Tiếng Việt | English

03/04/2019 - 08:24

Vợ hay chồng là “tay hòm chìa khóa”?

Ai nên là người “tay hòm chìa khóa”?

Rất nhiều cặp vợ chồng xảy ra mâu thuẫn vì nguyên nhân tiền bạc. Mâu thuẫn đó có thể là không có tiền tiêu, cách chi tiêu và cách quản lý tài chính. Vấn đề ai nên là người “tay hòm chìa khóa” trong hôn nhân đã khiến rất nhiều cặp vợ chồng gặp rắc rối.

Minh họa: Thiện Mỹ

Minh họa: Thiện Mỹ

Chị Đặng Thị Thìn, ngụ phường 4, TP.Tân An, chia sẻ: “Gia đình tôi có 4 người gồm 2 vợ chồng và 2 đứa con đang độ tuổi đi học. Cả 2 vợ chồng đều là công chức nên thu nhập không cao, chi tiêu rất tiết kiệm. Thông thường, khi lĩnh lương về, chồng đưa tôi gần hết số tiền nhận được và chỉ giữ lại một ít để chi tiêu, cà phê cùng bạn bè. Do thu nhập không cao nên dù chi tiêu tiết kiệm nhưng có đôi lúc vẫn không đủ. Những lúc này, chồng tôi thường không vui, hay cáu gắt hoặc có lúc cũng muốn quản lý chi tiêu thay tôi. Những lúc như vậy, tôi cảm thấy rất buồn, bởi chồng chưa đặt hết niềm tin vào mình”. 

Gia đình chị Nguyễn Thị Oanh, ngụ phường 3, TP.Tân An, cũng giống như gia đình chị Thìn. Chị Oanh nói: “Có lúc tiền không đủ chi tiêu bởi có nhiều việc phát sinh. Để chồng có thể hiểu và chia sẻ cho mình, có tháng tôi và anh ấy đổi vị trí “tay hòm chìa khóa” cho nhau. Chỉ 1 tháng duy nhất thôi là anh ấy “sợ” và hiểu, thông cảm cho tôi nhiều hơn”. 

Học cách quản lý tài chính

Được hỏi về vấn đề ai là người “tay hòm chìa khóa” trong gia đình, bà Trần Thị Thu Hà, ngụ ấp 7, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, chia sẻ: “Trong gia đình tôi có quy định cụ thể, thu nhập từ bán chanh tôi giữ, tiền lương hưu của ông xã đưa tôi phân nửa, phần còn lại ông ấy giữ để tiêu vặt. Những khoản tiêu dùng hàng ngày mỗi người tự quyết định nhưng khi cần dùng số tiền lớn để mua sắm thì phải thương lượng, bàn thảo để có quyết định chung”. 

Chị Nguyễn Thị Phượng, ngụ ấp 1, xã An Thạnh, huyện Bến Lức, trước đây làm công nhân, sau đó lấy chồng, sinh 2 đứa con và chỉ ở nhà giữ con. Chồng chị là cán bộ tín dụng của một ngân hàng thương mại. Chị Phượng chia sẻ: “Trước đây, chồng tôi “gánh” toàn bộ chi phí trong gia đình. Nay các con đã lớn, tôi nhận hàng về may gia công để chia sẻ gánh nặng về kinh tế với anh ấy. Với khoản tiền này, tôi dùng chi tiêu trong gia đình hoặc tiết kiệm”. Chị Phượng cho biết thêm: “Dù chồng tôi lo kinh tế chính nhưng anh ấy luôn công khai nguồn thu nhập để tôi biết và cân đối chi tiêu. Tôi nghĩ, chồng hay vợ đều phải có trách nhiệm về kinh tế vì hạnh phúc gia đình”. 

Trao đổi về vấn đề ai là người giữ “tay hòm chìa khóa”, PGS.TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho biết, kỹ năng quản lý tài chính của các cặp vợ chồng trẻ chỉ ở mức trung bình. Họ thường rơi vào tình trạng mất kiểm soát tài chính vì chi tiêu và chưa có kế hoạch tài chính rõ ràng. Để giúp các cặp vợ chồng trẻ có thể cân đối giữa thu nhập và chi tiêu, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn khuyên mỗi gia đình nên có phương pháp quản lý tài chính. Theo đó, thu nhập từng người cần được công khai, thỏa thuận chi tiêu và phân ra 6 loại quỹ như sau: Quỹ phí sinh hoạt, quỹ giáo dục, quỹ tiết kiệm dài hạn, quỹ từ thiện, quỹ hưởng thụ, quỹ tự do tài chính. Từng loại quỹ có thể cố định và không cố định nhưng phải có để không bị thụ động trong các vấn đề tài chính. Nếu thỏa thuận tốt, biết chi tiêu hợp lý thì vợ chồng sẽ không mất lòng tin vào nhau từ chuyện tiền bạc đến những vấn đề khác trong đời sống gia đình. Hơn nữa, một khi biết cách quản lý tài chính thì vợ hay chồng là “tay hòm chìa khóa” không quan trọng vì họ có nhiều điểm chung, và sẽ có cuộc sống hạnh phúc bởi kinh tế gia đình ổn định./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết