Niềm vui sau 1 đêm bắt chuột đồng
Đa dạng đặc sản
Khi con nước tràn về bắt đầu mang phù sa bồi đắp đồng ruộng cũng là thời điểm những bông điên điển rực vàng, trái cà na xanh thẫm theo gió đung đưa hay cá linh non đầu mùa thi nhau ùa theo con nước,... Đó là những tín hiệu bắt đầu mùa lũ. Con nước tràn về khiến mọi vật như bừng tỉnh. Sau đợt thu hoạch lúa, người dân lại hào hứng “đón” lũ bằng cách giăng lưới, đặt lọp, đóng đáy,... bắt cá hay chèo xuồng hái bông điên điển, bông súng, nhổ hẹ nước,... kiếm “chút đỉnh” trang trải cho gia đình. Mùa lũ về mang theo biết bao sản vật thiên nhiên phong phú, mang về bao lợi ích cho nhà nông. Thế nên, năm nào mà lũ về muộn hay không có lũ là ai nấy cũng... “buồn thiu”.
Năm nay, mực nước lũ cao hơn vài năm qua, vì thế, cảm giác nhịp sống vùng quê cũng sôi động, nhộn nhịp hơn hẳn. Tại những buổi chợ sớm, những bến thuyền ven sông ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười cũng tấp nập người mua, kẻ bán. Tay khệ nệ bưng 1 lồng chuột nặng, chị Đỗ Thị Út (ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa) cho biết: “Cả lồng khoảng 7kg chuột đồng này tôi cùng chồng và 2 con trai bắt đêm qua, công việc bắt đầu từ lúc 20 giờ... Bắt chuột khá nguy hiểm - vì cứ bị chuột cắn hoài, 2 tay bị chuột cắn riết nên bị lở, có khi không lành nổi vì để ướt hoài. Chuột đồng giờ giá khoảng trên 25.000 đồng/kg - chưa làm sạch. Mấy ngày khác, tôi cũng giăng lưới bắt cá chứ không phải ngày nào cũng bắt chuột. Không ruộng đất, cả nhà tôi bắt cá, bắt chuột mùa lũ, lấy công làm lời để có ít tiền trang trải cuộc sống”.
Người dân mua cá tạp làm mồi nuôi cá lóc mùa lũ
Còn ông Nguyễn Văn Trà (xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cũng vừa bán xong gần chục ký cá rô với giá 40.000 đồng/kg chia sẻ, đây là năm đầu tiên, gia đình ông đến Long An để bắt cá. Bình thường 2 vợ chồng làm ruộng, đến mùa nước nổi thì chèo xuồng hái bông điên điển, bông súng, bắt cá, ốc kiếm thêm. “Năm nay, tới giờ này vẫn còn cá chứ như mấy năm trước nước rút rồi, có năm còn không có lũ, cá, tôm cũng chẳng có mà bắt! Đầu mùa, tôi với mấy đứa con còn đặt dớn bắt cá linh, mỗi đêm kiếm được 60-70kg cá”.
Ông Nguyễn Văn Nhựt (xã Vĩnh Đại, huyện Vĩnh Hưng) thì từ đầu mùa nước đến giờ còn tranh thủ trồng rau nhút cặp theo bờ ruộng, sau 1 tháng là có thể thu hoạch lần đầu và sau 5-7 ngày thì tiếp tục cắt bán; số tiền từ trồng rau cũng giúp ông kiếm được vài trăm ngàn đồng tiền chợ. Mùa nước nổi, rau nhút phát triển nhanh, đỡ chi phí phân bón vì có phù sa trong nước. Tuy nhiên, ông phải chịu khó bắt ốc bươu vàng gây hại. Ngoài ra, chiều chiều, ông còn tranh thủ đi câu ếch dọc bờ ruộng hay đặt trúm bắt lươn, vừa cải thiện bữa ăn, còn dư thì bán kiếm thêm tiền trang trải trong gia đình.
Tận dụng mùa nước, nuôi thủy sản
Tại Long An, vùng nuôi thủy sản nước ngọt theo quy hoạch phát triển thủy sản của tỉnh tập trung tại các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Đức Huệ và thị xã Kiến Tường. Năm 2016 này, mực nước lũ cao hơn so với cùng kỳ năm 2015, vì thế, sản lượng khai thác cũng nhiều hơn, nguồn lợi thủy sản đa dạng và phong phú với các loài cá: Linh, chốt, chạch, mè vinh và ếch, lươn,...
Bên cạnh khai thác lợi ích kinh tế, người dân cần chú ý bảo vệ môi trường và bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Người dân khai thác nguồn lợi thủy sản chủ yếu phục vụ nhu cầu thực phẩm, làm thức ăn (cá mồi) cho nuôi thủy sản của hộ gia đình, phần còn lại thì bán dùng làm thức ăn cho các hộ nuôi khác. Bà Nguyễn Thị Điền (ấp Tân Thiết, xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa) mỗi ngày đều đến xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng mua cá mồi của mối quen về nuôi cá lóc đầu vuông. Bà nuôi cá được gần 8 năm vì không tốn nhiều công sức, cá dễ nuôi, mau lớn. Đặc biệt, trong mùa lũ này, ngoài 5.000m2 mặt nước, bà còn nuôi thêm 2.000m2 trên ruộng.
