Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith tại trụ sở Chính phủ. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith từ ngày 1-3/10/2019, hai bên đã ra "Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào về tăng cường quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào trong tình hình mới."
Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung này:
1. Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Thongloun Sisoulith và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Lào đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 01-03/10/2019.
2. Trong thời gian thăm, Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã dự lễ đón chính thức, hội đàm và chiêu đãi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; chào xã giao Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; đặt vòng hoa tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đài Tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ; thăm làm việc một số cơ sở kinh tế, văn hóa tại thành phố Đà Nẵng.
Nhân dịp này, hai Thủ tướng Chính phủ đã chứng kiến lễ ký và trao đổi 8 văn kiện hợp tác.
Trong bầu không khí thắm tình hữu nghị, Lãnh đạo cấp cao hai nước đã chia sẻ tin cậy về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, việc triển khai công tác đối ngoại tại mỗi nước thời gian qua; đồng thời trao đổi thẳng thắn, sâu rộng về các phương hướng, biện pháp nhằm củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào trong thời gian tới. Hai bên khẳng định tiếp tục kề vai sát cánh hỗ trợ lẫn nhau trên con đường bảo vệ và phát triển đất nước của mỗi nước, cả trong khuôn khổ song phương cũng như tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Các lãnh đạo Việt Nam chúc mừng các thành tựu Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào anh em đạt được thời gian qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, đặc biệt là duy trì đà tăng trưởng ổn định, củng cố quốc phòng, an ninh quốc gia, khắc phục hậu quả thiên tai và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời cảm ơn Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào anh em đã kịp thời hỗ trợ nhân dân Việt Nam bị thiệt hại do mưa lũ thời gian vừa qua.
Thủ tướng Thongloun Sisoulith đánh giá cao những thành tựu Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam anh em đã giành được trong thời gian qua dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện qua sự phát triển kinh tế-xã hội, tiến bộ khoa học-kỹ thuật và vị thế không ngừng nâng cao của Việt Nam ở khu vực và quốc tế; đồng thời cảm ơn những hỗ trợ quý giá Việt Nam dành cho Lào liên tục trong nhiều năm qua, nhất là đối với thiên tai khẩn cấp.
3. Trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực có nhiều biến động, thách thức, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng mang ý nghĩa sống còn của quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, cho đây là quy luật bất biến, là động lực tồn tại và phát triển của sự nghiệp cách mạng mỗi nước, trong đó các thế hệ nối tiếp phải có trách nhiệm cùng nhau gìn giữ, vun đắp để mối quan hệ đặc biệt thủy chung hiếm có này vươn lên tầm cao mới và mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai dân tộc.
4. Trên cơ sở đó, hai bên nhất trí tiếp tục duy trì việc trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, các cấp, các kênh theo hướng tinh gọn, hiệu quả, thực chất, chú trọng việc chia sẻ tin cậy các kinh nghiệm và tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; rà soát thường xuyên và tập trung triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao đạt được, đặc biệt là kết quả chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (02/2019) và kết quả kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ lần thứ 41 (2/2019); kiện toàn, nâng cao hiệu quả của tất cả các cơ chế hợp tác. Hai bên nhất trí tiếp tục khuyến khích các bộ, ban, ngành, địa phương mở rộng quan hệ hợp tác trực tiếp, kịp thời hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh, ổn định và trật tự, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trên cơ sở hữu nghị, đoàn kết.
5. Hai bên một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc phòng, an ninh chặt chẽ, phấn đấu luôn là chỗ dựa vững chắc cho nhau nhằm đối phó với các thách thức an ninh, quốc phòng ngày càng đa dạng, phức tạp; nhất trí phối hợp triển khai tốt các điều ước và thỏa thuận song phương về biên giới, lãnh thổ. Hai bên nhất trí sớm tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá hiệu quả việc thực hiện mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Việt Nam)-Đen Sạ Vẳn (Lào); đồng thời phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá việc thực hiện Thỏa thuận giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước (ký ngày 08/7/2013) vào cuối quý 4/2019. Hai bên nhất trí tiếp tục tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại Lào và cộng đồng người Lào tại Việt Nam sinh sống, làm việc, học tập phù hợp với quy định, pháp luật tại mỗi nước và thông lệ quốc tế.
Hai bên nhất trí phối hợp tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam giúp Lào (30/10/1949-30/10/2019) để tri ân những hy sinh xương máu của thế hệ trước và góp phần giáo dục các thế hệ sau về tình đoàn kết đặc biệt keo sơn giữa hai dân tộc.
6. Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học-công nghệ trên cơ sở phát huy thế mạnh và tiềm lực của mỗi nước; thúc đẩy triển khai các biên bản thỏa thuận và thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao, văn kiện, kế hoạch hợp tác giữa hai Chính phủ; quan tâm tổ chức thực hiện và có biện pháp đảm bảo tiến độ và chất lượng các dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào cũng như của Lào tại Việt Nam và các dự án hợp tác song phương khác, đặc biệt là thực hiện Biên bản Thỏa thuận giữa Chính phủ Lào và Chính phủ Việt Nam về hợp tác phát triển các dự án thủy điện tại Lào, việc kết nối đường truyền tải điện, mua bán điện ký ngày 05/10/2016.
