Một nữ sinh ở Hưng Yên bị nhóm bạn cùng lớp lột quần áo, đánh hội đồng rồi đưa lên mạng xã hội. Tiếp theo đó, vụ nữ sinh ở Nghệ An cũng bị bạn đánh hội đồng; cô giáo ở tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đánh 22 học sinh bầm tím là những vụ việc đang khiến dư luận xã hội lo lắng về tình trạng bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng theo hướng nghiêm trọng hơn và cho rằng cần có giải pháp để chấm dứt triệt để.
Nữ sinh bị bạn đánh ở Hưng Yên đang được điều trị tại bệnh viện (Ảnh: Phụ nữ Việt Nam)
Đề cập tới trách nhiệm của Bộ GD-ĐT khi để xảy ra bạo lực học đường ở các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục trước những sự việc bạo lực học đường xảy ra, Bộ GD-ĐT cảm thấy rất đau lòng.
Những vụ bạo lực học đường đã ảnh hưởng tới tinh thần, thể chất của học sinh và an toàn, lành mạnh trong môi trường giáo dục khiến cho xã hội lo lắng và bức xúc.
Trước những sự việc trên, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra, làm rõ và phối hợp xử lý một cách nghiêm túc.
Cách xử lý vụ việc chưa đủ sức răn đe
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, để xảy ra bạo lực học đường là do các trường học chưa làm tốt công tác phòng ngừa. Nếu có phát hiện được vụ việc thì cũng chưa xử lý một cách nghiêm túc nên chưa đủ sức răn đe. Vì thế, mới có chuyện những vụ bạo lực học đường tiếp tục lặp lại, lần sau lại nghiêm trọng hơn lần trước.
Hiện nay, ở nhiều trường học, giáo viên vẫn phải kiêm nhiệm nhiều công việc, chưa được bồi dưỡng để tìm hiểu tâm lý học trò. Việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đã được đưa vào nhà trường nhưng chưa thực hiện nhiều.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa
Về phía gia đình, nhiều phụ huynh chưa thực sự đồng hành cùng con trong việc chia sẻ tình cảm, giáo dục các kỹ năng sống, giao tiếp, tự bảo vệ. Mặt khác, nhiều gia đình chưa thống nhất, thực sự phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục con em.
Để ngăn chặn bạo lực học đường, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, không chỉ có trách nhiệm thuộc về phía nhà trường mà phải sự chung tay phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
Từ phía nhà trường phải xây dựng được môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh, giáo viên với cán bộ quản lý được xây dựng trên cơ sở tôn trọng, yêu thương và có trách nhiệm với nhau.
Góp phần vào ngăn chặn bạo lực học đường hiệu quả, giáo viên chủ nhiệm có vai trò hết sức quan trọng. Theo đó, giáo viên phải hiểu rõ từng hoàn cảnh, tâm trạng của học sinh để có những giải pháp kịp thời ngăn chặn những hành vi gây nên bạo lực ở trường học.
Việc ngăn chặn bạo lực học đường không chỉ có trách nhiệm của các trường học mà cần có chung tay của các gia đình, địa phương và các tổ chức xã hội trong việc rèn luyện kỹ năng sống, đạo đức, nhân cách cho học sinh.
Nhà trường, gia đình còn “nặng” về thành tích thi đua
Nhận định về tình trạng bạo lực học đường, Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội nêu quan điểm, thực tế từ trước đến nay, có nhiều vụ học sinh đánh nhau, quay clip rồi đưa lên mạng xã hội đã diễn ra.
Nữ sinh ở Nghệ An bị bạn bắt quỳ gối và đánh (ảnh cắt từ clip)
Ngành Giáo dục và các địa phương đã đưa ra các giải pháp để ngăn chặn nhưng thực tế chưa đạt được hiệu quả mà có khi vụ việc lần sau lại nghiêm trọng hơn vụ việc lần trước. Điển hình đỉnh điểm là vụ nữ sinh ở Hưng Yên bị nhóm bạn lột quần áo, đánh hội đồng rồi đưa lên mạng xã hội.
Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương, hiện nay, các địa phương, trường học vẫn quá chú trọng đến việc học tập, bổ sung kiến thức hơn là giáo dục kỹ năng sống, đạo đức cho trẻ.
Nhiều nơi còn “chạy đua” với phong trào học tập, thành tích để đạt các giải thưởng, huy chương mà chưa thực sự quan tâm đến tâm lý lứa tuổi học trò. Nhiều gia đình còn đặt nặng về thành tích học tập, điểm số của con hơn là quan tâm đến việc con học ở trường có “vui” không, con được rèn luyện nhân cách, đạo đức như thế nào.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương
Ngoài ra, việc gia đình còn bỏ ngỏ việc quản lý các kênh truyền hình, để các con vào xem những video không được kiểm soát trên Youtube, mạng xã hội hay trò chơi mang tính chất bạo lực cũng ảnh hưởng tới học sinh. Cụ thể là gần đây, giới trẻ lại có xu hướng “thần tượng” những đối tượng có những hành vi giang hồ, chửi tục như Khá “bảnh”, Dương Minh Tuyền... Đây là sự việc mà không chỉ đòi hỏi nhà trường mà các gia đình và toàn xã hội cần có giải pháp để ngăn chặn kịp thời.
Tiến sĩ Thu Hương cho rằng, để chấm dứt bạo lực học đường, việc giáo dục kỹ năng sống, đạo đức cho học sinh không chỉ ở trong trường học mà cần phải từ trong cuộc sống, sự quan tâm của gia đình. Ví dụ như chạ mẹ không nên quá chiều theo ý thích của con mà hãy dạy trẻ tính tự lập, biết thương yêu, chia sẻ với người khác...
Để làm được điều này thì từng gia đình phải thực sự hạnh phúc, thành viên trong gia đình phải thực sự quan tâm, yêu thương và lắng nghe ý kiến của nhau trên tinh thần xây dựng./.
Bích Lan/VOV.VN