Chợ Bến Lức vắng khách
Chợ truyền thống “ngoài đông, trong vắng”
Bước vào khu nhà lồng bách hóa tổng hợp chợ Bến Lức (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) là cảnh vắng vẻ, hầu như toàn là người bán, không có người mua. Đa số tiểu thương cầm trên tay điện thoại thông minh chơi game, lướt web. Chị T. - bán vải, nói: “Không chơi game, chẳng biết làm gì vì không có vị khách nào để chào mời”. Các quầy vải, tạp hóa đều đầy đủ các mặt hàng nhưng lại vắng khách. Chị M. - chủ quầy vải, chia sẻ: “Tuy ít khách đến nhưng chị em tiểu thương đều lấy hàng hóa về phục vụ khi khách hàng có nhu cầu. Trong khu vực bách hóa này, hầu hết khách đều là mối quen. Vì vậy, có nhiều ngày mở cửa nhưng chẳng có khách, có ngày chỉ bán được cho vài khách”.
Khác với cảnh vắng vẻ trong khu nhà lồng chợ, các khu vực bên ngoài luôn tấp nập khách đến mua sắm. Chị M. nói: “Khách vãng lai hầu như không vào nhà lồng chợ bởi bên ngoài, các cửa hàng quần áo may sẵn lẫn quần áo bán kiểu tự phát quá nhiều. Bên cạnh đó, khách ít đến nhà lồng bởi khu vực này đang xuống cấp, cũ kỹ và nóng. Tiểu thương ở các cửa ra vào nhà lồng cơi chất đồ khiến khách khó di chuyển vào nên ế lại càng ế”.
Trưởng ban Quản lý chợ Bến Lức - Lê Hà Hoàng Danh cho biết: “Chợ có 4 khu vực nhà lồng: Bách hóa tổng hợp; rau, củ, quả; thực phẩm và thủy sản với 317 quầy, sạp của 280 tiểu thương kinh doanh cố định. Tuy nhiên, hiện nay, một số tiểu thương nghỉ do vắng khách. Cụ thể, nhà lồng bách hóa có 20/90 quầy đóng cửa nghỉ bán, 16/40 quầy thịt Lifsap không thu hút được tiểu thương vào bán (tiểu thương vẫn bán bên ngoài)”.
Cùng cảnh ngộ với chợ Bến Lức, chợ Thuận Đạo (gần Khu công nghiệp (KCN) Thuận Đạo, huyện Bến Lức) cũng vắng vẻ. Toàn chợ có 393 quầy, sạp, thì nay chỉ còn 1/3 tiểu thương ở các khu vực mặt tiền bên quầy bám trụ bán nhưng cũng lâm vào cảnh vắng khách. Tương tự, chợ Bình Hòa Nam (huyện Đức Huệ), chợ Tân Kim (huyện Cần Giuộc) vừa xây dựng mới nhưng nhiều quầy, sạp đóng cửa, trong khi đó, tiểu thương bán bên ngoài khá nhiều.
Chợ Thuận Đạo, nhiều quầy đóng cửa
Nỗi lo từ chợ tự phát
Cán bộ phòng Hành chính Quản trị KCN Hòa Bình - Đặng Bá Phúc chia sẻ: “Chợ tự phát trước KCN hình thành vào năm 2015 đến nay. Mỗi ngày, chợ họp 2 lần vào đầu giờ sáng khi công nhân chuẩn bị vào nhà xưởng và lúc tan ca. Hàng hóa bán đủ các loại từ thức ăn nhanh cho đến thực phẩm, quần áo may sẵn, đồ gia dụng. Các loại thực phẩm bán tại đây hầu như không rõ nguồn gốc, xuất xứ nên tiềm ẩn nhiều mối nguy về an toàn thực phẩm”. Bên cạnh đó, điều mà Ban Quản lý KCN Hòa Bình lo lắng là tai nạn giao thông luôn “rình rập” tại khu vực chợ tự phát. Từ đầu năm 2018 đến nay, tại chợ tự phát này xảy ra 3 vụ tai nạn nghiêm trọng, trong đó có 1 vụ chết người. Anh Đặng Bá Phúc nói: “Ở chợ tự phát, đa số người bán lấn chiếm lòng, lề đường, công nhân muốn mua gì cứ tấp vào mà không quan sát. Nơi này từng xảy ra tranh giành mua bán, cự cãi, xô xát nhau gây mất an ninh, trật tự. Tất cả người mua và người bán hầu như chưa hình thành nếp văn minh trong mua bán”.
