1. “Thư viện trong nhà trường góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên, xây dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu cho học sinh (HS), tạo cơ sở từng bước thay đổi phương pháp dạy và học. Đồng thời, thư viện còn tham gia tích cực vào việc bồi dưỡng tư tưởng chính trị và xây dựng nếp sống văn hóa cho các thành viên trong trường học”. Đó là lời khẳng định của Hiệu trưởng Trường THCS Nhựt Tảo (TP.Tân An, tỉnh Long An) - Lê Thị Thủy.
Hiện nay, thư viện Trường THCS Nhựt Tảo có trên 11.600 đầu sách, bình quân hàng tháng có gần 800 lượt giáo viên, HS đến đọc sách, truy cập Internet và mượn sách. Thư viện được thiết kế rất thoáng, một góc nhỏ đặt các máy vi tính có kết nối Internet để HS truy cập, tìm kiếm thông tin học tập. Những kệ sách đặt xung quanh HS, được phân chia theo từng chủ đề, từ đó giúp các em dễ dàng tìm được những quyển sách yêu thích. Ngoài ra, thư viện còn dành một góc riêng đặt các loại báo, tạp chí và tranh ảnh về đảo Trường Sa, Hoàng Sa.
Học sinh đến đọc sách tại thư việnTrường THCS Nhựt Tảo
Nhằm đáp ứng nhu cầu đọc sách của giáo viên và HS, hàng năm, trường nhập ít nhất 500 đầu sách, trong đó, chú trọng sách dạy kỹ năng sống. Nguyễn Thạch Thảo - HS lớp 7A8, cho biết: “Em thường đến thư viện trường đọc các loại sách theo chủ đề từng tháng. Thông qua việc đọc sách, em được bổ sung kiến thức, có thêm vốn từ ngữ phong phú trong giao tiếp, nhất là trang bị được những kỹ năng sống, kiến thức cần thiết bước vào đời”.
Để tạo thói quen đọc sách cho HS, trường còn tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, địa lý, tên các vị anh hùng,...Đặc biệt, trường đang thí điểm thực hiện mô hình tủ sách tại lớp học nhằm giúp HS trao đổi, chia sẻ các loại sách hay, ý nghĩa.
Có thể nói, việc phát huy hiệu quả thư viện của Trường THCS Nhựt Tảo đã và đang góp phần quan trọng đẩy mạnh phong trào văn hóa đọc trong trường học. Qua đó, giúp tăng cường khả năng tự học, tự khám phá, tìm tòi, trải nghiệm của giáo viên và HS.
2. Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam (21/4), các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chọn một điểm bưu điện văn hóa xã tổ chức các hoạt động Ngày Sách Việt Nam. Theo đó, các điểm bưu điện xã không chỉ treo băng rôn tuyên truyền mà còn trưng bày nhiều sách hay góp phần đẩy mạnh văn hóa đọc tại địa phương.
Bưu điện Văn hóa xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An được chọn làm điểm thực hiện nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cơ bản hoàn thành, đáp ứng đủ nhu cầu đọc sách của người dân. Chị Võ Thị Cẩm Phương - nhân viên Bưu điện Văn hóa xã Hướng Thọ Phú, cho biết: “Hiện nay, bưu điện bắt đầu trưng bày các loại sách, trong đó, phân chia theo từng chủ đề, thể loại,... góp phần giúp người dân dễ dàng tìm được các loại sách yêu thích. Ngoài tạo điều kiện cho người dân được đọc sách vào Ngày Sách Việt Nam, hàng ngày, Bưu điện Văn hóa xã còn trưng bày các loại sách để người dân khi đến giao dịch tại bưu điện có thể đọc sách giải trí và bổ sung kiến thức”.
Ông Hồ Văn Phương, ngụ xã Hướng Thọ Phú, nói: “Đến Bưu điện Văn hóa xã, tôi và nhiều người dân ở đây được đọc nhiều sách, báo khoa học - kỹ thuật, văn bản nghị quyết của Đảng, Nhà nước, góp phần mở mang kiến thức”. Có thể thấy, bưu điện văn hóa xã không chỉ cung cấp các dịch vụ bưu chính - viễn thông mà còn là nơi phục vụ nhân dân đến đọc sách, báo miễn phí. Qua đó, giúp người dân có điều kiện tiếp cận thông tin, nắm bắt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao dân trí và đời sống văn hóa, tinh thần.
Thời đại công nghệ 4.0 đang phát triển, con người có thể lựa chọn các phương pháp tiếp cận thông tin khác nhau nhưng sách vẫn là người bạn đồng hành đáng tin cậy giúp chúng ta tiếp cận các thông tin một cách chính xác và đầy đủ. Mô hình thư viện trong trường học và tủ sách ở bưu điện văn hóa xã một lần nữa khẳng định, đọc sách vẫn là lựa chọn đầu tiên trong tiếp cận kiến thức./.
Minh Thư