Tiếng Việt | English

28/10/2023 - 17:05

Xây dựng môi trường học tập thuận lợi cho học sinh

Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (CQG), giáo viên (GV), học sinh (HS) được dạy và học tập trong điều kiện thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục (GD). Đây là chủ trương lớn, mang tính chiến lược của ngành GD và là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tại các địa phương tỉnh Long An.

Giáo viên cho trẻ nhận xét công trình xây dựng tại góc xây dựng trong lớp

Giáo viên cho trẻ nhận xét công trình xây dựng tại góc xây dựng trong lớp

Lấy trẻ làm trung tâm

GD mầm non đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, nhận thức, tình cảm xã hội và thẩm mỹ của trẻ. Trẻ được hưởng sự chăm sóc và phát triển tốt từ lứa tuổi mầm non, góp phần tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển trong tương lai. Do vậy, các trường luôn nỗ lực thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc, GD trẻ. Đó cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các trường trong xây dựng và giữ vững trường đạt CQG.

Là trường vùng sâu của huyện Thủ Thừa, Trường Mẫu giáo Long Thạnh luôn quan tâm, nâng cao chất lượng chăm sóc, GD trẻ trong từng năm học. Đặc biệt, năm 2023, xã Long Thạnh phấn đấu “về đích” NTM, do vậy, Trường Mẫu giáo Long Thạnh cũng nỗ lực trong xây dựng trường đạt CQG trong năm nay, góp phần nâng cao hơn nữa tiêu chí trường đạt CQG của địa phương.

Hiện nay, trường đẩy mạnh thực hiện GD lấy trẻ làm trung tâm nhằm phát huy tính chủ động, tích cực của trẻ, góp phần phát triển toàn diện cho trẻ.

GV xây dựng môi trường học tập với góc hoạt động trong lớp và ngoài lớp mang tính mở, tạo được điều kiện cho tất cả các trẻ có thể chơi mà học, học bằng chơi, nhất là được trải nghiệm, khám phá nhiều điều mới, thú vị, giúp trẻ yêu thích đến trường. Trong các hoạt động, trẻ là trung tâm, người chủ động để các hoạt động diễn ra sôi nổi, hiệu quả.

Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Long Thạnh - Trần Thị Bích Liễu cho biết: “Trong quá trình chăm sóc, GD trẻ, nhất là khi tổ chức các hoạt động, GV luôn chú trọng việc khuyến khích trẻ nêu lên ý kiến bản thân, từ đó có biện pháp để phát triển hoặc điều chỉnh giúp trẻ hoàn thành ý tưởng. GV quan tâm đến đặc điểm riêng của từng trẻ, giúp trẻ bộc lộ khả năng, thế mạnh của mình. Ngoài ra, GV hạn chế làm thay, nói thay trẻ và không nhận xét tiêu cực, tạo tâm lý thoải mái; đồng thời, khuyến khích trẻ tương tác, phối hợp bạn cùng lớp khi tham gia các hoạt động”.

Trường Mẫu giáo Long Thạnh còn tạo điều kiện để cha mẹ trẻ tham gia vào các hoạt động của trường, lớp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, GD trẻ. Theo đó, cha mẹ trẻ có thể tham gia làm đồ dùng cho trẻ, trang trí các góc chơi cho trẻ, tặng một số nguyên liệu như bìa, chai,... Trường còn tổ chức cho cha mẹ trẻ tham dự các hoạt động của cô và trẻ để hiểu đúng hơn về việc vui chơi, học tập của trẻ ở trường mầm non, từ đó, nhiệt tình phối kết hợp chặt chẽ với GV trong công tác chăm sóc, GD trẻ, góp phần nâng chất lượng GD của trường.

Giữ vững chất lượng trường đạt chuẩn

Thuộc địa bàn xã biên giới, Trường THCS Mỹ Thạnh Tây (huyện Đức Huệ) quyết tâm giữ vững danh hiệu trường đạt CQG. Năm 2023, trường trong lộ trình công nhận lại trường đạt CQG lần 3 (danh hiệu trường CQG có hiệu lực trong 5 năm liên tiếp). Hiện trường cố gắng củng cố, nâng chất các tiêu chí nhỏ trong các tiêu chuẩn trong xây dựng trường đạt CQG.

