Tiếng Việt | English

30/11/2020 - 15:20

Việt Nam sẽ làm gì sau khi được vinh danh ở 'Oscar của ngành du lịch'?

Tổ chức giải thưởng World Travel Awards tiếp tục vinh danh Việt Nam là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới 2020.” Lãnh đạo ngành cũng đưa ra kế hoạch quảng bá trọng tâm cho di sản Việt giai đoạn mới.


Di sản Vịnh Hạ Long là điểm đến không thể thiếu trong mỗi hành trình khám phá Việt Nam của du khách thế giới. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngành du lịch Việt đã ghi dấu ấn với nhiều đột phá, gặt hái hàng loạt giải thưởng quốc tế uy tín trong năm 2019. Tới 2020, dù đối mặt với đại dịch COVID-19, Tổ chức giải thưởng World Travel Awards vẫn tiếp tục vinh danh Việt Nam là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới 2020.”

Đây là năm thứ hai liên tiếp Việt nam giành chiến thắng ở hạng mục này trong giải “Oscar của ngành du lịch,” tiếp tục khẳng định sức hút trên bản đồ du lịch quốc tế.

Điểm sáng trong bức tranh màu xám

Thực tế, lịch sử ngành du lịch thế giới chưa từng chứng kiến cảnh “lao dốc không phanh” vì dịch bệnh như năm qua, “nền kinh tế xanh” bỗng chốc xám xịt trên toàn cầu.

Chính vì thế, để đạt được giải thưởng danh giá “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới” liên tiếp lần thứ hai là nỗ lực không nhỏ của du lịch Việt Nam, khi phải vượt qua các “ông bự” Brazil, Ai Cập, Hy Lạp, thủ đô Moskva của Liên bang Nga, Porto của Bồ Đào Nha và Saudi Arabia.

Kết quả bình chọn giải thưởng World Travel Awards do các chuyên gia trong ngành du lịch và công chúng quốc tế đánh giá và bình xét sau quãng thời gian một năm.

Thành quả này đã khẳng định sức hấp dẫn hàng đầu về nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như văn hóa của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế. Giải thưởng cũng là minh chứng cho thành tựu của Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của dân tộc.

Trước đó, Giải thưởng du lịch thế giới và châu Á cũng đánh giá rất cao du lịch Việt Nam bằng những vinh danh ở nhiều hạng mục, lĩnh vực: Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á, Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á và Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á...

Tam Cốc-Bích Động, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Nắm cơ hội để bứt phá

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Hà Văn Siêu cho rằng năm 2020 dù đại dịch hoành hành nhưng thế giới đánh giá rất cao những cố gắng, nỗ lực của ngành du lịch Việt Nam trong việc phòng, chống dịch, duy trì những sản phẩm chất lượng, hấp dẫn đối với thị trường.

Bởi vậy, liên tiếp các giải thưởng vừa qua đã góp phần khẳng định Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, tỏa sáng trên bản đồ du lịch thế giới.

Nhân cơ hội này, lãnh đạo ngành du lịch khẳng định tiếp tục chiến lược quảng bá thương hiệu điểm đến quốc gia, nâng cao vị thế du lịch đất nước; truyền thông rộng rãi những tiềm năng, thế mạnh đặc sắc của Việt Nam ra thế giới.

Theo ông Siêu, công tác quảng bá sẽ cần tập trung vào thương hiệu du lịch Việt Nam gắn liền với các danh hiệu nói trên. Các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch di sản, ẩm thực, golf sẽ được định hướng đầu tư phát triển.

“Cùng với đó, các khu, điểm du lịch sẽ hướng đầu tư và quảng bá song song những sản phẩm du lịch mà chúng ta có thế mạnh. Chiến lược đầu tư sản phẩm gắn với thương hiệu cùng với chiến lược quảng bá sẽ song hành và hội tụ tạo thành điểm sáng của du lịch Việt Nam trên thế giới,” ông Siêu nói

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Hà Văn Siêu. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Theo các chuyên gia, việc quảng bá và giới thiệu những tài nguyên di sản văn hóa, kể cả di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, văn hóa ẩm thực, phong tục tập quán, nếp sống của con người Việt Nam ra thế giới là vô cùng cần thiết và thực hiện ngay cả khi thế giới vẫn đang liêu xiêu vì COVID-10. Bởi, việc quảng bá liên tiếp, không bị đứt gãy về di sản sẽ góp phần định hướng điểm đến, định hướng nhu cầu, tạo ra khác biệt, chất lượng và sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam đối với các nước trong khu vực.

Công tác quảng bá, xúc tiến sẽ thông qua các Hội chợ du lịch quốc tế, Roadshow trên thế giới bằng hình thức trực tuyến, online đặc biệt là qua các blogger để quảng bá di sản đất nước, con người Việt Nam ra thế giới...

Đầm sen nở quanh năm ở dưới chân Hang Múa, Ninh Bình.(Ảnh: CTV/Vietnam+)

Lãnh đạo ngành du lịch khẳng định sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp… để quảng bá mạnh mẽ hơn nữa hình ảnh di sản Việt Nam cũng như chuẩn bị kịch bản thu hút du khách đến Việt khi tình hình dịch bệnh thế giới được kiểm soát và Việt Nam mở đường bay quốc tế trở lại.

Các chuyên gia nhận định di sản, văn hóa là dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch Việt Nam. Những năm qua chúng ta đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn, giữ gìn và phát huy những di sản văn hóa, di tích văn hóa, từng bước bổ sung những hệ thống dịch vụ, hạ tầng giao thông, điều kiện kinh doanh nhằm đưa các giá trị này từ chỗ là tài nguyên du lịch trở thành một điểm đến du lịch hoàn thiện.

Bởi nếu không có đầu tư hạ tầng, điều kiện dịch vụ, lưu trú, nơi ăn uống, cũng như bán hàng lưu niệm… thì di sản, di tích sẽ không thể trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn và được thế giới đánh giá cao như ngày nay./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích