Nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM - Võ Trần Chí giao lưu với các em học sinh giỏi tạibuổi trao học bổng trong Chương trình Vì ngày mai phát triển do Báo Tuổi Trẻ tổ chức vào tháng 6/1991 (Ảnh do gia đình cung cấp)
Xây dựng thành công phong trào "Toàn dân đánh giặc"
Năm 1964, cao trào phá ấp chiến lược của ta thắng lợi to lớn, địch đưa Sư đoàn 25 cùng nhiều lực lượng khác càn quét, quyết giành lại vùng Đức Hòa. Đây cũng là thời điểm đồng chí Võ Trần Chí được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Long An. Tiếp tục thực hiện quan điểm tiến công cách mạng, củng cố vùng giải phóng của Tỉnh ủy, đồng chí đã đặt vấn đề thảo luận về việc đánh bại Sư đoàn 25 của địch.
Dựa trên phân tích tỉ mỉ tình hình thực tế lúc bấy giờ, Tỉnh ủy nhận định lực lượng ta có thể làm được và đề ra Nghị quyết táo bạo: “Đánh bại Sư đoàn 25 ngụy, giải phóng cơ bản Long An”, đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực cao của quân và dân ta thời điểm đó.
Nhằm thực hiện Nghị quyết đã đề ra, Tỉnh ủy xem việc củng cố và xây dựng lực lượng vũ trang là mục tiêu hàng đầu. Lực lượng ta luôn duy trì tương đương “trung đoàn thiếu”, có thể điều động tiêu diệt từng tiểu đoàn quân chủ lực địch. Song song đó, Tỉnh ủy chú trọng kiện toàn các tổ chức Đảng từ cơ sở chi bộ, tăng cường cán bộ lãnh đạo chỉ huy cho các đơn vị bộ đội tập trung cũng như công tác giáo dục chính trị trong lực lượng vũ trang.
Giai đoạn đó, Tỉnh ủy Long An, đứng đầu là Bí thư Tỉnh ủy - Võ Trần Chí còn chủ trương làm thật tốt công tác dân vận. Lịch sử Đảng bộ tỉnh có đoạn ghi: “Ngay cả trong các trận đánh, vấn đề bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân luôn được đặt lên hàng đầu”.
Với sự chuẩn bị chu đáo của lực lượng cách mạng và sự ủng hộ của nhân dân, mục tiêu “Đánh bại Sư đoàn 25 ngụy, giải phóng cơ bản Long An” đã được thực hiện một cách đầy đủ. Giai đoạn 1962-1965 được đánh giá là “thời kỳ phát triển đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân ở Long An cũng là thời kỳ trưởng thành về mọi mặt của Đảng bộ Long An”. Trong đó, có không ít công sức của ông Võ Trần Chí.
Để lại nhiều dấu ấn trong sự phát triển của TP.HCM
Quan điểm về đề cao công tác dân vận, vì dân và chú trọng xây dựng Đảng luôn được đồng chí Võ Trần Chí giữ gìn và phát huy đến sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất. Tâm huyết của ông về xây dựng Đảng được thể hiện qua những bài phát biểu, đóng góp sâu sắc, nhìn nhận thẳng thắn vào hạn chế của Đảng trong từng giai đoạn và đưa ra giải pháp khắc phục, khẳng định tấm lòng phụng sự Đảng, Nhà nước, nhân dân.
Phát biểu tại buổi bế mạc Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ thành phố lần thứ 7 nghiên cứu và triển khai Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VI), Bí thư Thành ủy TP.HCM - Võ Trần Chí đã phân tích, nhấn mạnh thêm một số vấn đề trong giai đoạn đầu đổi mới của Đảng: Nguyên nhân sâu xa dẫn đến niềm tin của quần chúng, đảng viên vào Đảng giảm sút, vai trò lãnh đạo của Đảng trong điều kiện kinh tế nhiều thành phần, tính bức xúc của tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức chính trị, nâng cao đạo đức, phẩm chất đối với cán bộ, đảng viên,...
Ông khẳng định: “Đảng ta về tư tưởng và tổ chức phải nhanh chóng tự đổi mới theo tư duy đúng đắn của Đại hội VI. Vì đó là yếu tố quyết định việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội VI của Đảng và Nghị quyết Đại hội IV của Đảng bộ ta, là yếu tố quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo trong chặng đường trước mắt và cả trong những chặng đường tiếp theo”.
Ông được đánh giá là người biết lắng nghe, trọng trí thức, có tư duy đổi mới, có nhiều quyết sách quan trọng góp phần phát triển kinh tế TP.HCM. Ông có công lớn trong công tác xóa đói, giảm nghèo (XĐGN). Năm 1992, TP.HCM khởi xướng chương trình XĐGN. Các gia đình nghèo được vay vốn không lãi suất phục vụ sản xuất, kinh doanh nhỏ, bảo đảm cuộc sống gia đình ở mức cơ bản.
Về sau, cuộc vận động XÐGN được thực hiện trong cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm góp phần làm lành mạnh, ổn định xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế nước nhà. Thành tựu ấy là một trong những “dấu ấn” của nguyên Bí thư Thành ủy - Võ Trần Chí trong 2 nhiệm kỳ trên cương vị người đứng đầu thành phố.
Điếu văn tiễn đưa nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM - Võ Trần Chí có viết: “Trong hơn 66 năm ấy, nhất là 10 năm là người đứng đầu Ðảng bộ TP.HCM trong thời kỳ đầu thực hiện đường lối đổi mới, đồng chí đã góp phần xứng đáng vào tiến trình thực hiện đường lối đổi mới của Ðảng, để lại nhiều dấu ấn trong sự phát triển của TP.HCM, trong đó có thành quả và kinh nghiệm của Khu chế xuất Tân Thuận, XĐGN, Ðền liệt sĩ Bến Dược - Củ Chi, Ðền tưởng niệm các vua Hùng...”.
Ngày nay, tên ông được đặt cho đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đoạn từ nút giao Tân Tạo (quận Bình Tân) đến nút giao Chợ Đệm (huyện Bình Chánh). Đường Võ Trần Chí là tuyến đường quan trọng kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Tây Nam bộ, đặc biệt là Long An. Thật tự hào khi quê hương “trung dũng kiên cường” có một người con tài ba là cựu chính khách Võ Trần Chí!/.
Với những công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, ông Võ Trần Chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.(Theo Dấu ấn của đồng chí Võ Trần Chí trong sự nghiệp phát triển của TP.HCM rất sâu đậm - thanhuytphcm.vn) |
Quế Lâm
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Bài viết tham khảo 1 số tài liệu:
- Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An;
- Tư liệu - Võ Trần Chí;
- Điếu văn tiễn đưa nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM - Võ Trần Chí;
- Dấu ấn của đồng chí Võ Trần Chí trong sự nghiệp phát triển của TPHCM rất sâu đậm - thanhuytphcm.vn
- Tóm tắt tiểu sử đồng chí Võ Trần Chí - Báo Nhân Dân.