Chợ tự phát gần KCN Thuận Đạo vào buổi chiều khi công nhân tan ca là cảnh người bán, người mua chen chân nhau mua bán bất kể là lề đường hay lòng đường. Trưởng khu phố 8 (thị trấn Bến Lức) - Nguyễn Văn Dững cho hay: “Dân địa phương tham gia mua bán tại chợ tự phát rất ít, đa số người bán đều từ nơi khác đến nên công tác tuyên truyền gặp không ít khó khăn. Buổi sáng, nhân viên vệ sinh từ Công ty Cổ phần Đồng Tâm dọn dẹp đường phố sạch sẽ nhưng sau buổi họp chợ chiều là rất nhiều rác thải, nước đọng hôi thối. Chính vì tình trạng họp chợ trên lòng đường này mà năm 2017, có một vụ tai nạn giao thông bên trong khu vực chợ khiến xe cứu thương không thể vào thực hiện sơ cấp cứu người bị nạn nhanh chóng”.
Chợ tự phát gần Khu công nghiệp Thuận Đạo luôn tấp nập công nhân mua sắm sau giờ tan ca
Tổ trưởng Tổ Xử lý trật tự đô thị thị trấn Bến Lức - Nguyễn Thanh Phong cho biết: “Khoảng 3 tháng nay, tổ có 8 thành viên thường xuyên túc trực tại chợ vào giờ cao điểm để lập lại trật tự trong mua bán, tuyên truyền, giải thích để người bán tránh lấn chiếm lòng đường gây ách tắc giao thông. Tại tuyến đường chính trước cổng KCN Thuận Đạo, chúng tôi kiên quyết không cho người bán đẩy xe trên lòng đường bán, nhưng khi vắng lực lượng là họ tràn ra. Còn tại khu vực họp chợ phía bên trong, lực lượng túc trực đến 19 giờ hàng ngày. Khi có lực lượng chức năng, họ ít vi phạm nhưng khi không có là tình trạng mất trật tự, ách tắc giao thông lại xảy ra thường xuyên”.
Anh Nguyễn Thanh Phong thông tin thêm, tại khu chợ tự phát này, người buôn bán cố tình vi phạm không nhiều, nhưng người bán vi phạm thường xuyên nhiều. Đối với người vi phạm, lực lượng căn cứ Nghị định 46/2016/NĐ-CP đưa ra 2 mức xử phạt là 150.000 đồng đối với hành vi bán hàng rong, hàng hóa nhỏ, lẻ trên lòng đường đô thị; xử phạt 2,5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng trái phép lòng đường đô thị để họp chợ. Tuy vậy, khi lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, có không ít đối tượng cản trở, phản ứng. Tại khu chợ này, việc mua bán cạnh tranh không lành mạnh, cãi vã, gây gổ nhau thường xuyên xảy ra. Đầu năm 2018, có 1 vụ đánh nhau gây chết người vì tranh giành chỗ bán.
Ông Lê Hà Hoàng Danh cho rằng, nguyên nhân khiến người mua ít đến chợ truyền thống vì chợ tự phát “bao vây” chợ truyền thống và chợ truyền thống hiện quá cũ kỹ khiến việc mua bán không theo kịp các trung tâm thương mại lớn. Mong mỏi lớn của Ban Quản lý chợ là chợ truyền thống sớm được cải tạo, sửa chữa khang trang, an toàn để tiểu thương thực hiện mua bán theo hướng văn minh, hiện đại.
Chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đang nỗ lực thực hiện phong trào “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị”. Chợ tự phát tiện lợi, tiết kiệm thời gian cho người nội trợ nhưng nhếch nhác, thiếu vệ sinh, cản trở giao thông và làm mất mỹ quan đô thị. Vấn đề chợ tự phát hiện được nhiều doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp quan tâm, bày tỏ mối lo lắng. Doanh nghiệp cho rằng, ngoài những biện pháp mạnh phải thực thi nhằm dẹp bỏ chợ tự phát thì vấn đề quy hoạch chợ truyền thống như thế nào thuận tiện cho cả người mua lẫn người bán là điều mà các cấp chính quyền cần quan tâm. Các ngành chức năng cần có chiến lược bài bản từ khâu quy hoạch, xây dựng, quản lý chợ như thế nào để thu hút người dân vào chợ mua - bán, đồng thời có chế tài xử lý đủ mạnh đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm,.../.
Gia Hân