Cảng Long An đặt cần cẩu đầu tiên, chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X
Chuyển mình từ con tôm
Tân Chánh là xã vùng hạ của huyện Cần Đước, có diện tích tự nhiên 1.744ha, đến thời điểm này, toàn xã có 850ha nuôi tôm thẻ, tôm sú, tôm càng xanh. Theo Bí thư Đảng ủy xã - Phạm Thị Thu Vân, nghề nuôi tôm, nhất là tôm thẻ chân trắng đang là mũi đột phá trong phát triển kinh tế của xã. Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân nuôi tôm, tuyến đê bao ven sông Cần Đước đi qua 4 ấp trong xã (ấp Đình, Long Trung, Long Nhì và Bà Nghĩa) đang được thực hiện.
Anh Nguyễn Văn Khải, ngụ ấp Hòa Quế, xã Tân Chánh có 20.000m2 ao nuôi tôm thẻ chân trắng cho biết, anh bắt đầu chuyển diện tích đất nhiễm mặn sang nuôi tôm đã lâu. Tuy nhiên, trước đây, anh và bà con xung quanh chỉ nuôi theo kinh nghiệm nên hiệu quả không cao. Thời gian gần đây, thu nhập của người nuôi tôm khá hơn trước, vì được chuyển giao khoa học - kỹ thuật, thông tin lịch thời vụ, tình hình diễn biến môi trường nước, dịch bệnh, đặc biệt các ngành chức năng quản lý chặt chẽ đầu vào của con giống,… Với diện tích nêu trên, hằng năm, sau khi trừ chi phí đầu tư, anh Khải có lãi từ 200 - 300 triệu đồng.
Phước Lại là 1 trong 7 xã vùng hạ của huyện Cần Giuộc. Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã - Trần Văn Tuấn cho biết, nhờ điều kiện thích hợp để phát triển thủy sản nên trong 5 năm qua, nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp từ trồng lúa sang nuôi tôm để nâng cao thu nhập. Toàn xã hiện có 467ha nuôi tôm, trong đó, có 4 tổ hợp tác nuôi tôm với 68 hộ. Nhờ nuôi tôm, đời sống của người dân đã khấm khá hơn trước. Mỗi năm, người nuôi tôm có lãi bình quân 180 triệu đồng trở lên/ha.
Ngoài Phước Lại, các xã khác ở vùng hạ Cần Giuộc như: Phước Vĩnh Đông, Phước Vĩnh Tây, Long Phụng,… nông dân đã chuyển sang nuôi trồng thủy sản và cho thu nhập khá nhờ các tuyến kênh mương được cải tạo.
Con tôm đang phát triển khá mạnh tại các xã vùng hạ
Những quyết sách kịp thời, đúng đắn
Thời gian qua, Long An đã ban hành nhiều chính sách về phát triển kinh tế - xã hội cho vùng hạ Cần Giuộc, Cần Đước với mục tiêu hình thành cơ cấu kinh tế của vùng là công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, tạo tiền đề cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Trong thời gian qua, các nguồn vốn cơ bản về giao thông, thủy lợi cộng với nguồn vốn đóng góp từ dân và huy động các nguồn lực từ bên ngoài, vùng hạ từng bước khởi sắc, với nhiều công trình mang tính chiến lược đã dần hình thành.
Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc - Nguyễn Văn Thiệp cho biết, nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành, kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện được đầu tư, đặc biệt là chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đem lại nhiều kết quả nổi bật. Các xã vùng hạ trên địa bàn huyện đã kết nối liên thông với các huyện: Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ (TP.HCM) và các địa phương khác thông qua Quốc lộ 50, đường Tân Tập - Long Hậu, tuyến Bến Lức - Tân Tập, cao tốc Bến Lức - Long Thành,… Đây là điều kiện khá lý tưởng mở ra nhiều triển vọng, giúp Cần Giuộc phát triển theo hướng công nghiệp, kéo giảm sự chênh lệch về phát triển kinh tế - xã hội giữa các nơi trong huyện với khu vực.
Diện mạo đô thị loại IV - thị trấn Cần Giuộc Ảnh: Hữu Lý
Cất cánh trong tương lai
Trước đây, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc được biết đến là khu vực có địa hình thấp, điều kiện sản xuất nông nghiệp hạn chế. Nhưng nay, xã đã có một diện mạo mới với Khu công nghiệp (KCN) Long Hậu. Sau hơn 9 năm hình thành, đến nay, KCN Long Hậu đã có trên 137 nhà đầu tư đến sản xuất, kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy toàn khu gần 75% diện tích, giải quyết việc làm cho hơn 11.000 lao động.
Nhiều công ty, xí nghiệp trên địa bàn huyện tạo việc làm cho người dân
Hay như tại xã Tân Tập, Cảng Long An đã được quy hoạch trên diện tích gần 2.000ha, hiện nay, giai đoạn 1 dự án Cảng Long An đã hoàn thành đạt 90% khối lượng. Đại diện Công ty Cổ phần Cảng Long An cho biết, hiện nay, tất cả công nhân tại công trường cũng như các phương tiện cơ giới đang đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, xây dựng kết cấu hạ tầng, kho, bến bãi phục vụ công tác luân chuyển hàng hóa, kịp thời đón chuyến tàu đầu tiên cập Cảng Long An vào đầu năm 2016.
Với vị trí tiếp giáp TP.HCM và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long qua Quốc lộ 50, thời gian tới, Cảng Long An sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh quá trình giao lưu hàng hóa, kịp thời đáp ứng nhu cầu tăng trưởng về xuất, nhập khẩu các loại hàng hóa cần thiết bằng đường biển, trực tiếp phục vụ các ngành kinh tế nông nghiệp, công nghiệp của tỉnh, các cụm công nghiệp Dự án khu Cảng Long An - Trung tâm Thương mại, đô thị Cần Giuộc nhằm góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Gia Hân