Bài học từ đại thắng mùa xuân năm 1975 về chủ động nắm chắc thời cơ chiến lược với tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” vẫn còn nguyên giá trị, trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi đường lối xây dựng và phát triển đất nước trong thời đại hội nhập sâu, rộng và chuyển đổi toàn cầu mạnh mẽ.
Trên hành trình “hóa rồng” của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XXI, việc vận dụng hiệu quả bài học lịch sử từ cuộc kháng chiến chống Mỹ là yêu cầu tất yếu để đất nước cất cánh bền vững.

Tỉnh Long An phát triển vươn lên trong kỷ nguyên mới
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 không chỉ là một chiến công hiển hách trên chiến trường mà còn là thắng lợi của nghệ thuật lãnh đạo, của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và tinh thần tự lực, tự cường vươn lên trong nghịch cảnh. Với bàn tay trắng, Việt Nam đã đánh bại đội quân hùng mạnh nhất thế giới. Điều đó cho thấy trí tuệ, bản lĩnh và ý chí của con người Việt Nam khi được đặt đúng chỗ sẽ tạo nên những kỳ tích phi thường.
Chiến thắng ấy để lại nhiều bài học sâu sắc: Đoàn kết là sức mạnh vô địch; sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi; biết kết hợp nội lực với ngoại lực, thời cơ với vận hội là nghệ thuật chiến lược sống còn. Những bài học ấy không bị chôn vùi trong ký ức chiến tranh mà đang sống động từng ngày trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Lịch sử đã chứng minh, không có sự lãnh đạo kiên định, đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam thì không thể có đại thắng mùa xuân năm 1975. Sự lãnh đạo ấy thể hiện qua tầm nhìn chiến lược, sự linh hoạt trong vận dụng sách lược, tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Trong điều kiện vô cùng khó khăn, bị bao vây, cấm vận, nhân dân ta vẫn kiên cường đứng vững nhờ vào nội lực mạnh mẽ. Đồng thời, Việt Nam luôn biết tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, vận dụng linh hoạt xu thế thời đại.
Ngày nay, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với tầm nhìn chiến lược rõ ràng: Năm 2025, phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt từ 8% trở lên và đạt hai con số trong giai đoạn 2026-2030, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số đang mở ra những cơ hội chưa từng có. Song song, các thách thức cũng không nhỏ: cạnh tranh toàn cầu khốc liệt, biến đổi khí hậu, già hóa dân số, khoảng cách giàu nghèo,...Trong kỷ nguyên mới, dân tộc ta phải tiếp tục phát huy những giá trị đã làm nên chiến thắng 30/4. Chúng ta phải “cất cánh” không chỉ bằng tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ, mà bằng trí tuệ, công nghệ, văn hóa và bản lĩnh dân tộc.
Chiến thắng 30/4 là thắng lợi của trí tuệ Việt Nam. Trí tuệ Việt Nam hôm nay được phát huy mạnh mẽ trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, lấy khoa học công nghệ làm động lực của tăng trưởng hiện đại. Việt Nam hiện nay đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với khát vọng “đi tắt, đón đầu”. Nhiều trung tâm đổi mới sáng tạo đã ra đời (như NIC – Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia), các doanh nghiệp công nghệ như FPT, Vingroup, Viettel,... đầu tư mạnh vào AI, Big Data, sản xuất chip, chuyển đổi số,… Đây là minh chứng rõ ràng về việc vận dụng bài học “lấy trí tuệ làm nền tảng chiến lược” trong thời đại mới.

Xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh Long An tinh, gọn, mạnh đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cho thấy một chiến lược rõ ràng để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển KT-XH, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Đặc biệt, việc ban hành những cơ chế đặc thù, dỡ bỏ những rào cản, ưu tiên thêm nguồn lực, chấp nhận rủi ro, thất bại trong nghiên cứu khoa học để khuyến khích các tổ chức, nhà nghiên cứu, nhà khoa học yên tâm đầu tư, nghiên cứu, sáng tạo.
