Hồ Tịnh Quang với làn nước trong xanh góp phần tạo nên không gian thoáng mát cho Văn miếu Trấn Biên
Văn miếu Trấn Biên được hình thành vào thế kỷ XVII, sau sự kiện Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh phụng chỉ chúa Nguyễn Phúc Chu vào Nam kinh lược năm 1698, tức là chưa tới 20 năm sau khi khai hoang mở cõi. Điều đó cho thấy sự đề cao việc bảo tồn, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa, giáo dục xưa và nay của triều đình Nguyễn. Đây là văn miếu đầu tiên được xây dựng tại xứ Đàng Trong, có trước cả văn miếu ở Vĩnh Long, Gia Định và Huế.
Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức có viết: Văn miếu Trấn Biên được xây dựng tại thôn Tân Lai, tổng Phước Dinh, huyện Phước Chánh. Còn theo Đại Nam nhất thống chí, Văn miếu Trấn Biên được xây dựng trên thế đất đẹp, phía Nam trông ra sông Phước Giang, phía Bắc tựa vào núi Long Sơn là một nơi cảnh đẹp, cỏ cây tươi tốt. Công trình đã có 2 lần trùng tu lớn vào năm 1794 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Ánh và năm 1852 dưới thời vua Tự Đức. Năm 1861, thực dân Pháp đánh chiếm Biên Hòa và phá bỏ công trình này.
Theo lời thuyết trình của hướng dẫn viên tại Văn miếu Trấn Biên, trước năm 1802, hàng năm, đích thân chúa Nguyễn Phúc Ánh đến Văn miếu Trấn Biên để hành lễ 2 lần vào mùa xuân và mùa thu nhưng từ khi chúa Nguyễn lên ngôi ở Huế thì Tổng trấn Thành Gia Định thay mặt vua cùng với trấn quan Biên Hòa và quan đốc học đến hành lễ. Tương tự Văn miếu Huế, bên cạnh Văn miếu có Quốc Tử Giám để giảng dạy học trò thì ở Biên Hòa, bên cạnh Văn miếu Trấn Biên cũng có Tĩnh học. Như vậy, ngoài vai trò thờ phụng, Văn miếu Trấn Biên còn đóng vai trò như một trung tâm văn hóa, giáo dục của tỉnh Biên Hòa xưa và của cả Nam bộ trước khi Văn miếu Gia Định ra đời.
Đại diện các báo Đảng tham gia Hội thảo báo Đảng miền Đông Nam bộ mở rộng năm 2023 chụp ảnh trước Văn miếu môn
Chính vì chứa đựng nhiều giá trị truyền thống mà năm 1998, vào đúng dịp kỷ niệm 300 năm vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai khôi phục lại Văn miếu Trấn Biên như hiện trạng bây giờ và kể từ đó đến nay, Văn miếu Trấn Biên trở thành địa điểm tham quan và dâng hương quen thuộc đối với du khách gần, xa.
Được biết, Văn miếu Trấn Biên được phục dựng theo các tư liệu cổ như Đại Nam nhất thống chí, Gia Định thành thông chí,... Các hạng mục công trình được xây đối xứng theo một trục thần đạo, lần lượt từ ngoài vào là: Văn miếu môn, Nhà bia, Khuê Văn các, hồ Tịnh Quang, Đại thành môn, tượng Khổng Tử, sân Hành lễ, nhà Bái đường.
Nhìn chung, Văn miếu Trấn Biên được phục dựng khá giống Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) về mặt kết cấu nhưng vẫn mang bản sắc của một thiết chế văn hóa phương Nam. Điểm thứ nhất là cách thờ tự, nếu như kiến trúc các văn miếu khác chọn Khổng Tử là trọng tâm, đặt ở nơi trang trọng tại nhà thờ lớn, 2 bên thờ Tứ phối và Thập triết (những vị học trò xuất sắc của Khổng Tử) thì Văn miếu Trấn Biên lại đặt trọng tâm nhà thờ là Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng vĩ đại của dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới và xung quanh thờ những bậc hiền tài của nước Việt.
Điểm thứ hai là cách bài trí của Thư khố và Văn Vật khố. Văn Vật khố là nơi trưng bày giá trị nghệ thuật các ngành, nghề thủ công truyền thống ở vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, bao gồm các nghề chính: Mộc, rèn, đúc đồng, đá, thổi gang,... Những sản phẩm tiêu biểu nhất của mỗi nghề sẽ được trưng bày tại đây. Còn Thư khố ở phía đối diện là nơi lưu giữ các công trình văn hóa, nghệ thuật, khoa học, giáo dục của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Ngoài các hiện vật đặc trưng của Biên Hòa - Đồng Nai, tại Văn miếu Trấn Biên còn trưng bày các hiện vật như tủ thờ đất và nước từ vùng Đất Tổ Vua Hùng, trống đại, chiêng đồng, đại hồng chung,…
Dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Văn miếu Trấn Biên
Không chỉ mang giá trị, bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, Văn miếu Trấn Biên còn là thiết chế văn hóa, giáo dục, khoa học lớn của tỉnh Đồng Nai. Những năm qua, Văn miếu Trấn Biên trở thành điểm sinh hoạt văn hóa lành mạnh, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động về nguồn, nêu cao tinh thần hiếu học. Đây cũng là nơi giáo dục thế hệ trẻ bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập sâu, rộng.
Vào các dịp Tết Nguyên đán hàng năm, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đều đến viếng và dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các danh nhân văn hóa tại Văn miếu Trấn Biên. Nơi đây cũng là địa điểm tổ chức lễ dâng hương, báo công và giới thiệu các ấn phẩm mới của nhiều tác giả. Chị Nguyễn Thị Ngọc Uyên (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) chia sẻ: “Tôi thường đến Văn miếu tham quan, dâng hương vào cuối tuần hay các ngày lễ. Các con của tôi cũng rất thích nơi này vì cảnh đẹp, không gian thoáng mát và thường diễn ra những lễ hội truyền thống”.
Giữa nhịp sống đô thị hối hả cùng các loại hình văn hóa hiện đại phát triển mạnh mẽ, Văn miếu Trấn Biên đã trở thành biểu tượng, mạch nguồn nối liền quá khứ và hiện tại. Sự hiện diện cùng những giá trị văn hóa, lịch sử được lưu dấu tại Văn miếu Trấn Biên sẽ giúp du khách gần, xa hiểu hơn về lịch sử và truyền thống của con người, vùng đất phương Nam./.
Minh Tuệ