Tiếng Việt | English

27/04/2023 - 19:43

Yêu cầu chấn chỉnh việc gợi ý khách hàng vay vốn mua bảo hiểm

Một số khách hàng vay vốn ngân hàng phản ảnh hiện tượng họ được các tư vấn viên gợi ý mua bảo hiểm để các thủ tục được thực hiện nhanh gọn và được hỗ trợ, ưu đãi các chính sách tín dụng của ngân hàng.


Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, làm rõ thông tin phản ánh về các tồn tại, bất cập có liên quan đến đại lý bảo hiểm độc quyền tại ngân hàng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng liên tục có các văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc việc bán bảo hiểm qua hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, một số các tổ chức tín dụng vẫn “lờ” đi các quy định và vẫn “gợi ý” khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ khi có nhu cầu vay vốn.

Anh H, tại Hà Nội, cần mở rộng quy mô sản xuất nên đã làm các thủ tục vay vốn tại chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Thương Tín (Sacombank).

Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, anh đã được các tư vấn viên “gợi ý” mua thêm một gói bảo hiểm nhân thọ An tâm hạnh phúc của công ty bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Life Việt Nam thì các thủ tục sẽ nhanh gọn hơn.

Tương tự, chị C, tại Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu vay để sửa nhà tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB), cũng được nhân viên tín dụng của ngân hàng này đề nghị mua gói bảo hiểm nhân thọ của một công ty bảo hiểm liên kết để ủng hộ ngân hàng.

“Nhân viên tư vấn cho biết nếu mua thì các thủ tục vay sẽ nhanh gọn hơn và trong suốt thời gian vay sẽ được hỗ trợ, ưu đãi các chính sách tín dụng, thanh toán khác của ngân hàng," chị C cho biết.

Theo lời của một nhân viên tư vấn của ngân hàng Việt Á thì hầu hết các khách hàng nếu có nhu cầu vay vốn thì đều được “đề nghị” mua bảo hiểm nhân thọ. Nếu khách hàng đồng ý mua thì các thủ tục sẽ được thực hiện nhanh và có ưu đãi về lãi suất.

Bà Phạm Thu Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, giao dịch bảo hiểm cũng là giao dịch dân sự, phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng lợi ích các bên.

Việc tồn tại hiện tượng một số nhân viên tín dụng gợi ý, chèo kéo khách hàng tham gia bảo hiểm nhân thọ khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng, làm mất đi tính tự nguyện tham gia bảo hiểm của khách hàng, khiến cho khách hàng cảm thấy ấm ức không thoải mái.

“Hoạt động này đã vi phạm nguyên tắc 'tự nguyện' được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm," bà Phạm Thu Phương nhấn mạnh.

Thời gian qua Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cũng đã nhận được nhiều phản ánh về tình trạng nhân viên ngân hàng thương mại “ép” khách hàng mua bảo hiểm.

Theo Thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, hiện cả thị trường có khoảng 730.000 đại lý bảo hiểm chính thức; trong đó, kênh bancassurance (bảo hiểm nhân thọ bán qua ngân hàng) đang mang về nguồn thu lớn.

Trong năm 2022 có 995.400 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được phân phối qua kênh bancassurance, chiếm 46% doanh số khai thác mới. Lũy kế đến hết năm 2022, có hơn 2,92 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được bán theo hình thức này, với tổng phí 44.959 tỷ đồng, chiếm khoảng 25% tổng doanh số.

Trong năm 2022 đã có hơn 3.100 đại lý vào danh sách vi phạm 14 hành vi. Ngoài các vi phạm như cùng lúc làm đại lý cho nhiều hãng hay liên quan đến tài chính, có trường hợp đại lý tuyên truyền, quảng cáo sai về sản phẩm, dịch vụ…

Tính đến cuối tháng 3/2023, tổng số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ ước đạt trên 13,68 triệu hợp đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu 3 tháng đầu năm ước đạt 37.849 tỷ đồng, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần giám sát chặt hoạt động bán bảo hiểm của ngân hàng. Khi liên kết, ngân hàng có lợi nhuận tương đối lớn, trong khi nhân viên ngân hàng không hiểu biết đầy đủ về bảo hiểm nhân thọ.

Khi tư vấn, có nhân viên ngân hàng làm mọi cách để bán được nhiều sản phẩm nhất. Bên cạnh đó, chấn chỉnh quá trình đào tạo cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm.

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Mới đây, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 152/TB-VPCP thông cáo Kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về tình hình triển khai cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhân thọ thời gian qua.

Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh vừa qua, phương tiện truyền thông đã phản ánh tình trạng nhân viên ngân hàng ép buộc, lôi kéo khách hàng tham gia bảo hiểm; doanh nghiệp, đại lý bảo hiểm giới thiệu, cung cấp thông tin sản phẩm bảo hiểm không rõ ràng, thiếu minh bạch, dẫn đến gây nhầm lẫn cho khách hàng tham gia bảo hiểm; chất lượng dịch vụ sau bán hàng chưa tốt.

Bên cạnh đó, trên thị trường có nhiều sản phẩm bảo hiểm nhân thọ được cung cấp; trong đó có một số sản phẩm rất phức tạp như bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư.

Để phát triển ổn định, lành mạnh thị trường bảo hiểm nói chung và thị trường bảo hiểm nhân thọ nói riêng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát, làm rõ phản ánh về các bất cập có liên quan đến đại lý bảo hiểm độc quyền tại ngân hàng, tình trạng ép buộc, lôi kéo khách hàng của ngân hàng tham gia bảo hiểm.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải có biện pháp chấn chỉnh, không để tạo dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành ngân hàng và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng, phối hợp với Bộ Tài chính trong việc thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua ngân hàng./.

Thùy Dương/vietnamplus.vn

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích