Trong những ngày qua, từ hệ thống chính trị đến toàn xã hội, từ người lớn đến trẻ em với tấm lòng tri ân sâu sắc đã tổ chức, tham gia các hoạt động kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2022). Nhiều người sống lại ký ức của tuổi học trò, với truyền thống văn hóa được thể hiện qua ca dao, tục ngữ như “Tôn sư trọng đạo”, “Không thầy đố mày làm nên”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”,...
“Tôn sư trọng đạo” là truyền thống văn hóa ngàn đời của người Việt Nam. Cùng với lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ thế hệ này đến thế hệ khác, các thầy, cô giáo luôn đồng hành cùng đất nước, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho nước nhà. Qua thầy, cô giáo, truyền thống văn hóa suốt mấy ngàn năm văn hiến được bảo tồn và phát huy, tri thức, tinh hoa văn hóa của nhân loại được chọn lọc và trao truyền, góp phần cùng nước ta xây dựng nên cơ đồ, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay.
Phải khẳng định rằng, vận mệnh đất nước có lúc thịnh, lúc suy, nhiều tính cách làm nên xã hội nhưng hầu hết các thầy, cô giáo đều nêu gương sáng trong đào tạo, dạy dỗ các thế hệ học trò nên người, thành tài.
Trong dòng chảy của cuộc sống, có lúc, có nơi, chuyện mưu sinh của nhà giáo làm cho mối quan hệ thầy - trò và hình ảnh của nhà giáo bị ảnh hưởng ít nhiều nhưng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” vẫn luôn được xã hội ghi nhận, trân trọng. Và Ngày Nhà giáo Việt Nam luôn là dịp tri ân, tôn vinh nhà giáo của toàn dân. Đây là nét đẹp cần được giữ gìn và phát huy, cho dù đất nước có phát triển như thế nào đi nữa, bởi đó là nền tảng văn hóa của người Việt.
Trước sự phát triển nhanh, mạnh của đất nước và thời đại, yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng chất công tác giáo dục và đào tạo bức thiết hơn bao giờ hết. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong tỉnh đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Ðảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó. Nhiều nhà giáo đã không ngừng tự học, tự rèn, nâng cao năng lực, kiến thức, đổi mới phương pháp để có thể thực hiện tốt sứ mệnh “trồng người”, góp phần quan trọng vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta không khỏi đau lòng trước thực trạng một số thầy, cô giáo chuyển việc, nghỉ việc; sinh viên ít chọn ngành Sư phạm; sinh viên ngành Sư phạm ra trường không có việc làm, chuyển nghề, bỏ nghề; một số nhà giáo hành xử chưa đúng quy định của ngành gây bức xúc trong xã hội;... Đây là điều rất đáng quan tâm, cho thấy nghề giáo chưa được xem trọng, thầy, cô giáo chưa sống được với nghề. Từ đó, vì gánh nặng mưu sinh, một số nhà giáo phải lao vào dạy thêm, bị tác động của kinh tế thị trường,... làm cho hình ảnh nhà giáo không còn thiêng liêng như trước, ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Với tinh thần “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, “Tất cả vì đàn em thân yêu”, chúng ta luôn gửi gắm niềm tin vào đội ngũ nhà giáo. Quý trọng tri thức, tôn trọng nhân phẩm đẹp là cách tôn vinh nhà giáo ý nghĩa nhất.
Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, kính chúc các nhà giáo có nhiều thành công, niềm vui trong cuộc sống, giữ vững nghề đã chọn; không ngừng rèn luyện, trau dồi đạo đức, tác phong, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần tích cực vào sự nghiệp “trồng người”, đồng hành cùng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Kim Quy