Trồng rau ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại
Thay đổi thói quen sản xuất
Gia đình anh Trần Văn Dô, ngụ ấp 5, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, sống bằng nghề nuôi bò theo kiểu “cha truyền con nối”. Song, gia đình anh chăn nuôi theo cách thức truyền thống và nhỏ, lẻ. Điều này làm cho nguồn thu nhập từ chăn nuôi bò không ổn định, có lúc anh Dô muốn bỏ nghề để kiếm nghề khác sinh sống.
Anh Dô trải lòng: “Trước đây, người dân Đức Huệ nói chung, gia đình tôi nói riêng thường nuôi trâu, bò theo hướng thả rong, chiều tối mới lùa về chuồng, chủ yếu cho ăn rơm, cỏ và chưa tiêm ngừa thường xuyên. Do đó, chỉ 1 con bò bị bệnh là lây lan cả đàn bò trong xóm. Giống bò nuôi cũng không rõ nguồn gốc, thường là giống bò cỏ nên chậm lớn và giá trị kinh tế không cao”.
Tương tự, ông Trương Văn Thắng, ngụ ấp 1, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, cũng lao đao vì nuôi bò theo kiểu truyền thống. Ông Thắng nói: “Nuôi bò theo cách truyền thống vất vả lắm! Sáng thức dậy sớm đi cắt cỏ, sau đó vệ sinh chuồng trại, tôi làm suốt cả ngày nhưng thu nhập chẳng bao nhiêu. Những năm trước, gia đình tôi nuôi bò vàng sinh sản, vài năm mới sinh sản nhưng chỉ cần “gãy” 1 con là xem như làm không công”.
Đó chỉ là chuyện nuôi bò trước đây, còn bây giờ, anh Dô, ông Thắng và nhiều hộ chăn nuôi bò trên địa bàn huyện Đức Huệ bắt đầu chuyển sang ƯDCNC vào chăn nuôi. Anh Dô cho biết thêm: “Năm 2018, tôi được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chọn làm điểm thực hiện mô hình Nuôi bò ƯDCNC. Theo đó, tôi được hỗ trợ 12 con bò giống, máy cắt cỏ và hầm biogas; đồng thời, được giảng viên Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM thiết kế chuồng trại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Sau thời gian thực hiện, bình quân mỗi năm, tôi thu nhập trên 150 triệu đồng, tăng gấp mấy lần so với nuôi kiểu truyền thống”.
Từ khi chuyển sang nuôi bò Ý, gia đình ông Trương Văn Thắng có thu nhập trên 150 triệu đồng/năm, tăng gấp mấy lần so với chăn nuôi theo kiểu truyền thống
Còn ông Thắng thì mạnh dạn chuyển từ bò vàng sang nuôi bò Ý, với thức ăn chủ yếu là bắp ủ chua thay vì cỏ, rơm. Ông Thắng nói: “Chăn nuôi bò Ý, chi phí ban đầu rất cao, bình quân 35 triệu đồng/con giống. Thế nhưng, chỉ cần 3 tháng nuôi theo mô hình khép kín thì lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng/con. Mỗi năm, gia đình tôi bán bò 4 lần, lợi nhuận trên 150 triệu đồng/năm”.
Những hiệu quả bước đầu từ mô hình Nuôi bò ƯDCNC đang dần thay đổi thói quen chăn nuôi truyền thống, góp phần nâng cao giá trị đàn bò, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho nông dân. Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Quý Tây - Trần Nhựt Quốc cho biết: “Hiện nay, xã Mỹ Quý Tây có khoảng 1.200 con bò, nhiều người dân chuyển sang nuôi bò ƯDCNC. Cụ thể, nông dân biết thiết kế chuồng trại đúng quy chuẩn, chọn con giống chất lượng, xử lý chất thải và đưa cơ giới hóa vào chăn nuôi. Qua đó, người nuôi chủ động được con giống, tăng 30% giá trị đàn bê cũng như trọng lượng”.
