Tiếng Việt | English

09/05/2019 - 10:33

Vẫn còn đó nỗi lo bạo lực học đường

Bạo lực học đường (BLHĐ) vẫn đang tiềm ẩn trong các trường học. Khi xảy ra mâu thuẫn, chỉ cần một phút thiếu kiềm chế giữa học sinh (HS) với HS, giáo viên (GV) với HS, bạo lực có thể xảy ra, gây những hậu quả không thể lường trước.

Thể hiện cá tính quá đà

Ngồi trong quán nước bên cạnh một trường THPT trên địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An chúng tôi nghe được câu chuyện của một số HS cùng nhóm thanh niên bên ngoài. Các em bàn kế hoạch “xử” một HS khác đang học tại trường vì “nhìn chướng mắt”. HS trong trường sẽ tiếp tay, tìm cách để các thanh niên lạ vào trường đánh bạn. Rất may, nhà trường kịp thời phát hiện sự việc. Các bảo vệ và đội cờ đỏ của trường tăng cường kiểm soát chặt chẽ cổng cũng như khu vực vắng trong sân trường, ngăn chặn kịp thời vụ đánh nhau không đáng có.

Hướng học sinh vào các hoạt động lành mạnh góp phần kéo giảm bạo lực học đường

Hướng học sinh vào các hoạt động lành mạnh góp phần kéo giảm bạo lực học đường

BLHĐ vẫn luôn tiềm ẩn như thế trong trường học. Ở độ tuổi bốc đồng, các em rất dễ nhầm lẫn giữa các giá trị và thường chọn cách giải quyết mâu thuẫn (dù là rất nhỏ) bằng bạo lực. Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (huyện Bến Lức) - Đặng Thị Bích Loan cho biết: “Năm học 2018-2019, trường xảy ra 4 vụ bạo lực giữa HS với nhau mà nguyên nhân thường bắt đầu bằng một câu nói vu vơ trên mạng xã hội hoặc một ánh nhìn “thấy ghét”! Hầu hết các trường hợp đều xảy ra ở HS lớp 10, giai đoạn thay đổi tâm, sinh lý. Khi nhà trường có biện pháp răn đe, giáo dục thì các em sớm nhận ra sai lầm của mình. Bước vào giai đoạn lớp 11, 12, tâm lý ổn định, các em chững chạc hơn, không còn những hành vi bốc đồng, sai trái”. 

Đó cũng là một trong những nguyên nhân mà Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bùi Văn Linh nêu trong cuộc họp trực tuyến về Đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng, chống BLHĐ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Phùng Xuân Nhạ chủ trì. Theo đó, ông Linh phân tích, BLHĐ thường xuất phát từ các nguyên nhân: Mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự phát triển ồ ạt của thông tin về bạo lực trên Internet, phim ảnh, sự thay đổi tâm, sinh lý lứa tuổi, sự thiếu quan tâm của gia đình,... Có thể nói, HS sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn chủ yếu muốn thể hiện cá tính của mình nên giải pháp quan trọng nhất là về tâm lý, kỹ năng và nêu gương cho HS.

Cần thấu hiểu và sẻ chia

BLHĐ không chỉ có bạo lực giữa HS với HS mà còn có bạo lực giữa GV với HS. Nếu GV có thể kiềm chế cảm xúc, xử lý tốt các tình huống sư phạm thì sẽ không có những sự việc đáng tiếc xảy ra.

Cô Dương Thị Dọi - GV môn Toán, Trường THCS Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa), từng có hướng giải quyết rất tốt trong một lần bị HS “làm khó”. Cô Dọi kể, chuyện xảy ra vào tiết học đầu tiên làm quen với lớp. Sau khi cô kiểm tra việc ghi bài của HS rồi quay lên bục giảng thì thấy bảng bị bôi sạch; phấn, bông lau bảng bị giấu mất. Lúc ấy, cả lớp im lặng, không HS nào phản ứng. Dù bất ngờ nhưng cô vẫn tiếp tục giảng bài. Lúc đó, một HS hô lớn: “Dạy không hiểu gì hết, dạy thua mấy thầy, cô khác!”. Cảm giác bị xúc phạm, thất vọng với cách cư xử của HS, thay vì la mắng em và bước ra khỏi lớp thì cô Dọi chọn cách kiềm chế, viết tiếp bài trên bảng và cho mình thời gian để bình tĩnh hơn. 

Học sinh tham gia các hoạt động tình nguyện, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết

Từ sự việc xảy ra, cô Dọi tự đánh giá lại cách dạy của mình mặc dù từng đạt nhiều thành tích trong các cuộc thi GV dạy giỏi, đổi mới phương pháp giảng dạy. Cô vừa giảng, vừa đặt câu hỏi để nắm bắt khả năng tiếp thu bài của các em. Trong khoảng thời gian đó, cô cũng xác định HS gây rối. Thay vì mời ra khỏi lớp vì tội gây mất trật tự và không tôn trọng GV, cô lại gọi HS ấy trả lời câu hỏi và tận tình củng cố kiến thức, hướng dẫn cách học hiệu quả. Sau đó, cô có cuộc nói chuyện với lớp. Ghi nhận những ý kiến của HS, cô bày tỏ sự mong muốn hợp tác giữa cô và lớp để tất cả HS cùng tiến bộ. Trước khi rời lớp, cô không quên nhắc nhở HS gây rối nhớ xem lại bài, làm bài tập đầy đủ và hỏi cô khi có nội dung chưa hiểu.

