Tiếng Việt | English

25/06/2020 - 12:10

Ý nghĩa phong trào kế hoạch nhỏ

Nhặt những vỏ chai giúp học sinh biết bảo vệ môi trường

Nhặt những vỏ chai giúp học sinh biết bảo vệ môi trường
Cuộc họp phụ huynh kết thúc, mọi người xì xầm bàn tán. Những ý kiến khác nhau vẫn tiếp tục được đưa ra. Phong trào kế hoạch nhỏ của học sinh bị người lớn đem ra cân đo bằng tiền bạc. Phụ huynh ngại con mình phải nhọc nhằn gom giấy vụn, vỏ chai nên quy ra tiền đóng một lần “cho tiện”.

… Thấy phụ huynh nhấp nhổm sợ trễ giờ, giáo viên chốt, “nói không” với tiền đóng góp mà để học sinh cùng nhau gom giấy vụn, nhặt vỏ chai. Như vậy mới thấy hết ý nghĩa của phong trào và để học sinh cảm nhận được giá trị của lao động và sự san sẻ lẫn nhau. Cả thầy trò cùng nhau chờ đợi “thành quả” sau thời gian góp nhặt những thứ bỏ đi. Và nụ cười của cô mua ve chai sẽ gieo vào lòng học sinh một niềm vui nho nhỏ.

Giáo viên luôn dạy học sinh trước khi trở thành người tài giỏi hãy là người tử tế. Phụ huynh có thể quyên góp với số tiền gấp mấy lần số tiền các em góp nhặt giấy vụn, vỏ chai nhưng rồi các em sẽ chẳng cảm nhận được gì, chẳng thấy được giá trị của lao động. Phụ huynh chưa bao giờ hỏi ý kiến con mình, họ không biết rằng, niềm vui của các em chỉ đơn giản là được cùng cha mẹ mình nhặt nhạnh những cuốn tập cũ, những vỏ chai để mang đến niềm vui cho người khác. Và hình ảnh những chiếc áo mới, quyển tập, cây viết được mua từ tiền kế hoạch nhỏ, dành tặng học sinh nghèo sẽ đọng mãi trong lòng các em về giá trị của tình yêu thương. Lớn lên, các em sẽ mang theo điều bình dị ấy để làm những điều tốt hơn và cư xử đúng đắn hơn.

Giáo viên luôn tự hào về học sinh vào mỗi buổi sáng đến trường, ngoài hành trang đến lớp, các em còn mang theo một vật gì đó mà người ta bỏ đi nhưng lại gieo vào lòng người khác một niềm hy vọng mới. Những phụ huynh đong đếm mọi thứ bằng tiền cũng khệ nệ trên tay mình xấp giấy cũ, mớ vỏ chai. Họ cùng con mình nhặt nhạnh ra những thứ không còn dùng, mang đến cùng nhau thắp lên hy vọng cho học sinh nghèo. Điều mà họ chẳng bao giờ có thể mua được bằng tiền.

Phong trào kế hoạch nhỏ mà ý nghĩa không hề nhỏ. Phong trào giúp học sinh biết tiết kiệm hơn, quý trọng đồng tiền, biết bảo vệ môi trường. Và trên hết, các em biết chia sẻ với những bạn có hoàn cảnh khó khăn. Rồi đây những đồng tiền bán được từ phong trào kế hoạch nhỏ sẽ đến tay học sinh nghèo, giúp các em viết tiếp ước mơ của mình. 

Mỗi năm giáo viên nhận lớp mới, phong trào kế hoạch nhỏ lại được phát động và thầy trò lại cùng nhau nhặt nhạnh. Cô mua ve chai rời đi, đám trẻ đếm lại số tiền mình kiếm được, chúng lại nghĩ về nơi những đồng tiền đó đến, về niềm vui của bạn nhỏ khi cầm nó trên tay. 

Đám học sinh đang chơi trong sân trường cũng không quên bỏ dở cuộc chơi tranh nhau nhặt lấy cái chai, tờ giấy. Giáo viên đứng ở một góc nhìn ra, tự dưng thấy khóe mắt mình cay cay. Phụ huynh cũng không còn quy đổi mọi thứ ra tiền. Đám trẻ rồi sẽ lớn lên nhưng tin rằng ý nghĩa của phong trào kế hoạch nhỏ sẽ theo chân em đi suốt cuộc đời./.

Du Miên

 

Chia sẻ bài viết