Tiếng Việt | English

03/07/2024 - 15:17

Xác định đúng để có hướng đi đúng

Câu hỏi “Đại học có phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công hay không?” đã được đặt ra cách đây hơn 20 năm. Và câu trả lời từ chính thực tiễn là “Đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công”. Hơn 10 năm trước, hầu hết học sinh (HS) sau khi tốt nghiệp THPT đều muốn vào đại học. Việc ồ ạt vào bằng được đại học lúc đó dẫn đến “cung vượt cầu”. Có thời điểm, hàng chục ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng không tìm được việc làm phải chấp nhận làm lao động phổ thông để trang trải cuộc sống.

Từ rất lâu, suy nghĩ học đại học sẽ dễ thành công hơn đã “ăn” sâu vào cả HS lẫn phụ huynh. Nhiều bậc cha mẹ dù biết sức học của con mình không khá nhưng vẫn cố gắng động viên con vào đại học, không học được công lập thì học dân lập; không học được ngành yêu thích thì chuyển sang ngành khác, miễn là học đại học. Có không ít gia đình dù điều kiện kinh tế cũng không tốt nhưng vì muốn con học đại học nên chấp nhận bán ruộng, đất, vay tiền cho con đi học. Đến khi tốt nghiệp đại học, nhiều em chịu cảnh thất nghiệp hoặc phải xin vào các công ty, xí nghiệp làm lao động phổ thông với mức thu nhập chỉ đủ trang trải sinh hoạt.

Khác với thế hệ trước, Gen Z (thế hệ sinh ra từ năm 1997 đến 2012) có cái nhìn thực tế hơn về con đường lập nghiệp. Vào đại học giờ không còn là lựa chọn hấp dẫn hàng đầu với HS sau khi tốt nghiệp THPT, nhất là khi tỷ lệ cử nhân thất nghiệp sau khi ra trường vẫn ở mức cao. Gen Z lựa chọn hướng đi cho bản thân dựa vào năng lực thực tế, sở thích, sở trường, nhu cầu việc làm của xã hội và hoàn cảnh gia đình. Với Gen Z, các bạn có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp và không còn chịu áp lực quá lớn khi không chọn con đường đại học.

Nhờ được tư vấn hướng nghiệp ngay từ những năm THCS nên nhiều HS có những định hướng riêng từ rất sớm. Nhóm HS chọn con đường đại học, du học thường là những HS giỏi, định hướng cho bản thân phát triển theo con đường học thuật. Đây là con đường có thể ngắn, dễ đi hơn so với những hành trình khác nhưng cũng là con đường có sự sàng lọc bởi khi năng lực của bản thân đáp ứng được và lựa chọn môi trường, ngành học đúng với sở trường, nhu cầu của xã hội thì tỷ lệ thành công mới cao.

Nhóm HS có học lực trung bình, khá thường chọn các hướng đi khác như học trung cấp, học nghề, khởi nghiệp và làm công việc yêu thích,... Thực tế cho thấy, dù chọn trung cấp, học nghề hay khởi nghiệp đều mang lại những lợi ích và giá trị khác nhau. Với những HS gia đình chưa đủ điều kiện về tài chính thì việc học nghề là giải pháp tối ưu. Ngoài học tại các trường nghề, các bạn trẻ có thể học theo hướng “truyền nghề” từ những người đi trước. Những nghề được nhiều bạn chọn theo học là pha chế, chụp ảnh, nấu ăn, dịch vụ làm đẹp,... Lợi ích của việc học nghề là chi phí thấp, thời gian học ngắn và có thể tìm được việc làm sau khi học. Để chọn được nghề phù hợp, trước tiên phải xác định được công việc liên quan tới lĩnh vực mà mình quan tâm và công việc đó có phù hợp với khả năng, sở trường của mình hay không. Cuối cùng là sự quyết tâm, thái độ nghiêm túc và cố gắng với nghề. Khi “toàn tâm tâm ý”, tích cực trau dồi tay nghề, bồi dưỡng kỹ năng thì chắc chắn sẽ thành công theo cách riêng của mình.

Cũng có một số ít bạn trẻ sau khi tốt nghiệp THPT dành cho mình một khoảng thời gian để trải nghiệm sau đó mới quyết định hướng đi riêng cho bản thân (Gap Year). Thực ra, Gap Year là khái niệm khá quen thuộc với những bạn trẻ ở các nước phương Tây và xuất hiện ở Việt Nam những năm gần đây. Những lợi ích của Gap Year là có nhiều trải nghiệm mới mẻ từ các hoạt động du lịch, tình nguyện; có thêm nhiều kỹ năng cần thiết trong cuộc sống; bổ sung thêm nhiều kiến thức bổ ích từ thực tiễn cuộc sống;… Sau thời gian trải nghiệm, nhiều bạn sẽ có thay đổi trong suy nghĩ, hành động và có quyết định đúng đắn hơn cho hướng đi của mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp với hình thức này bởi các bạn phải bỏ ra một khoảng thời gian nhất định và phải có đủ điều kiện tài chính.

Chọn hướng đi nào là quyết định cá nhân của mỗi người. Với những bạn trẻ vừa rời ghế nhà trường thì quyết định đó cần có sự định hướng của cha mẹ, thầy cô. Việc không còn quá quan trọng con đường vào đại học của Gen Z cho thấy những thay đổi tích cực trong suy nghĩ và hành động của các bạn trẻ. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội cho người trẻ và đại học không còn là con đường duy nhất./.

Tâm An

Chia sẻ bài viết