Không chỉ ƯDCNC vào chăn nuôi,nhiều nông dân vùng Đồng Tháp Mười còn ƯDCNC vào trồng lúa. Ông Nguyễn Tuấn Nguyền, ngụ xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh, chia sẻ: “Trước đây, 10ha đất trồng lúa của gia đình chủ yếu sạ, bón phân, xịt thuốc thủ công. Thấy việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận nên tôi mạnh dạn đầu tư máy bay phun thuốc; đồng thời, vào mùa gieo sạ sẽ thuê máy sạ hàng. Giờ đây, 10ha lúa của gia đình chỉ cần 2 người làm, không phải thuê nhân công nhiều như trước đây”.
Tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống
Xác định việc ƯDCNC vào sản xuất là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục chọn Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là một trong những chương trình đột phá. Trong đó, mở rộng diện tích và đối tượng thực hiện, chỉ tiêu cụ thể như cây lúa 60.200ha, thanh long 6.000ha, cây chanh 3.000ha, duy trì 2.000ha rau ƯDCNC, con tôm 100ha và con bò thịt.
Những năm qua, các địa phương vùng Đồng Tháp Mười duy trì và nhân rộng các mô hình ƯDCNC trên cây lúa. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mộc Hóa - Nguyễn Thanh Nam thông tin: “Diện tích thực hiện ƯDCNC đến năm 2025 của huyện là 6.400ha. Vụ Đông Xuân 2020-2021, huyện phối hợp tỉnh triển khai mô hình chuyển đổi sản xuất theo hướng an toàn (VietGAP), ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất lúa. Mô hình thực hiện quy mô 50ha, 40 hộ, sử dụng giống OM18 xác nhận, sạ bằng máy sạ hàng. Kết quả, mô hình đã áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu gieo sạ, chăm sóc đến thu hoạch; áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm”; sử dụng phân hữu cơ vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học; lượng giống gieo sạ 100kg/ha (giảm 40kg/ha); chi phí sản xuất bình quân giảm 1.065.000 đồng/ha, năng suất cao hơn 100kg/ha, giá bán chênh lệch 100 đồng/kg so với ngoài mô hình”.
Việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác
Huyện Cần Đước có trên 700ha rau màu, chủ yếu trồng nhiều tại các xã: Long Khê, Long Trạch, Long Hòa, Phước Vân, Tân Trạch, Long Cang, Long Sơn, năng suất bình quân 20-22 tấn/ha/vụ. Trong đó, diện tích trồng rau ƯDCNC trên 300ha, với khoảng 1.450 hộ, sản lượng khoảng 70.000 tấn/năm, chủ yếu tiêu thụ ở TP.HCM và tiêu dùng tại địa phương. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương nói: “Huyện đã thành lập được nhiều hợp tác xã, mô hình sản xuất rau đạt hiệu quả kinh tế cao với thu nhập hơn 400 triệu đồng/ha/năm. Các hợp tác xã, doanh nghiệp tiêu thụ rau an toàn được cấp giấy chứng nhận VietGAP, bình quân doanh nghiệp tiêu thụ khoảng 30-50 tấn/ngày”.
Có thể thấy, chương trình ƯDCNC vào sản xuất nông nghiệp đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần tăng khả năng cạnh tranh của nông sản, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Điều này càng khẳng định, ƯDCNC vào nông nghiệp là hướng đi đúng, bền vững, phù hợp với nền nông nghiệp hiện đại. Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: Bên cạnh kết quả, quá trình thực hiện Chương trình ƯDCNC còn nhiều khó khăn, hạn chế: Sự tham gia, phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa thật sự đồng bộ; liên kết “4 nhà” chưa chặt chẽ, thiếu bền vững; chưa có nhiều doanh nghiệp đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt, thúc đẩy phát triển nông nghiệp ƯDCNC; kết cấu hạ tầng tuy được đầu tư nhưng chưa đáp ứng đủ, nhất là về điện, giao thông, thủy lợi,…
“Để hoàn thành Chương trình đột phá về Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, ngành NN&PTNT tỉnh tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, nông nghiệp hữu cơ,…; tập trung công tác quy hoạch, tổ chức lại sản xuất; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp ƯDCNC; tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp ƯDCNC; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; xây dựng và triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách; chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và kết nối thương mại điện tử, quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng,…” - ông Nguyễn Thanh Truyền cho biết thêm./.
Kim Ngọc