Tiếng Việt | English

16/07/2016 - 07:56

“Bác tư cách Đại biểu Quốc hội của ông Trịnh Xuân Thanh là phù hợp”

Từ dấu hiệu vi phạm được làm rõ, việc Hội đồng Bầu cử Quốc gia biểu quyết không xác nhận tư cách ĐBQH khóa XIV của ông Trịnh Xuân Thanh là phù hợp.

Ngày 15/7, tại phiên họp thứ 7, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã tiến hành biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu và kết quả 100% thành viên có mặt đồng ý không xác nhận tư cách Đại biểu Quốc hội khóa XIV của ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Quyết định nghiêm túc và trách nhiệm

Trao đổi với VOV.VN, Đại biểu Nguyễn Anh Sơn – Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIII tỉnh Nam Định cho biết, theo quy định của luật mới, Hội đồng Bầu cử Quốc gia thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng là xác định tư cách đại biểu Quốc hội, thông báo cho đại biểu khóa mới biết để bắt đầu chuẩn bị hoạt động của mình.

“Tôi cho rằng việc Hội đồng Bầu cử Quốc gia xem xét, quyết định không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội với trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh là rất phù hợp, thể hiện việc làm nghiêm túc và trách nhiệm của Hội đồng Bầu cử Quốc gia” – ông Nguyễn Anh Sơn nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn – Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIII tỉnh Nam Định

Theo vị Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, với những thông tin về trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh thì cử tri và nhân dân cảm thấy việc quyết định của Hội đồng là đúng đắn, trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, xác định rõ người xứng đáng đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Tuy nhiên, qua sự việc này, đại biểu Nguyễn Anh Sơn cũng bày tỏ băn khoăn về việc ông Trịnh Xuân Thanh trúng cử với tỷ lệ phiếu cao nhất của tỉnh Hậu Giang. Điều đó chứng tỏ rằng trong quá trình bầu cử, những vấn đề thực sự về ứng cử viên rõ ràng người dân không được biết một cách đầy đủ và tường tận.

“Tôi cho rằng thông tin về ông Trịnh Xuân Thanh mà rõ ràng ngay trước cuộc bầu cử thì chắc người dân đã đưa ra quyết định phù hợp. Một ứng cử viên có thông tin như vậy nhưng người dân không biết. Qua đó có thể thấy công tác tuyên truyền để người dân, cử tri biết, hiểu thật rõ, sâu sắc về các ứng cử viên là câu chuyện rất quan trọng để người ta đưa ra quyết định đúng đắn” – ông Nguyễn Anh Sơn nói và nhấn mạnh, thông tin về ứng cử viên phải làm rõ phẩm chất năng lực, trình độ, quá trình công tác, ưu điểm, khuyết điểm mới thể hiện sự thận trọng, trung thực với nhân dân.

Đề cập vấn đề Quốc hội khóa XIV có số lượng 495 đại biểu, thấp hơn so với số lượng ấn định là 500 đại biểu, ông Nguyễn Anh Sơn nói: “Nếu bầu đủ mà trong Quốc hội có những người chưa thật sự tiêu biểu thì đấy mới là đáng ngại, còn bầu không đủ nhưng số đó thật sự tiêu biểu thì không vấn đề gì”.

“Vì nguyện vọng của dân thì không có việc vừa rồi”

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng đánh giá cao sự làm việc nghiêm túc, đúng quy trình của Hội đồng Bầu cử Quốc gia trong việc xem xét xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV theo luật định.

“Có thể nói việc một người trúng cử nhưng không được xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội là chưa có tiền lệ và quyết định của Hội đồng Bầu cử Quốc gia là rất rõ ràng, phù hợp để chọn những người đại diện cho dân ở diễn đàn Quốc hội. Thông tin vừa qua về trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh khiến dư luận rất bất bình thì quyết định đó là cần thiết” – bà Trần Thị Quốc Khánh nói.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Theo bà Khánh, không thể để những người mất uy tín đại diện cho dân và những người khi ứng cử nên cân nhắc xem mình có thực sự đáp ứng đủ tiêu chuẩn hay chưa, khi được cử tri tín nhiệm rồi thì cần xem lại có điểm gì chưa đúng để khắc phục, sửa chữa hoặc rút lui.

“Có lẽ trong thời gian vừa qua, trường hợp này chưa được xem xét kỹ, bước đường đi lên khá thuận lợi nên có thể sinh chủ quan. Người ứng cử phải luôn tự nghĩ mình phù hợp với nguyện vọng, trông đợi, tin tưởng của cử tri hay chưa. Lấy cái đó làm tâm soi xét thì không có việc như vừa rồi. Đòi hỏi chất lượng người đại diện cho dân ngày càng cao, cử tri mong muốn thế và đất nước cần như thế” – bà Khánh chia sẻ.

Về kinh nghiệm cần rút ra sau sự việc này, theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: “Cơ quan nhà nước không có lý gì mà không có cơ sở xem xét thấu đáo. Ở đây có thể có sự chủ quan, cứ tin tưởng, thấy cơ quan này, cơ quan kia giới thiệu và tưởng là bình thường và đến khi có ý kiến đưa ra thì bắt đầu mới xem ngược trở lại. Báo chí không lên tiếng thì không ai biết”.

Vị nữ đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, mặc dù 2/3 đại biểu Quốc hội khóa XIV là mới, song tỷ lệ những người làm công tác pháp luật, am hiểu pháp luật, tỷ lệ luật sư, người được đào tạo về luật được bổ sung khá nhiều. Những người đó dù còn trẻ nhưng qua thực tiễn công tác sẽ hứa hẹn tiềm năng đóng góp tích cực trong Quốc hội khóa mới.

“Đại biểu Quốc hội khóa mới sẽ phát huy năng lực, thể hiện bản lĩnh dám nói, dám nghĩ, dám làm, đưa ra đề xuất có lợi nhất cho dân, cho nước” – đại biểu Trần Thị Quốc Khánh bày tỏ./.

Theo Ngọc Thành/VOV.VN

Chia sẻ bài viết