Tiếng Việt | English

29/02/2024 - 19:20

Xây dựng, bảo vệ môi trường

Nhiều giải pháp, mô hình được triển khai đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, xây dựng, bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh Long An.

Tham gia thu gom rác thải, vệ sinh môi trường, làm đẹp cảnh quan, diện mạo địa phương là hành động thiết thực bảo vệ môi trường mà ông Nguyễn Văn Trung (bên phải, ấp 5, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ) cùng người dân trong ấp thực hiện

Chung tay thực hiện

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) - Nguyễn Tân Thuấn, công tác quản lý, BVMT được các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở quan tâm thực hiện. Sở phối hợp các địa phương, hội, đoàn thể, các đơn vị triển khai một số mô hình, cách làm thiết thực, sát với thực tế,... góp phần nâng cao nhận thức của người dân, lan tỏa và kêu gọi cộng đồng chung tay xây dựng, BVMT. Qua đó, giúp giữ gìn môi trường, cải thiện diện mạo, cảnh quan địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Tại huyện Tân Trụ, ngoài tuyên truyền, phổ biến các quy định về BVMT, huyện còn phát động thực hiện nhiều mô hình, phát huy hiệu quả, lan tỏa sâu, rộng. Nhờ đó, diện mạo, cảnh quan trên địa bàn xanh, sạch, đẹp và đáng sống hơn. Ông Nguyễn Văn Trung (ấp 5, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ) cho biết: “Những thông tin tuyên truyền, mô hình hay của địa phương đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân. Tôi nghĩ phải hành động thiết thực, nêu gương để cùng địa phương xây dựng cảnh quan môi trường. Hiện tại, môi trường trong khu dân cư, xóm, ấp sạch sẽ, người dân ai nấy đều phấn khởi”.

Sau khi thực hiện thành công mô hình về phân loại rác (khu vực đô thị) trên địa bàn TP.Tân An, hiện nay, tỉnh phối hợp Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) tiếp tục triển khai thí điểm mô hình Phân loại rác tại nguồn, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân khu vực nông thôn tại xã Thái Trị và thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng. Qua đánh giá, mô hình bước đầu mang lại hiệu quả, tín hiệu tích cực trong phân loại rác cũng như công tác quản lý, BVMT tại huyện Vĩnh Hưng nói riêng và tỉnh nói chung.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Võ Văn Bảo, chất thải rắn sinh hoạt được phân thành 3 loại, gồm: Chất thải hữu cơ dễ phân hủy; chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải còn lại. Sau thời gian thực hiện, mô hình đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác BVMT như giảm thiểu được khoảng 15% lượng rác thải nhựa ra môi trường do mở rộng hệ thống thu gom, xử lý rác; huy động được khoảng 60-70% hộ dân tham gia phân loại rác đạt chất lượng tốt, một số hộ đã tự xử lý rác hữu cơ thành phân compost sử dụng cho các mục đích trồng trọt của hộ gia đình; giảm được khoảng 40-45% lượng rác cần đưa đi chôn lấp (bao gồm rác hữu cơ và rác tái chế).

Nguồn rác hữu cơ được xử lý tập trung tại thị trấn Vĩnh Hưng trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 12/2023 là 1.368 tấn, tạo ra 164 tấn phân compost. Bên cạnh đó, mô hình tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; hình thành thói quen phân loại chất thải rắn sinh hoạt; tạo ý thức tự giác chấp hành phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội gương mẫu chấp hành, thực hiện. Mô hình cũng giúp giảm thiểu chi phí phân loại, xử lý rác tại nhà máy; tận dụng được nguồn rác tái chế và lượng rác hữu cơ để làm nguyên liệu cho các quy trình sản xuất tiếp theo.

“Huyện mong muốn các cấp tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nguồn kinh phí để giúp Vĩnh Hưng duy trì mô hình phân loại rác tại nguồn đang thực hiện tại thị trấn Vĩnh Hưng, xã Thái Trị và tạo điều kiện nhân rộng mô hình ra các xã khác trong toàn huyện” - ông Võ Văn Bảo kiến nghị.

Nhiều giải pháp thiết thực bảo vệ môi trường

Ông Nguyễn Tân Thuấn thông tin: Sở thường xuyên phối hợp các sở, ngành, địa phương, các đơn vị tổ chức các biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần xây dựng, BVMT trên địa bàn. Thời gian gần đây, tỉnh cơ bản không xảy ra điểm nóng ô nhiễm môi trường.

Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Trong đó, quy định cụ thể việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt; điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; tuyến đường, thời gian và phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; tần suất và địa điểm thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã trong việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, thu gom và xử lý rác thải khu vực đô thị đạt 100%; thu gom và xử lý rác thải khu vực nông thôn đạt 75%.

Người dân thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng phân loại rác tại nguồn, góp phần giảm lượng rác thải

Vấn đề môi trường trong hoạt động sản xuất cũng được quan tâm, kiểm soát chặt chẽ. Sở TN&MT yêu cầu các đơn vị phải tuân thủ, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về BVMT, nêu cao vai trò, trách nhiệm trong vấn đề này. Toàn tỉnh có 40 khu, cụm công nghiệp hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung và xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả vào nguồn tiếp nhận; 44 doanh nghiệp có nguồn thải lớn lắp đặt trạm quan trắc tự động nước thải và khí thải truyền về trạm Trung tâm Sở TN&MT theo dõi và quản lý, giám sát chất lượng nước thải, khí thải của doanh nghiệp thải ra môi trường để kịp thời yêu cầu doanh nghiệp khắc phục trường hợp vượt quy chuẩn.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đầu tư 6 trạm quan trắc tại huyện Đức Hòa, Bến Lức và thị xã Kiến Tường. Các trạm quan trắc tự động nước mặt và không khí được bảo trì định kỳ để bảo đảm vận hành ổn định, nhờ đó, Sở TN&MT thu thập, theo dõi, giám sát chất lượng môi trường tại những nơi chịu tác động mạnh mẽ của các hoạt động phát triển KT-XH để làm cơ sở đề xuất các biện pháp bảo đảm chất lượng nguồn nước các tuyến sông, duy trì bảo vệ không khí xung quanh.

Thời gian tới, lĩnh vực xây dựng, BVMT, Sở tiếp tục duy trì các biện pháp, giải pháp đã thực hiện; tiếp tục triển khai và áp dụng Luật BVMT năm 2020; phối hợp địa phương trong công tác triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thực hiện một số mô hình BVMT hiệu quả, sát với thực tế; kêu gọi thu hút đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác quan trắc để kịp thời phát hiện và có các giải pháp phòng ngừa ô nhiễm trên địa bàn tỉnh;.../.

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích