Tiếng Việt | English

21/08/2016 - 09:45

Về nơi báo hiếu

“Tiết Vu Lan bâng khuâng nhớ cha công dưỡng dục. Mùa báo hiếu bùi ngùi thương mẹ đức cù lao” - lễ Vu Lan vì thế trở thành một nét đẹp của đạo Phật nhằm tôn vinh, tri ân công ơn những bậc sinh thành. Và, đến chùa, cài một bông hồng trên ngực áo, dâng lên mẹ, cha những món quà trong Đại lễ Vu Lan là về nơi báo hiếu, là tấm lòng của những người con...


Cài hoa hồng lên ngực áo nhắc nhở con cháu biết tri ân ông bà, cha mẹ

Bùi ngùi thương cha, nhớ mẹ

Mùa Vu Lan năm nay là lần thứ 10, chùa Long Phước, ở phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An tổ chức Đại lễ Vu Lan báo hiếu. Đại đức Thích Lệ Trí - Trụ trì chùa Long Phước cho biết: “Đại lễ Vu Lan năm nay có 2 hoạt động: Lễ cài hoa hồng tưởng nhớ tứ ân, đặc biệt là ân cha mẹ và lễ mừng thọ ông, bà, cha mẹ để thể hiện lòng tôn kính của con cháu. Đây là hoạt động nhắc nhở con cháu luôn ghi nhớ công ơn phụ mẫu dù còn hiện diện hay đã qua đời”.

2 năm nay, cứ đến ngày Vu Lan báo hiếu, chị Huỳnh Thị Luyến, 50 tuổi, lại cùng mẹ lặn lội đường xa từ huyện Tân Thạnh về dự lễ ở chùa Long Phước. Khi bông hồng màu hường được cài trên ngực áo cũng là lúc những giọt nước mắt của chị lặng lẽ rơi. Chị nhớ lại cha già luôn hết mực yêu thương con từ lúc ấu thơ đến khi trưởng thành. Thương cha một đời vất vả, chị chưa kịp báo ân thì cha qua đời đột ngột vì căn bệnh tim ở tuổi 72. Sự ra đi của cha đến hôm nay vẫn là nỗi đau, sự hụt hẫng trong lòng mà chị luôn nhớ đến.

Lau vội những giọt nước mắt, chị Luyến nói: “Khi cài bông hồng màu hường cho người mất cha, còn mẹ, bao kỷ niệm về cha lại ùa về. Tôi nhớ cha những buổi ra đồng gặt lúa, gieo mạ,... cùng chị em tôi. Cha lúc nào cũng yêu thương, lo lắng cho các con”.

Mất người cha đáng kính nhưng chị Luyến còn đó người mẹ thân thương. Còn chị Võ Thị Phụng Kiều, 52 tuổi, ở phường 3, TP.Tân An đã mất cả cha và mẹ. Trong lễ Vu Lan, khi nghe câu hỏi “Cô cài hoa hồng màu gì?”, chị Kiều nghẹn ngào trả lời trong nước mắt “hoa màu trắng”. Nhìn bông hồng màu trắng trên áo, chị Kiều ngậm ngùi nhớ đến người mẹ đã mất cách đây 32 năm.

Chị rưng rưng kể: “Ngày đó, tôi mới 20 tuổi thì mẹ qua đời đột ngột khi đang ngồi đổ bánh cho chị em tôi ăn. Mẹ mất sớm, tôi đành gác lại hạnh phúc riêng, mang trả sính lễ nhà trai khi vừa xong đám hỏi để lao động kiếm tiền, phụ cha nuôi các em. Mãi sau ngày mẹ mất 8 năm, tôi mới lấy chồng. Còn cha tôi mất cách đây 10 năm. Nhìn những người còn đủ cha, đủ mẹ mà tôi buồn và nhớ cha mẹ thật nhiều”. Không buồn, không nhớ làm sao được khi một cô gái mới bước vào đời đã chịu nỗi đau mất mẹ. Mẹ của chị ra đi sớm mà chưa kịp nhìn con gái tìm được bến đỗ, chưa kịp nghe các cháu gọi trìu mến “bà ngoại ơi”...

