Chấn động khu phố nhỏ
Căn nhà bà Đ. mấy ngày nay cửa đóng then cài. Bên ngoài lúc nào cũng đông đúc người đến hỏi thăm, nhìn ngó. Lực lượng công an xã và dân phòng xã phải túc trực ở đó để giữ an ninh, trật tự.
Căn nhà vắng lạnh, cửa đóng, then cài
Một người hàng xóm của bà Đ. kể, chị và gia đình bàng hoàng đến phát khóc khi xem đoạn clip về cảnh bà Đ. bị bạo hành. Bà Đ. trước đây sống cùng cháu ngoại. Nhưng theo hàng xóm, chị này thường xuyên vắng nhà. Bà Hoa sống cùng chồng ở nơi khác, thường lui tới chăm sóc bà Đ. Vì bực tức việc mẹ sang tên căn nhà đang ở cho cháu ngoại (con gái bà Hoa) nên bà Hoa có hành vi bạo hành mẹ ruột khi bà đang ở cuối dốc cuộc đời.
Clip bạo hành quay gần 1 năm trước, đến khi bà Đ. mất mới được công khai. Vậy mà cả hàng xóm và chính quyền đều không hay biết. Người hàng xóm kể, gia đình bà Đ. trước giờ khá phức tạp khi các thành viên trong nhà thường xuyên lớn tiếng cãi vã. Nhà chị cách nhà bà Đ. vài căn nhưng vì bà Hoa được đánh giá là “hỗn” nên xóm giềng ít người qua lại. Đôi lần bà Đ. có nhờ vả chị vài việc, khi bà Hoa biết đã lớn tiếng, nặng lời nên chị không muốn “dây” đến nữa.
Theo xóm giềng, căn nhà đã bị cầm cố
Theo xóm giềng, căn nhà trước đây cụ Đ. sống đã bị cầm cố. Bát nhang thờ cụ Đ. đã được đưa về ngôi chùa gần đó. Cụ Đ. đã mất, bà Hoa đã bị cơ quan điều tra mời làm việc, con gái bà cũng không thấy lui tới nhà. Nếu là một vụ án cố ý gây thương tích khác, câu chuyện có thể khép lại để cho cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ sự việc và xử lý đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, câu chuyện bạo hành mẹ ruột này lại không ngừng “hot” vì nó động vào truyền thống, đạo lý của dân tộc. Nó đặt ra biết bao câu hỏi khiến cho chúng ta phải dừng lại suy nghĩ.
Mùa Vu Lan báo hiếu, khi người người nhà nhà đang cố gắng bày tỏ sự yêu thương, lòng biết ơn cho đấng sinh thành thì câu chuyện tại Long Hòa như một đóa hồng “vỡ nát” trong mùa Vu Lan. Điều gì có thể giải thích cho hành động bạo hành mẹ ruột của người con gái duy nhất chỉ vì không nhận được quyền thừa kế?
Clip được quay gần 1 năm trước (và có khả năng việc bạo hành đã kéo dài) nhưng không ai hay biết?! Những câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình, những địa chỉ tin cậy, những tổ chức bảo vệ quyền lợi phụ nữ, người cao tuổi đều không hề biết và can thiệp!
Bên lề những con số đẹp
Một phần mục tiêu chung của Nghị quyết 33 về Xây dựng, phát triển văn hóa con người Việt Nam nêu rõ: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.”.
Mục tiêu cụ thể được nêu ra đầu tiên trong Nghị quyết 33 cũng là: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; …”
Mùa Vu Lan báo hiếu, khi người người nhà nhà đang cố gắng bày tỏ sự yêu thương, lòng biết ơn cho đấng sinh thành thì câu chuyện tại Long Hòa như một đóa hồng “vỡ nát” trong mùa Vu Lan (trong ảnh: cài hoa mùa Vu Lan). Ảnh: Thùy Minh
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33, chúng ta đã đạt những kết quả nhất định. Theo báo cáo từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, cộng tác viên làm công tác gia đình của 15 huyện, thị xã, TP.Tân An được tổ chức thường xuyên.
Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam được triển khai trong tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh, trong đó có 22 đơn vị điểm của tỉnh. Mô hình “Nâng cao chất lượng gia đình văn hóa giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” cũng được triển khai khắp các xã, thị trấn, trong đó có 14 xã điểm của tỉnh. “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” trên địa bàn tỉnh Long An cũng đã được triển khai thí điểm từ năm 2018 với 2 xã điểm cấp tỉnh và mỗi huyện, thị xã, thành phố chủ động lựa chọn 1 xã làm điểm, mỗi xã chọn 1 ấp làm điểm triển khai thực hiện.
Riêng về công tác phòng, chống bạo lực gia đình thì toàn tỉnh có 192/192 xã, phường, thị trấn (theo số liệu cũ, hiện nay là 188/188 xã, phường, thị trấn) triển khai thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình, 986 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình (4.494 thành viên), 821 Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững (10.636 thành viên), 1.045 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng.
Từ năm 2010 đến nay, hàng năm sở đều ký hợp đồng với ít nhất 4 đơn vị (Công an tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh và Tỉnh đoàn,...) tuyên truyền về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Trong năm 2018, sở đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hơn 400 đại biểu tham dự.
Đó là những con số đẹp nhưng bên cạnh vẫn có những hạn chế, tồn tại được đánh giá: “Hiện tượng càn quấy, coi thường pháp luật, làm mất an ninh, trật tự, bạo lực gia đình, cách ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng, … đang làm nhức nhối dư luận xã hội.”
Và thật đáng tiếc khi một trong những “hiện tượng” ấy lại là câu chuyện “chấn động”, vi phạm một cách thô bạo vào truyền thống, đạo lý của dân tộc ta./.
Quế Lâm