Trong bối cảnh mới, đất nước cần phát triển bền vững, dân số cơ học thay đổi, nhiều đơn vị hành chính nhỏ, manh mún, thiếu nguồn lực thì việc tinh gọn bộ máy và sáp nhập địa giới hành chính là yêu cầu khách quan và cấp thiết. Đây là việc làm cấp bách, vừa chạy, vừa xếp hàng để tăng hiệu quả quản lý nhà nước, giảm chồng chéo, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; tiết kiệm ngân sách, cắt giảm chi tiêu công thường xuyên, giảm biên chế không cần thiết; tăng năng suất phục vụ nhân dân, mỗi cán bộ phải “đa năng hóa”, sát dân, sát việc.
Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, bộ máy chính quyền còn tồn tại những vấn đề như nhiều cơ quan trùng lặp chức năng, nhiệm vụ; cán bộ “ngồi nhầm chỗ”, thiếu năng lực; chi phí hành chính, ngân sách thường xuyên tăng cao; quan liêu, cửa quyền, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Chính vì thế, việc tinh gọn bộ máy là yêu cầu tất yếu để đất nước có thể cạnh tranh trong môi trường toàn cầu hóa. Một bộ máy nhỏ, gọn nhưng hiệu quả, trách nhiệm rõ ràng, vận hành linh hoạt sẽ là nền tảng cho một nền hành chính hiện đại, phục vụ nhân dân hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, thúc đẩy phát triển đất nước trong giai đoạn tới. Việc sáp nhập địa giới hành chính, xây dựng bộ máy chính quyền mới góp phần giúp các địa phương tăng trưởng tốt hơn nhờ bộ máy linh hoạt, chi phí vận hành giảm, khả năng điều hành tập trung cao hơn.
Vấn đề không phải ở “to hay nhỏ” về mặt địa lý hành chính, mà là bộ máy phải gọn để mạnh, gần dân để hiệu quả, tổ chức lại để phát triển. Tinh gọn bộ máy và sáp nhập địa giới hành chính không chỉ là cải cách hành chính đơn thuần, mà là một bước đi chiến lược để chuẩn bị cho một Việt Nam hiệu quả - hiện đại - hướng đến quản trị quốc gia kiểu mới. Đồng thời, cải cách tư duy, cải cách đạo đức công vụ. Người cán bộ công quyền biết đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu, như tinh thần của những chiến sĩ cách mạng năm xưa “vì dân mà chiến đấu, vì dân mà phục vụ”.
Một bộ máy hành chính tinh gọn đi đôi với một quân đội hiện đại nhưng không cồng kềnh. Việc tái cấu trúc các đơn vị quân đội, xây dựng lực lượng tác chiến mạng, tích hợp công nghệ số vào huấn luyện,… đang đưa quân đội ta bước vào thời kỳ mới, giữ vững chủ quyền quốc gia trong môi trường chiến tranh phi truyền thống. Qua đó, góp phần xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Chiến thắng 30/4/1975 là kết tinh của một thời đại anh hùng. Những bài học từ đại thắng ấy nếu được vận dụng sáng tạo và linh hoạt sẽ tiếp tục là động lực nội sinh to lớn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Cải cách bộ máy, nắm bắt vận hội, phát triển công nghệ, xây dựng quân đội mạnh. Tất cả đều đang đưa Việt Nam vào thế sẵn sàng cho một bước chuyển mình lịch sử.
Chặng đường phía trước còn nhiều thách thức, nhưng nếu mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ, thắp sáng trong tim mình ngọn lửa 30/4, thì tương lai “Việt Nam hùng cường vào năm 2045” không còn là giấc mơ, mà sẽ là hiện thực sống động của một dân tộc biết đứng dậy từ tro tàn để vươn ra biển lớn./.
Biện Cường