, vật lực cho công tác này, việc phòng cháy chữa mới mong đạt hiệu quả. Các thiệt hại về người và của do cháy nổ gây ra mới được hạn chế./.
Trọng ĐiểnVOV-ĐBSCL