Nếu xem văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển KT-XH thì trong nâng chất phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) ở khu dân cư phải đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Muốn nâng chất phong trào này, nhất thiết phải gắn với việc thực hiện nhiều phong trào khác ở cơ sở.
Nhờ khẳng định như vậy nên những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, cán bộ và nhân dân trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng phong trào TDĐKXDĐSVH. Phong trào đã có sức lan tỏa sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, qua đó, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH ở địa phương.
Dù vậy, phong trào này phát triển không đồng đều cả về chất lượng và vùng miền. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IX đánh giá: “Đời sống văn hóa tinh thần ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới,... còn hạn chế”. Vì vậy, để nâng chất phong trào này, trước tiên cần chú ý ưu tiên nâng chất phong trào ở những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Ngoài ra, muốn nâng chất phong trào TDĐKXDĐSVH có hiệu quả, điều quan trọng là phải phối kết hợp với việc thực hiện nhiều phong trào khác như: Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Đặc biệt, trong việc nâng chất phong trào TDĐKXDĐSVH phải bám sát phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2015-2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X là “Tiếp tục mở rộng và nâng chất phong trào TDĐKXDĐSVH. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước” và hoàn thành xây dựng 60% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đạt chuẩn văn hóa như một trong những chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X./.
Nguyễn Minh Cường