Trong lễ cài bông hồng lên ngực áo, nhiều người không ngăn được dòng nước mắt khi nghĩ đến cha, mẹ. Một bông hồng đỏ cho những ai may mắn còn mẹ và cha. Hoa hồng trắng dành cho những ai không còn mẹ và một bông hồng màu hường đã cài trên ngực áo những ai còn mẹ, vắng cha. Dù màu sắc mỗi hoa hồng mang ý nghĩa khác nhau nhưng tất cả là biểu tượng về một tình yêu thương bất diệt mà cha mẹ luôn dành cho con cái. Để rồi, cúi mặt lặng nhìn bông hoa cài trên áo, nhiều người bùi ngùi, xúc động vì nhớ mẹ, thương cha.


Lễ Vu Lan  trở thành một nét đẹp của đạo Phật nhằm tôn vinh, tri ân công ơn những bậc sinh thành

Tưởng nhớ công sinh thành

Lễ Vu Lan không chỉ nghẹn lòng những người không còn cha mẹ hay đã vắng cha, còn mẹ mà với những người đang cài trên ngực bông hoa hồng màu đỏ thắm cũng rơi lệ. Em Trần Thị Thanh Trúc, học sinh lớp 10 Trường THPT Tân An bộc bạch: “Em khóc vì nghĩ đến công ơn mẹ cha đã nuôi dạy em khôn lớn. Cha mẹ không ngại vất vả, tất tả buôn bán, phụ hồ để em được đến trường học hành, mặc đẹp như các bạn. Ghi nhớ công ơn này, em nguyện sẽ ngoan ngoãn, hiếu thảo, học tập giỏi để mai này khi có nghề nghiệp ổn định, có điều kiện phụng dưỡng mẹ cha”.

Ngoài lễ cài bông hồng, tại chùa Long Phước còn tổ chức lễ mừng thọ ông bà, cha mẹ. Theo Đại đức Thích Lệ Trí, chùa tổ chức cho con cháu ghi danh những người ông, người bà và cha mẹ ngoài tuổi 60 để nhà chùa tổ chức lễ mừng thọ. Chùa tặng một giấy mừng thọ và tại buổi lễ, con cháu dâng lên ông bà, cha mẹ những món quà tỏ lòng thành kính, biết ơn những người đã sinh thành, dưỡng dục”.

Nhìn các con quỳ dưới chân, 2 tay thành kính dâng hoa, quà đến đấng song thân, nhiều người mẹ, người cha mái đầu bạc phơ không kìm được những giọt nước mắt hạnh phúc. Ở cái tuổi gần 80, đôi tai không còn nghe rõ những lời chúc thọ mà con cháu trong nhà gửi đến nhưng ông Võ Minh Quang vẫn rất vui khi các con biết nghĩ đến công ơn cha mẹ.

Nhận những món quà mà con cháu tặng, ông Quang chia sẻ: “Đã hơn 5 lần, tôi và mẹ tụi nhỏ được tổ chức lễ mừng thọ vào mùa Vu Lan báo hiếu. Dù không phải là lần đầu tiên nhận quà, nghe lời chúc từ con nhưng mỗi lần như vậy, tôi đều xúc động. Tôi mừng vì các con không phụ công ơn nuôi dưỡng của mẹ cha, biết hiếu thảo và yêu thương. Hạnh phúc nhất là trong ngày lễ Vu Lan, 8 người con gái và các cháu ngoại dù bận việc nhưng vẫn đến đông đủ để dâng lên cha mẹ những món quà tỏ lòng tôn kính. Còn con trai tôi vì bận việc ở TP.HCM, không đến dự lễ nhưng vẫn nhắc vợ và cháu nội đến tặng quà, chúc thọ mẹ, cha”.

Dù cha mẹ còn hay mất, dù cài trên áo hoa hồng đỏ thắm hay màu trắng thì công ơn của đấng sinh thành vẫn rất thiêng liêng, cao quý mà chúng ta phải khắc cốt ghi tâm cả một đời. Và, “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn trên mắt mẹ nghe không” như một lời nhắc nhớ làm con phải trọn đạo hiếu, nghĩa với mẹ cha - những người dày công sinh ra và nuôi lớn những đời người./.

Thuỳ Hương

Chia sẻ bài viết