Học sinh năng động, tích cực khi tham gia thảo luận nhóm

Học sinh năng động, tích cực khi tham gia thảo luận nhóm

Nhiệm vụ trọng tâm được trường nỗ lực thực hiện là nâng cao chất lượng GD. GV thay đổi phương pháp dạy học, nhất là phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của HS, giúp các em hứng thú học tập.

Cô Mai Thị Tú Quyên - GV môn Sử, Giáo dục công dân, Trường THCS Mỹ Thạnh Tây, chia sẻ: “Một trong những phương pháp tôi sử dụng nhiều nhất là cho HS thảo luận nhóm, sau đó báo cáo kết quả trước lớp và cho các em cùng nhận xét, đánh giá, tôi sẽ bổ sung kiến thức còn thiếu cũng như chốt lại nội dung bài học. Với phương pháp này, HS được tư duy, đưa ra các lựa chọn, quyết định và hứng thú khi được trình bày công sức lao động của nhóm cũng như được học hỏi khi các bạn nhận xét, đánh giá, từ đó các em khắc sâu kiến thức hơn. Phương pháp này cũng giúp tiết học trở nên sôi nổi, tích cực hơn, giúp các em yêu thích môn học và tự khám phá thêm kiến thức liên quan nội dung bài học”.

Ngoài ra, cô Quyên còn cho HS chơi trò chơi như hỏi đáp nhanh, nhìn hình đoán chữ,... để kích thích tinh thần học tập của các em. Trong quá trình giảng dạy, cô Quyên chú trọng áp dụng phương pháp phù hợp với từng đối tượng HS. Với HS khá, giỏi, cô cố gắng phát huy năng lực các em thông qua các bài tập nâng cao, giới thiệu các nguồn tài liệu học tập uy tín để các em tự học, tự nghiên cứu thêm.

Khi phát hiện HS có năng khiếu ở môn học, cô nỗ lực bồi dưỡng để phát triển năng lực các em, động viên các em tham gia đội tuyển HS giỏi để thử sức mình. Riêng với HS trung bình, yếu, cô Quyên đặt ra mục tiêu nhẹ nhàng với các bài tập nhỏ, cơ bản và thường xuyên gợi mở để các em trả lời đúng các câu hỏi, từ đó khích lệ để các em cố gắng hơn.

Giáo viên bổ sung kiến thức và chốt lại nội dung bài học sau khi học sinh trình bày kết quả thảo luận nhóm và cả lớp nhận xét đánh giá

Giáo viên bổ sung kiến thức và chốt lại nội dung bài học sau khi học sinh trình bày kết quả thảo luận nhóm và cả lớp nhận xét đánh giá

Trường thực hiện nhiều giải pháp giảm tỷ lệ HS bỏ học (dưới 1%). Ngoài GV nhiệt tình, nỗ lực trong giảng dạy, giúp HS hứng thú học tập, trường còn vận động mạnh thường quân hỗ trợ HS có hoàn cảnh khó khăn như học bổng, quần áo, xe đạp,... Nhờ vậy, đầu năm học 2023-2024, HS ra lớp đạt 100%.

Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Thạnh Tây - Nguyễn Văn Thanh thông tin: “Năm học mới, trường được sơn lại hàng rào, 10 phòng học; đồng thời, được đầu tư xây mới 7 phòng chức năng. Dự kiến, các phòng chức năng hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 10/2023. Với sự nỗ lực của trường và sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trường có thêm điều kiện thuận lợi trong công nhận lại trường đạt CQG”.

Trường đạt CQG, HS được học tập trong môi trường thuận lợi với đội ngũ GV tâm huyết, cơ sở vật chất bảo đảm cho hoạt động dạy và học. Môi trường học tập này góp phần rút ngắn khoảng cách về điều kiện học tập của HS các xã vùng sâu, biên giới so với HS các vùng thuận lợi. Và có thể thấy ý nghĩa quan trọng của xây dựng trường đạt CQG trong xây dựng xã đạt chuẩn NTM./.

An Nhiên

Chia sẻ bài viết