Tiếng Việt | English

25/12/2023 - 08:59

Tuyên truyền trên không gian mạng - nhiệm vụ quan trọng

Bối cảnh mới đặt ra yêu cầu phải coi trọng hơn nữa, đổi mới phương pháp, hình thức và đẩy mạnh tuyên truyền trên không gian mạng nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Qua đó, tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị và người dân, đồng tâm, hiệp lực, tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Tận dụng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Theo báo cáo Digital Vietnam Report 2023 của We Are Social và Hootsuite công bố trong quí I/2023, Việt Nam có 77,93 triệu thuê bao Internet, hơn 70 triệu tài khoản mạng xã hội (MXH), 63 triệu tài khoản YouTube và khoảng 49,86 triệu tài khoản TikTok.

Mỗi ngày, một người (trong độ tuổi từ 16-64) sử dụng MXH trong 2 giờ 32 phút (nhiều nhất là Facebook, sau đó là YouTube, TikTok) trên tổng thời gian sử sụng Internet là 6 giờ 23 phút. Điều này cho thấy, không gian mạng đang được phần lớn người dân Việt Nam yêu thích và thực hiện các hoạt động giao tiếp xã hội. Với số lượng người dùng tăng trưởng nhanh chóng, các MXH đang tạo ra một xã hội tồn tại song song với xã hội thực.

Ảnh minh họa: Internet

MXH thực sự là “sân chơi” mà mỗi cá nhân ẩn danh hoặc hiện danh thể hiện đầy đủ, nhanh chóng tâm trạng, sở thích, quan điểm, lập trường của mình. Có thể thấy, MXH là không gian lý tưởng để thực hiện các mục tiêu đấu tranh tư tưởng, các chiến lược thông tin, truyền thông của các chủ thể bằng các hoạt động tuyên truyền, tạo dư luận và định hướng dư luận.

Chính vì vậy, chúng ta phải tận dụng MXH để tổ chức tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa; làm thất bại âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trên môi trường không gian mạng.

Để tổ chức tuyên truyền trên MXH đạt chất lượng, hiệu quả, cần nắm vững một số đặc trưng cơ bản của không gian mạng, cụ thể:

Các trang MXH ngày càng phát triển công nghệ, tiện ích với tính năng “bình luận” và “chia sẻ” thông tin rất nhanh chóng, trở thành không gian hình thành các luồng dư luận lớn tác động mạnh mẽ đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, nhân dân và mọi mặt của đời sống xã hội.

Các MXH nước ngoài như Facebook, YouTube,... hoạt động theo các chính sách quản lý do họ đặt ra và thường tìm mọi cách để không tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam, nhất là các quy định về quản lý nội dung thông tin và quảng cáo. Những doanh nghiệp này thường lấy cớ đề cao giá trị tự do, dân chủ, nhất là tự do ngôn luận, tự do Internet để cho phép người dùng thoải mái đăng tải tin giả (fake news) thông tin bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân khác (hate speech), thậm chí còn tạo điều kiện cho các tổ chức phản động, đối tượng chống đối, thù địch công khai sử dụng MXH của họ để hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, lật đổ chế độ chính trị ở Việt Nam. Các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, chống đối chính trị cũng xác định MXH là mặt trận chính để thực hiện các hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Sự phát triển của MXH đã kết nối thế giới đến từng cá nhân, làm cho việc tiếp cận thông tin không còn chỉ qua báo chí như trước đây; thay vào đó, tất cả mọi người sử dụng MXH đều tham gia vào quá trình tương tác, cung cấp, chia sẻ thông tin, tạo ra môi trường thông tin đa chiều, được tiếp cận, nhận định, đánh giá, đăng tải từ nhiều cách nhìn nhận khác nhau với nội dung phong phú, đa dạng, trong đó, tư tưởng, thái độ, nhu cầu của người dân cũng quyết định đến nội dung và phương thức tuyên truyền trên MXH.

Chính vì vậy, tuyên truyền trên MXH cần chủ động tương tác, điều tra, nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, tâm tư, nguyện vọng, tâm trạng của nhân dân để kịp thời cung cấp thông tin chính thống, có chọn lọc, có chất lượng, gắn với thực tiễn đời sống xã hội được dư luận quan tâm. Đó là yêu cầu, điều kiện tiên quyết để có thể thực hiện tuyên truyền trên không gian mạng.

Trên MXH, bất kỳ người dùng nào cũng có thể tạo ra một “cơ quan truyền thông” của riêng mình, sản xuất tin, bài như một tòa soạn thu nhỏ tích hợp đầy đủ các loại hình báo chí với độ nhanh nhạy, cập nhật thông tin cao. Tuổi thọ của thông tin trên MXH rất ngắn. Vì vậy, thông tin phải được cập nhật liên tục, luôn mới, gắn với thực tiễn đời sống xã hội, được nhiều người quan tâm thì mới có giá trị và lôi cuốn đông đảo người truy cập, tương tác, bình luận và chia sẻ.

Đó là những thông tin mang tính thời sự, phản ánh những chính sách mới, chủ trương mới, sự kiện mới, sự vật mới, sự việc mới,... Tuyên truyền thông tin mới nhưng phải có chọn lọc, có tính định hướng, thúc đẩy cái đẹp, cái tích cực, phê phán và đấu tranh với cái xấu, tiêu cực kìm hãm sự phát triển của cộng đồng và xã hội.

Đặc biệt, cần tận dụng những thành tựu của công nghệ thông tin để tạo ra các sản phẩm hấp dẫn về hình thức lẫn nội dung như video, bài hát, thông tin đồ họa (Infographic), tin theo dòng sự kiện (Timeline),... Ngoài ra, tuyên truyền trên MXH phải thông qua những sự kiện, sự việc có thật đang diễn ra được nhiều người quan tâm, thuyết phục “cư dân mạng” không chỉ bằng luận chứng, luận cứ khoa học mà còn bằng chính thực tiễn cuộc sống gần gũi và chân thật.

Tổ chức tuyên truyền hiệu quả trên không gian mạng

Để đẩy mạnh tuyên truyền trên không gian MXH, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cần tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:

Các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cán bộ, đảng viên phải nâng cao nhận thức và coi trọng, xác định rõ không gian mạng là một mặt trận đấu tranh tư tưởng hiện nay. Bên cạnh đấu tranh trực diện với các quan điểm sai trái, thù địch, cần chủ động khai thác, chuyển tải những thông tin tích cực, tạo ra môi trường thông tin lành mạnh, góp phần ổn định dư luận, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và những thành tựu của đất nước sau gần 40 năm đổi mới.

Cán bộ, đảng viên phải sử dụng thành thạo MXH trên nền tảng Internet để triển khai công việc; ứng dụng Internet, MXH để giao tiếp với quần chúng nhân dân và đưa không gian mạng thành một kênh mới để tăng cường sự giám sát của nhân dân. Với công nghệ hiện đại, thông qua việc lập các fanpage, nhóm, kênh trên MXH,... hoàn toàn có thể trở thành “cánh tay nối dài” của cơ quan, đơn vị trong cung cấp thông tin chính thống và định hướng kịp thời những vấn đề quan trọng, nhạy cảm, phức tạp.

Cơ quan chức năng các cấp cần tổ chức nắm bắt thường xuyên thái độ của người sử dụng MXH đối với các vấn đề, sự kiện đang được dư luận xã hội quan tâm, phải thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, khó khăn, vướng mắc trong đời sống nhân dân; theo dõi chặt chẽ tình hình và xu hướng của dư luận xã hội; nghiên cứu, phân tích, kịp thời phát hiện những vấn đề mang tính khuynh hướng, những vấn đề mới xuất hiện có mức độ ảnh hưởng bộ phận lớn các giai tầng xã hội. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng sẽ tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đề ra những chủ trương, biện pháp tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tiễn.

Các tổ chức, cơ quan chức năng và các đoàn thể cần lập diễn đàn, xây dựng các nhóm, cộng đồng riêng, trong đó nòng cốt là cán bộ, đảng viên; đồng thời, kết nạp thêm thành viên, người theo dõi, huy động đông đảo người tham gia truy cập cung cấp thông tin tích cực, chính thống.

Xây dựng và phát huy hiệu quả vai trò của các cộng tác viên. Để phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trên MXH, ngoài lực lượng nòng cốt là đội ngũ những chuyên gia, người làm báo, cần có lực lượng tuyên truyền, tương tác, chia sẻ những bài phân tích, vạch trần bản chất những thông tin xấu, độc trên MXH.

Đồng thời, phát huy vai trò của những người điều hành các website, blog, fanpage, các nhóm cùng sở thích. Coi trọng và phát huy vai trò của những người có uy tín và ảnh hưởng trên MXH theo hướng tích cực sẽ tạo ảnh hưởng tốt tới cộng đồng mạng.

Mục tiêu tuyên truyền là cung cấp thông tin chính thống, tích cực, đề cao những giá trị cao đẹp của đất nước, con người Việt Nam làm “kho tàng” luận cứ phản bác những thông tin xấu, độc, xuyên tạc, sai sự thật. Nội dung tuyên truyền trên không gian mạng nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa được tổ chức trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, có thể khái quát thành 2 lĩnh vực dễ nhớ, dễ thực hiện: Tuyên truyền thông tin tích cực và tuyên truyền đấu tranh thông tin xấu, độc, luận điệu sai trái, thù địch./.

Huyền Linh

Chia sẻ bài viết