Cô Dọi tâm sự: “Tôi có thể phạt em ấy, nhưng làm như vậy em có tiến bộ hơn không? Nếu HS cố tình đẩy tôi ra xa thì chỉ còn cách tôi tiến lại gần các em. Có như vậy, cô - trò mới hiểu và gần nhau hơn”. Thiết nghĩ, nếu gặp trường hợp tương tự, GV không kiềm chế được cảm xúc như cô Dọi thì có thể một tình huống BLHĐ đã xảy ra. Và, tình cảm thầy - trò ngày thêm xa cách.

Theo GV tâm lý Mai Thị Hà Vân, lứa tuổi HS, các em học cách thể hiện, chứng tỏ bản thân từ những người xung quanh mà nền tảng là gia đình, thầy cô. Để HS tránh xa bạo lực, GV, gia đình cần lắng nghe, không phán xét, không nên can thiệp thiếu tế nhị mà trao đổi, thảo luận cách xử lý các tình huống có thể xảy ra và cách giải quyết sao cho tốt nhất.

Sự chủ động của ngành giáo dục

BLHĐ luôn là vấn đề “nhức nhối” của xã hội. Nếu tình trạng đó không được kiểm soát, ngăn chặn ngay từ đầu sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc, khó lường. Để xử lý tốt các tình huống sư phạm, ngăn ngừa BLHĐ, các trường trên địa bàn tỉnh từ cấp mầm non đến phổ thông chủ động thực hiện nhiều giải pháp. Cô Đặng Thị Bích Loan cho biết thêm: “Trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, nhà trường luôn nhắc nhở HS về những quy định để các em ghi nhớ. Nếu có sự việc đáng tiếc xảy ra, trường làm việc riêng với HS để lắng nghe các em cũng như tìm hiểu nguyên nhân; đồng thời, nghiêm khắc xử lý kỷ luật với các trường hợp vi phạm. Khi HS chịu khó rèn luyện, thay đổi theo hướng tích cực thì hội đồng kỷ luật nhà trường sẵn sàng tạo cơ hội cho các em”.

Học sinh tham gia lao động, góp phần giữ gìn trường học xanh, sạch, đẹp

Không chỉ thường xuyên nhắc nhở, răn đe, các trường còn chú ý trang bị kỹ năng sống, xử lý tình huống cũng như hướng dẫn các em hướng đi đúng đắn trong quá trình trưởng thành của mình. Tại Trường Tiểu học Bình Hòa Nam (xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ), ngoài thành lập tổ tư vấn, giải quyết các vấn đề phát sinh trong học đường, tuyên truyền dưới cờ về phòng, chống BLHĐ, trường còn chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho HS. Cô Huỳnh Thị Ngọc Dung - GV chủ nhiệm lớp 3/3, chia sẻ: “Trên lớp, tôi chú trọng lồng ghép giáo dục kỹ năng sống cho HS, dạy các em biết quý trọng tình bạn, biết quan tâm và chia sẻ với bạn bè; đồng thời, phối hợp phụ huynh trong việc giáo dục các em biết lễ phép, cách xử lý tình huống trong cuộc sống. Tôi cũng dạy các em phải hòa đồng, không được trêu chọc hay cô lập bạn bè. Đối với HS chưa ngoan, tôi tìm hiểu rõ nguyên nhân và có cuộc nói chuyện riêng để giải thích cho HS biết phân biệt đúng, sai”.

Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo, thời gian tới tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trường học triển khai xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Đồng thời, sở cũng giao trách nhiệm cho người đứng đầu nếu để xảy ra trường hợp BLHĐ. Ngoài việc chỉ đạo các đơn vị trường học đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng cần thiết về phòng ngừa, ngăn chặn BLHĐ, sở còn tăng cường giám sát, nắm bắt tư tưởng và kịp thời giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong học tập, sinh hoạt cho HS, ngăn chặn không để xảy ra tình trạng BLHĐ.

Nếu được hướng dẫn, định hướng đúng đắn, kịp thời và có sự cảm thông, lắng nghe, chia sẻ từ phía nhà trường, gia đình và xã hội thì chắc hẳn, tình trạng bạo lực trong HS sẽ không còn là vấn đề nhức nhối như hiện nay./.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2018-2019, toàn tỉnh xảy ra 36 vụ bạo lực học đường (THCS 19 vụ, THPT 17 vụ) với 42 học sinh bị bạo lực (THCS 19, THPT 23 học sinh). 

Để phòng, chống bạo lực học đường, ngoài các giải pháp đã nêu, sở sẽ phối hợp chặt chẽ các ban, ngành và đoàn thể ở địa phương trong công tác bảo đảm an toàn trong trường học.

Ngọc Thạch - Phương Phương

Chia sẻ bài viết