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Thị Hai, không chỉ riêng mùa nước nổi, các hộ nông dân nuôi cá thường xuyên phân bổ rải rác trên địa bàn huyện, tập trung chủ yếu tại các xã: Thuận Nghĩa Hòa, Thuận Bình, Thạnh Phước và thị trấn Thạnh Hóa. Tổng diện tích ước khoảng 141,7ha, chưa thống kê hết được số hộ nuôi thêm trong mùa lũ. Các loại cá mà người dân chọn nuôi đa phần là: Trê, lóc và rô vì ít bị bệnh, dễ nuôi và bán có giá. Cứ khoảng 3,5 tháng thì thu hoạch một lần. Trừ chi phí đầu tư khoảng 75 triệu đồng, các hộ dân lời trung bình 27 triệu đồng/1.000m2 diện tích ao nuôi. Hội Nông dân thường xuyên mở các lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Năm 2016, số lượng hộ nuôi cá tăng vọt so với cùng kỳ 433,9%, với 243/56 hộ.
Cà na là một trong những đặc sản mùa nước nổi
Ông Huỳnh Văng Mạng (ấp 3, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa) hiện đang nuôi cá tra, cá mùi và cá chép trên 4.000m2 ao nuôi. Riêng mùa nước nổi, từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, ông còn mở rộng thêm 2.000m2 mặt nước ruộng nhằm giảm bớt chi phí đầu tư, nâng cao thu nhập trên đất trồng lúa. Ông nuôi cá rô vì loại cá này có sức đề kháng tốt, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên như ốc bươu, cá mồi được bổ sung cũng có giá rất rẻ trong mùa lũ.
Người dân bắt ốc mùa nước nổi
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Long An - Tạ Văn Nguyễn Hoàng, diện tích nuôi cá toàn tỉnh là 3.000ha và thể tích nuôi bè, vèo là 13.500m3. Tình hình nuôi thủy sản tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười đang có chiều hướng phát triển mạnh, góp phần tăng sản lượng thủy sản nuôi, từng bước hình thành vùng nuôi thủy sản tập trung theo quy hoạch phát triển thủy sản của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay hộ nuôi còn gặp nhiều khó khăn: Chất lượng con giống chưa bảo đảm, giá thức ăn tăng cao, một số hộ nuôi còn sử dụng chất cấm, giá cá thương phẩm không ổn định. Ngoài ra, một số hộ nuôi chưa tiếp cận các mô hình nuôi mới hiệu quả hơn mà chủ yếu nuôi thủy sản dựa trên kinh nghiệm và thông qua tập huấn kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm với các hộ nuôi khác.
Mùa nước nổi mang về cho người dân biết bao sản vật từ thiên nhiên ban tặng. Bên cạnh tận dụng, khai thác lợi ích kinh tế từ những “tặng phẩm” vô giá ấy, người dân cần chú ý bảo vệ môi trường, tái tạo nguồn lợi thủy sản cho tương lai,... |
Để góp phần phát triển thủy sản các huyện vùng Đồng Tháp Mười trong thời gian tới, Chi cục Thủy sản khuyến cáo người dân khai thác nguồn lợi thủy sản cần tuân thủ các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; không sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện và lưới có kích thước mắt lưới nhỏ để khai thác làm suy giảm nguồn lợi thủy sản. Tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm góp phần đa dạng sinh học, phong phú nguồn lợi thủy sản trên các sông, kênh, rạch tại địa phương.
Các hộ nuôi thủy sản cần chú ý mua con giống, thức ăn ở những cơ sở có uy tín, tuyệt đối không sử dụng chất cấm, chỉ sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh khi cần thiết. Người dân cần nuôi các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn và theo nhu cầu đầu ra của thị trường. Đồng thời, cần quan tâm lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo chính sách khuyến khích phát triển nuôi thủy sản các huyện vùng Đồng Tháp Mười.
Giăng lưới bắt cá mùa lũ
Chi cục Thủy sản phối hợp chính quyền địa phương triển khai hội nghị tuyên truyền bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh, tổ chức thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản; tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác thủy sản trái phép; phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra chất lượng con giống, thức ăn, chất cấm, chất xử lý cải tạo môi trường,... Ngoài ra, ngành còn tổ chức hội nghị tuyên truyền chính sách khuyến khích phát triển nuôi thủy sản các huyện vùng Đồng Tháp Mười đến các hộ nuôi biết và lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ; khuyến khích hộ nuôi theo hướng VietGAP, liên kết theo chuỗi, nhằm kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và ổn định giá đầu ra.
Mùa nước nổi mang về cho người dân biết bao sản vật từ thiên nhiên ban tặng. Bên cạnh tận dụng, khai thác lợi ích kinh tế từ những “tặng phẩm” vô giá ấy, người dân cần chú ý bảo vệ môi trường, tái tạo nguồn lợi thủy sản cho tương lai./.
Phạm Ngân