Tiếng Việt | English

28/11/2022 - 10:55

Xây dựng văn hóa liêm chính trong cán bộ, đảng viên

Kiên trì xây dựng “văn hóa liêm chính” là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới được nêu ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. Đây được xem là thước đo sự trong sạch, vững mạnh của Đảng; phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên (CBĐV).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “liêm” là trong sạch, không tham tham, không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng; “chính” nghĩa là không tà, là thẳng thắn, là đứng đắn. Người khẳng định: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức thì không thành người”.

Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, kiên trì xây dựng “văn hóa liêm chính” theo tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm tạo dựng nền tảng vững chắc về phẩm chất, đạo đức giúp CBĐV không bị chệch hướng, vượt qua cám dỗ của tiền bạc, vật chất.

Thực tiễn cho thấy, có một bộ phận CBĐV suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống sa vào chủ nghĩa cá nhân. Từ đó, đánh mất lòng tự trọng và nhân phẩm, gây thiệt hại lớn cho đất nước và nhân dân. Những năm qua, trong các vụ đại án được đưa ra xét xử, có những người từng giữ chức vụ cao trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước, từ ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và những cán bộ cao cấp, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang. Điều đó cho thấy, CBĐV nếu không giữ lòng mình trong sạch thì rất dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân, trở thành người có tội với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Những bản án tù có thể kết thúc, nhưng bản án về lương tâm, đạo đức thì không thể gột rửa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Thanh sạch, liêm khiết ấy chính là Liêm vậy. Người liêm khiết thì bất luận gặp hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham, cũng chẳng muốn ham hố vật chất. Hơn nữa chính là tinh thần chí công vô tư, “dĩ công vi thượng” và biết quên mình mà làm chuyện lợi ích chung. Một công bộc quốc gia liêm chính phải: Có đức, có tài, biết kính trọng nghề nghiệp, vui vẻ với mọi người, công chính vô tư; biết lễ phép, biết hay, dở, phải, trái. Liêm cũng lại là thấy của người, của quốc gia mà lòng không ham chiếm đoạt một cách phi pháp. Tức là biết xét nét, đâu là giới hạn giữa công và tư rồi không dám làm điều xấu, điều trái với quốc pháp và đạo lý luân thường. Nhất là không che đậy điều xấu, nghĩa là đức hạnh vẹn toàn. Nếu không liêm thì của gì cũng cả gan lấy, không sỉ thì việc gì cũng bất chấp làm. Người mà đến như thế thì không chỉ rước họa vào thân, “thân bại danh liệt” và thử hỏi còn tai họa nào mà chẳng đến? Huống chi lại là kẻ làm quan mà cái gì cũng rắp tâm mưu đoạt, việc gì cũng bằng mọi thủ đoạn làm thì sao mà thiên hạ không loạn, quốc gia không mất cho được”.

Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, có khoảng 50 cán bộ do Trung ương quản lý đã bị kỷ luật, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Qua đây cho thấy sự nghiêm khắc trong Đảng “Quốc pháp bất vị thân” và vai trò to lớn của nhân dân trong việc cảnh giới và giám sát. Vậy nên, việc cấp bách là phải chấn chỉnh đạo đức trong xã hội, trước hết là đạo đức trong Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị. Đó cũng là quyết sách vừa rộng, vừa sâu của Đại hội lần thứ XIII của Đảng khi lấy vấn đề đạo đức là phương diện thứ 4 trong toàn bộ công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Phải xây dựng Đảng về đạo đức, không có đạo đức thì không thành người được. Nếu mỗi CBĐV không giữ gìn đạo đức thì sẽ làm tổn hại thanh danh của Đảng.

Hiện nay, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và nhân dân ta đang trong giai đoạn quyết liệt, đạt nhiều kết quả khả quan nhưng cũng lắm cam go, thử thách. Điều này đòi hỏi mỗi CBĐV phải “tự soi, tự sửa”, tự xây dựng văn hóa liêm chính, lòng tự trọng và nhân phẩm; xem đó là những giá trị cốt lõi nhất, cao quý nhất để theo đuổi trong cả cuộc đời. Văn hóa liêm chính sẽ ngăn ngừa người ta không tham nhũng mà ngược lại, trong những lúc khó khăn nhất, mỗi CBĐV trở thành tấm gương giữ gìn tài sản của đất nước, của nhân dân.

CBĐV trong bộ máy của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị là gương mặt của thể chế, là tư chất của thể chế. Nó không chỉ làm nên vị thế của quốc gia mà còn làm nên danh dự của từng con người. Cho nên, đức “liêm”, đức “chính” phải là 2 trong nhiều đức để mỗi CBĐV trở thành một công bộc chân chính của nhân dân. Người liêm chính giữ cho nhân cách của mình được vẹn toàn, thanh danh của mình được thơm tho. Đó chính là giá trị vĩnh cửu mà chúng ta giữ gìn cho các thế hệ sau./.

Huyền Linh

Chia sẻ bài viết