Hai bên đánh giá cao các tiến triển tích cực trong hợp tác thương mại song phương thời gian qua; nhất trí cùng nỗ lực thúc đẩy, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại tăng trưởng ổn định theo kế hoạch đề ra từ 10%-15%/năm; mở rộng và đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại; thúc đẩy xây dựng và ký Bản ghi nhớ/Thỏa thuận về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới.
Thủ tướng Thongloun Sisoulith nhất trí sớm tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp lần hai với doanh nghiệp Việt Nam tại Lào trong năm 2019; đề nghị doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, tham dự.
7. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối về thể chế, hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông, du lịch và triển khai hiệu quả các dự án hợp tác quan trọng, ưu tiên các dự án giao thông vận tải, trong đó có kết nối hàng không và các tuyến giao thông dọc Hành lang Kinh tế Đông-Tây (EWEC) và kết nối xe buýt Việt Nam-Lào-Thái Lan; nhất trí giao các bộ, ngành, địa phương liên quan nhanh chóng rà soát, báo cáo Lãnh đạo cấp cao tiến độ và chất lượng các dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào, kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh, không để chậm trễ so với kế hoạch.
Hai bên nhất trí phối hợp thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam và triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động kết nối ba nền kinh tế Campuchia-Lào-Việt Nam đến năm 2030 đã được Lãnh đạo ba nước thông qua tại Hội nghị cấp cao CLV lần thứ 10 (Hà Nội, tháng 3/2018).
8. Hai bên đặc biệt quan tâm đến hợp tác giáo dục-đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất trí tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả các thỏa thuận về hợp tác giáo dục, đào tạo; mở rộng các lĩnh vực hợp tác phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các ngành mũi nhọn để bắt kịp với sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Hai Thủ tướng chứng kiến lễ ký Biên bản ghi nhớ giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Quốc gia Lào về hợp các hoạt động ngân hàng trọng tâm giai đoạn 2019-2024. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
9. Hai bên đánh giá cao hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, giao lưu văn hóa nghệ thuật, xúc tiến du lịch ở cả cấp trung ương và địa phương; nhất trí tăng cường kết nối sản phẩm du lịch, nhất là giữa các tỉnh biên giới Nam Lào và miền Trung Việt Nam; tích cực tham gia các sự kiện du lịch quốc tế tổ chức trên lãnh thổ hai bên.
Hai bên nhấn mạnh tăng cường trao đổi thông tin về công tác thực hiện Hiệp định hợp tác lao động Lào-Việt Nam. Lào tiếp tục xem xét tích cực việc tạo điều kiện đơn giản hóa các thủ tục thu phí liên quan tới việc xin cấp phép cho lao động Việt Nam, nhất là các lao động tham gia các dự án trọng điểm đối với quan hệ hai nước.
10. Hai bên nhất trí chia sẻ thông tin kịp thời và phối hợp chặt chẽ với nhau và với các nước, các tổ chức quốc tế có liên quan để bảo đảm quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công vì lợi ích chung của nhân dân các nước tại tiểu vùng; tiếp tục phối hợp hiệu quả và ủng hộ lẫn nhau tại các cơ chế hợp tác khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ ASEAN, Liên hợp quốc, WTO, ASEM, Không liên kết và các cơ chế hợp tác Tiểu vùng Mê Công, trong đó có Ủy hội sông Mekong Quốc tế.
Hai bên khẳng định cam kết nỗ lực cùng các quốc gia thành viên xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, dựa trên luật lệ, đoàn kết, thống nhất, lấy người dân làm trung tâm và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.
Lào khẳng định ủng hộ và phối hợp chặt chẽ khi Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Hai bên cam kết tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau để đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện và sâu sắc vì lợi ích của nhân dân hai nước. Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ với các nước liên quan hướng tới cơ bản hoàn tất đàm phán trong năm 2019 Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) toàn diện, cân bằng về lợi ích, tính đến sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các thành viên.
11. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, thượng tôn pháp luật, an ninh, bảo đảm an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Hai bên tái khẳng định các lập trường nguyên tắc của ASEAN về vấn đề Biển Đông nêu trong các Tuyên bố gần đây của ASEAN, nhất là Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM 52) tại Băng-cốc tháng 7/2019.
12. Hai bên đánh giá cao kết quả tốt đẹp và ý nghĩa sâu sắc của chuyến thăm chính thức Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Thongloun Sisoulith, góp phần đưa quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào ngày càng phát triển đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Chính phủ Lào Thongloun Sisoulith chân thành cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, thắm tình đồng chí anh em của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam dành cho đoàn; chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Bounnhang Vorachith, Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotou tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và trân trọng mời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân sang thăm chính thức Lào vào thời gian thích hợp. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã vui vẻ nhận lời./.
Theo TTXVN