Tiếng Việt | English

06/06/2022 - 08:30

Xứ Tầm Vu ở Tân An xưa

Tầm Vu là thị trấn duy nhất của huyện Châu Thành, tỉnh Long An, gắn liền với lịch sử hình thành vùng đất Châu Thành và mang nhiều nét nổi bật về văn hóa và lịch sử.

1.Tầm Vu ngày nay là tên của thị trấn thuộc huyện Châu Thành. Ban đầu, đây là tên gọi của một con rạch nhỏ. Từ tên của con rạch, ngôi chợ trên phần đất cao, bằng phẳng nằm về phía Nam con rạch này được đặt tên là chợ Tầm Vu, rồi vùng đất rộng xung quanh chợ thuộc thôn Tân Xuân, thôn Bình Cách và thôn Bình Dương được gọi là xứ Tầm Vu.

Chợ Tầm Vu là địa điểm mua bán sôi động bậc nhất ở Châu Thành (Ảnh: Thu Lam)

Theo ông Nguyễn Đình Đầu (nhà nghiên cứu địa lý, lịch sử Việt Nam), xứ có nghĩa là xóm hay miệt, ông đưa ra ví dụ:

“Thị Nghè xứ là xóm Thị Nghè.

Chợ Đũi xứ là xóm Chợ Đũi.

Bến Nghé xứ là xóm Bến Nghé”.

Trong thời kỳ 1805-1836, lúc nhà Nguyễn cho lập Địa bạ Nam kỳ lục tỉnh thì xứ Tầm Vu có các thôn: Tân Xuân thuộc tổng Thạnh Hội, huyện Tân Hòa, tỉnh Gia Định; thôn Bình Cách và thôn Bình Dương thuộc tổng Thạnh Quang, huyện Kiến Hòa, tỉnh Định Tường.

Năm 1862, khi triều đình nhà Nguyễn ký hòa ước nhượng 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho thực dân Pháp thì xứ Tầm Vu thuộc địa phận huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, tỉnh Gia Định.

Cho tới đầu thế kỷ XX, nó thuộc địa phận huyện Bình Phước, tỉnh Tân An. Giai đoạn sau đó, năm 1956, lại được đổi tên thành quận Châu Thành, tỉnh Long An rồi thành quận Bình Phước, quận lỵ đóng tại chợ Tầm Vu, xã Dương Xuân Hội.

Sau ngày giải phóng, năm 1976, Nhà nước ta thành lập tỉnh Long An mới, quận Bình Phước được đổi tên thành huyện Châu Thành. Năm 1977, huyện Châu Thành sáp nhập với huyện Tân Trụ thành huyện Tân Châu. Năm 1980, huyện Tân Châu được đổi tên thành huyện Vàm Cỏ. Năm 1989, huyện Vàm Cỏ được chia trở lại thành huyện Châu Thành và Tân Trụ như cũ rồi ổn định cho đến ngày nay.

2. Theo truyền thuyết ở địa phương, địa danh Tầm Vu xuất phát từ câu chuyện tìm kiếm (tầm) cô công chúa tên là Du bị lạc trong chiến tranh giữa chúa Nguyễn với Tây Sơn - Đây là cách giải thích theo từ nguyên địa danh dân gian.

Có ý kiến cho rằng, Tầm Vu do từ Khmer Lam Pu (cây bần) mà ra. Cách giải thích này có vẻ hợp lý hơn. Nơi đây đất nhiễm mặn, các loại cây bần, sú, vẹt mọc nhiều. Ngay ở xã An Vĩnh Ngãi (TP.Tân An) vẫn còn địa danh cầu Cây Bần nằm trên Đường tỉnh 828 đi Tiền Giang. Việc lấy tên cây cỏ hay động vật để đặt tên đất, tên cầu tương đối phổ biến ở vùng này.

Tầm Vu có di tích đình Tân Xuân - ngôi đình cổ của làng Tân Xuân xưa. “Đình Tân Xuân là một thiết chế văn hóa dân gian ra đời gắn với lịch sử khai hoang mở đất, lập làng của cư dân người Việt ở Long An để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng làng xã. Đình là nơi thờ Thành Hoàng bổn cảnh, các vị “Tiền hiền - Hậu hiền” và các đối tượng phối tự khác trong văn hóa tín ngưỡng Nam bộ”.

Hai vị thủ lĩnh nghĩa quân chống Pháp ở địa phương - Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự đang được thờ phượng trong đình Tân Xuân. Đình cũng là nơi tổ chức Lễ hội Làm Chay vào ngày 16 tháng Giêng hàng năm. Đình Tân Xuân đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Vùng đất Tầm Vu - Châu Thành trên đất Tân An xưa đã trải qua một quá trình lịch sử phát triển nhiều biến động theo thời gian và không gian.

Là nơi lưu dân Việt đến khai phá rất sớm nhờ con đường sông nước mà dấu ấn ghi lại là những thiết chế đình, chùa cổ và những tín ngưỡng dân gian đặc sắc. Nơi đây từng là nơi hoạt động, đấu tranh của nhiều nghĩa sĩ yêu nước, nhiều chiến sĩ cách mạng tiền phong mà ngày nay còn được tôn vinh và ngưỡng mộ. Ở đây còn lưu giữ những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nổi tiếng, thu hút nhiều tầng lớp, nhiều thế hệ quan tâm, nghiên cứu và hưởng thụ.

Từ một vùng đất hoang vu hồi thế kỷ XVII, đến nay, nơi đây đã trở thành vùng đất trù phú giàu truyền thống dân tộc. Bằng sức mạnh truyền thống địa phương, nhân dân đã vươn lên, sáng tạo và xây dựng xứ Tầm Vu - Châu Thành ngày thêm giàu đẹp./.

Vương Thu Hồng (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam)

 

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Đình Đầu (1994), Nghiên Cứu Địa Bạ Triều Nguyễn – Định Tường, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Vương Thu Hồng (2011), Giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu ở tỉnh Long An, Đề tài sưu khảo, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Long An.

3. Đỗ Thị Lan (2016), “Đình Tân Xuân - Nơi lưu giữ những giá trị lịch sử văn hóa”

4. Thạch Phương - Lưu Quang Tuyến, chủ biên (1989), Địa chí Long An, Nxb. Long An - Nxb. Khoa học Xã hội.

6. Bảo tàng Long An (2001), Tài liệu Di tích lịch sử - văn hóa Đình Tân Xuân, Long An.

Chia sẻ bài viết