Cách nút giao Quốc lộ 1 khoảng 500m, vòng xoay trên đường Vành đai TP.Tân An thuộc phường Khánh Hậu nằm giữa khu dân cư, được tạo hình bông hoa nhiều cánh từ cây cảnh
Niềm vui trong năm mới
Chạy dọc tuyến đường Vành đai TP.Tân An, vươn tầm mắt ra xa là thấy những đoạn đường cong cong, rộng, đi xuyên qua những cánh đồng lúa, dừa xanh mượt,... Để dự án (DA) kịp hoàn thiện, đưa vào khai thác cuối năm 2023, lãnh đạo tỉnh, TP.Tân An, Sở Giao thông Vận tải cùng các nhà thầu, đơn vị thi công,... tập trung nhân lực, vật lực để dồn sức cho công trình.
Ghi nhận những ngày cuối năm 2023, tuyến đường cơ bản hoàn thành, phương tiện có thể lưu thông thông suốt cả tuyến. DA cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây và DA cầu Rạch Chanh (hạng mục sau cùng) cũng kịp tiến độ để nối thông toàn tuyến.
Trước đó, tại công trường thi công DA cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây (nối xã Bình Tâm và xã Nhơn Thạnh Trung), khoảng 100 cán bộ, kỹ sư, công nhân vẫn tất bật thi công công trình. Không chỉ làm ban ngày, đội ngũ nhân công còn tăng cường làm ban đêm. DA cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây là hạng mục quan trọng của tuyến đường, được khởi công vào cuối năm 2021. Cầu có 7 nhịp, dài hơn 400m, rộng 18,5m với tổng kinh phí trên 600 tỉ đồng và đã hợp long vào tháng 9/2023, vượt tiến độ vài tháng so với kế hoạch đề ra.
Cầu Bảo Định (nối phường Tân Khánh và xã An Vĩnh Ngãi) là cây cầu có kiến trúc đẹp trên đường Vành đai TP.Tân An
Gần 12km trong tổng số 23km đường Vành đai TP.Tân An cũng kịp thông xe vào dịp lễ 30/4/2023 để giảm áp lực giao thông. Đoạn được thông xe từ Cụm công nghiệp Tú Phương (xã Lợi Bình Nhơn) giao Quốc lộ 1 (phường Tân Khánh, phường Khánh Hậu) đến Đường tỉnh 827A (xã An Vĩnh Ngãi và xã Bình Tâm). Trên đoạn đường này, cầu bắc qua sông Bảo Định nối phường Tân Khánh và xã An Vĩnh Ngãi sau 2 năm thi công đã hoàn thành. Đây được xem là cây cầu có kiến trúc khá đẹp mắt.
Anh Nguyễn Văn Trưởng, tài xế xe tải, chia sẻ: “Tôi thường xuyên chở hàng từ TP.Tân An đi huyện Châu Thành (Long An). Tôi cũng như bao tài xế xe khác, rất phấn khởi khi đường Vành đai TP.Tân An được thông xe toàn tuyến. Những ngày cận tết, xe lưu thông khá đông, tuyến đường hình thành giúp chúng tôi có thêm sự lựa chọn trong tham gia giao thông khi qua địa bàn thành phố. Những người điều khiển phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến đường này cho rằng đường rất đẹp, rộng, có thể rút ngắn thời gian hơn so với lưu thông vào trung tâm thành phố vì đường chật, người đông”.
Cùng suy nghĩ với anh Trưởng, chị Nguyễn Thị Diệu - người dân phường Khánh Hậu, TP.Tân An, nói: “Chúng tôi rất vui khi con đường hoàn thành, tạo điều kiện cho các phương tiện lưu thông thuận tiện, từ TP.Tân An đi qua các huyện: Thủ Thừa, Châu Thành, Tân Trụ không còn xa như trước. Hơn nữa, buổi chiều trên tuyến đường này, không khí rất thoáng mát. Nhiều hàng quán dọc tuyến đường cũng mọc lên với khung cảnh nhộn nhịp, tấp nập. Khách đi đường dừng chân uống nước, người dân gần đó thong thả đi bộ để hưởng thụ cảm giác se lạnh, yên bình dịp cuối năm”.
Dự án đường Vành đai TP.Tân An có chiều dài khoảng 23km, mặt đường rộng 33m (gồm mặt đường và hành lang), qua địa bàn huyện Thủ Thừa và TP.Tân An. Điểm đầu giao với ngã tư Mỹ Phú (huyện Thủ Thừa), điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 1 - Đường tỉnh 833, TP.Tân An. Trên địa bàn TP.Tân An, dự án đi qua các xã: Lợi Bình Nhơn, An Vĩnh Ngãi, Bình Tâm, Nhơn Thạnh Trung; các phường: Khánh Hậu, Tân Khánh, 7, 5.
