Hôm qua, ngày 01/6/2023, cùng với trẻ em trên toàn thế giới, trẻ em tỉnh Long An đón chào kỷ niệm 73 năm Ngày Quốc tế Thiếu nhi 01/6. Dịp đặc biệt này, UBND tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động Vì trẻ em và khai mạc hè năm 2023. Tháng hành động Vì trẻ em được triển khai, thực hiện trên địa bàn tỉnh từ ngày 01 đến 30/6/2023.
Tháng hành động Vì trẻ em năm 2023 có chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”. Việc chọn lựa chủ đề này rất ý nghĩa, phù hợp với thực trạng bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Hiện nay, qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta hết sức đau lòng, bức xúc khi tiếp nhận thông tin về nạn bạo hành trẻ em trong cả nước. Điều đáng lo là trẻ em có thể bị xâm hại, bạo hành bất cứ ở môi trường nào. Để chăm sóc, giáo dục trẻ em hiệu quả, chúng ta cần kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Thế nhưng qua báo chí, những vụ xâm hại, bạo hành trẻ em có thể bắt gặp từ trong gia đình, nhà trường đến ngoài xã hội. Có em bị cha, mẹ, người thân trong gia đình xâm hại, hành hạ đến chết; có em mới 3 tháng tuổi đã bị bạo hành đến gãy tay, chân, tổn thương phổi và nội sọ; có em bị cha dượng đóng đinh vào đầu dẫn đến tử vong; có em bị người trong gia đình đánh đập đến chết; có em bị thầy cô hành hạ, nhục mạ;...
Tại khoản 6, Điều 4 Luật Trẻ em 2016 quy định về các hành vi bạo lực trẻ em như sau: “Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em”. Với những quy định này, chúng ta có thể bắt gặp hành vi bạo lực trẻ em ở nhiều nơi. Nguyên nhân là một số người không biết các quy định pháp luật, không nhận thức được hành vi bạo lực trẻ em; một số phụ huynh còn nặng nếp nghĩ xưa cũ “thương cho roi, cho vọt/ ghét cho ngọt, cho bùi” nên lạm dụng hình phạt đối với trẻ; một số phụ huynh lại bị “bệnh thành tích”, muốn con mình giỏi như “con người ta”;...
Mục đích của Tháng hành động Vì trẻ em là xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, bảo đảm cho trẻ em được phát triển toàn diện; tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành và công tác phối hợp giữa các ngành trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em và phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ xâm hại trẻ em, tai nạn, thương tích trẻ em; thúc đẩy việc phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về bảo vệ trẻ em, kỹ năng phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em;...
Thiết nghĩ, trong Tháng hành động Vì trẻ em, các cấp, các ngành, đoàn thể, nhất là những ngành có liên quan như Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ,… cần tăng cường trách nhiệm, phối hợp đẩy mạnh công tác truyền thông để thúc đẩy việc phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại trẻ em, đặc biệt là cho gia đình, nhà trường, người chăm sóc trẻ và chính trẻ em.
Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em phải được quan tâm duy trì thường xuyên với phương châm “thời điểm nào cũng là Tháng hành động Vì trẻ em”. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình và toàn xã hội về công tác trẻ em, thực hiện đầy đủ các quyền trẻ em; xây dựng môi trường gia đình an toàn, cộng đồng an toàn và xã hội an toàn cho trẻ em phát triển toàn diện, giảm thiểu tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em.
Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, chủ nhân tương lai của đất nước. Vì thế, trẻ em phải luôn luôn được quan tâm, chăm sóc, bồi dưỡng về thể chất, tinh thần, trình độ, năng lực. Mọi trẻ em đều có quyền được sống, phát triển trong môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện; được bảo vệ để không bị xâm hại. Lợi ích cao nhất cho trẻ em phải được đặt lên hàng đầu. Đầu tư cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước./.
Kim Quy