Quy mô xây dựng: 4-6 làn xe, hệ thống cầu trên tuyến, hệ thống cống thoát nước, hệ thống chiếu sáng công cộng,... được chia thành nhiều gói thầu thi công. Tổng mức đầu tư của các dự án thành phần trên 3.100 tỉ đồng, trong đó, chi phí đầu tư xây dựng trên 1.660 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng trên 1.440 tỉ đồng.
|
Tuyến đường huyết mạch cho sự phát triển
Thông tin từ UBND TP.Tân An, đường Vành đai TP.Tân An là 1 trong 3 công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI xác định Hoàn thiện đường Vành đai TP.Tân An là 1 trong 3 công trình trọng điểm của nhiệm kỳ 2020-2025.
DA bắt đầu triển khai từ năm 2016, khởi công năm 2019, qua 2 nhiệm kỳ nên quá trình thực hiện có lúc thiếu sự nhất quán trong tuyên truyền, vận động. DA có tổng số hộ bị ảnh hưởng khá lớn (1.678 hộ), kéo dài qua nhiều năm do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng như bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành liên quan, Ban Thường vụ Thành ủy, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị,... công trình hoàn thiện, thông xe toàn tuyến trong niềm vui, sự phấn khởi của chính quyền và người dân thành phố.
Cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây - hạng mục quan trọng của đường Vành đai TP.Tân An
DA sau khi hoàn thành góp phần giảm áp lực cho Quốc lộ 1, tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua TP.Tân An và đường Hùng Vương, Hùng Vương (nối dài), chuyển hướng lưu thông ra các vùng ven ngoại thành. DA cũng góp phần mở rộng cửa ngõ TP.HCM, kết nối các tỉnh miền Tây với TP.HCM và miền Đông, góp phần rất lớn trong quá trình xây dựng đô thị loại I của TP.Tân An.
Quyền Chủ tịch UBND TP.Tân An - Võ Hồng Thảo thông tin, TP.Tân An là đô thị trung tâm về chính trị, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh của tỉnh. Đô thị Tân An tuy có lịch sử hình thành lâu đời nhưng đến nay vẫn còn ở quy mô nhỏ. Hầu hết việc phát triển đô thị vẫn chỉ tập trung tại các phường trung tâm như phường 1, 2, 3, 4, 5, 6. Trong khi đó, những vùng lân cận của thành phố dù còn quỹ đất lớn nhưng lại khó phát triển bởi hệ thống hạ tầng giao thông còn yếu.
Chính vì vậy, DA đường Vành đai TP.Tân An được triển khai không chỉ tạo sự đồng bộ, nâng cấp hạ tầng đô thị mà còn tạo điều kiện, động lực để thành phố phát triển. Thành phố cũng rất kỳ vọng, khi tuyến đường hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ tạo trục xương sống bao quanh thành phố, mở ra các hướng phát triển mới, đặc biệt là phát triển đô thị.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Tân An - Lê Công Đỉnh cho biết, thời gian qua, với phương châm vận động “Kiên trì, bền bỉ, mềm dẻo, linh hoạt, thuyết phục, hiệu quả” gắn với công tác nắm tình hình, xử lý tốt những vấn đề phát sinh về tư tưởng, định hướng dư luận xã hội,... từ đó góp phần để đường Vành đai TP.Tân An có diện mạo mới như ngày nay. Với sự hỗ trợ của tỉnh, đặc biệt là những chuyến làm việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các đồng chí lãnh đạo tỉnh; tiếp xúc, đối thoại với người dân trong DA,... đã đưa đường Vành đai TP.Tân An kịp hoàn thành.
Thời gian tới, thành phố tiếp tục phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của tuyến đường để đưa thành phố phát triển hơn nữa. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được cho rằng, đường Vành đai TP.Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây hoàn thiện, đưa vào sử dụng có ý nghĩa quan trọng đối với TP.Tân An nói riêng, tỉnh Long An nói chung.
Ông đề nghị, cần lưu ý triển khai ngay phương án khai thác quỹ đất 2 bên tuyến Vành đai TP.Tân An và các tuyến đường kết nối, bảo đảm hiệu quả khả thi, đồng bộ, phù hợp với định hướng Quy hoạch của tỉnh và TP.Tân An để tạo nguồn lực, động lực mới cho sự phát triển trong thời gian tới./.
Thanh Nga