Học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm tại Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (huyện Bến Lức)
Có thêm những bài học giá trị từ thực tế
Để giúp HS trải nghiệm, rèn luyện và hình thành, củng cố một số kỹ năng liên quan bài học, các trường THPT trên địa bàn tỉnh tổ chức cho HS tham gia hoạt động trải nghiệm. Các em được tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm tại các di tích lịch sử, làng nghề,...
Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) luôn quan tâm tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm cho HS. Với niềm tự hào về ngôi trường mang tên người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng của cách mạng Việt Nam - Nguyễn Hữu Thọ, trường chú trọng giáo dục HS về truyền thống lịch sử thông qua hoạt động trải nghiệm. Trường tổ chức cho HS tham quan Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (huyện Bến Lức), Nhà lưu niệm Võ Thị Sáu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
Bí thư Đoàn Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ - Lê Trần Hồng Phúc cho biết: “Qua hoạt động trải nghiệm, HS được hiểu thêm truyền thống lịch sử, nhất là về cuộc đời, sự nghiệp của các nhà cách mạng tiêu biểu, từ đó tự hào và nỗ lực hơn trong học tập để xứng đáng với những thế hệ đi trước”.
Trường THCS &THPT Mỹ Bình (huyện Đức Huệ) cũng tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm cho HS tham quan, tìm hiểu nhiều “địa chỉ đỏ” của tỉnh như Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh (huyện Đức Huệ), Ngã tư Đức Hòa - nơi đây vào ngày 04/6/1930, đồng chí Châu Văn Liêm - Bí thư liên tỉnh Gia Định - Chợ Lớn và đồng chí Võ Văn Tần - Bí thư Quận ủy Đức Hòa, lãnh đạo hơn 5.000 nông dân Đức Hòa tập trung trước dinh Quận trưởng đấu tranh chống sưu cao thuế nặng, chống đàn áp; Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (huyện Bến Lức) để tìm hiểu tấm gương sáng ngời về nhân cách, phẩm chất của người trí thức yêu nước, người chiến sĩ cộng sản chân chính, kiên trung Nguyễn Hữu Thọ. Ngoài ra, các em còn được tham quan các khu vui chơi, vườn thú tại huyện Đức Hòa để có nhiều hoạt động sinh hoạt tập thể và trải nghiệm.
Theo Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Mỹ Bình - Lê Văn Lai, các hoạt động trải nghiệm giúp HS phát triển hơn về phẩm chất, năng lực chủ yếu như yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm, giao tiếp, hợp tác, sáng tạo,... Đồng thời, HS còn được thắt chặt tình cảm bạn bè, biết quan tâm, chia sẻ và đoàn kết hơn.
Khơi nguồn sáng tạo cho học sinh
Phát huy niềm say mê sáng tạo khoa học - kỹ thuật của HS, các trường THPT từng bước đẩy mạnh tiếp cận phương pháp giáo dục STEM và giáo dục STEAM trong đội ngũ giáo viên và HS. Theo đó, giáo dục STEM là một phương thức giáo dục nhằm trang bị cho HS những kiến thức khoa học gắn liền với những ứng dụng trong thực tiễn; nội dung bài học theo chủ đề STEM gắn với việc giải quyết tương đối trọn vẹn một vấn đề, trong đó HS được tổ chức tham gia học tập một cách tích cực, chủ động và biết vận dụng kiến thức vừa học để giải quyết vấn đề đặt ra, qua đó góp phần hình thành phẩm chất, năng lực cho HS. Giáo dục STEAM là một khái niệm dạy học liên ngành kết hợp giữa nghệ thuật với các môn học STEM truyền thống: Khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.
Học sinh tham gia Ngày hội STEAM tại Trường THPT Chuyên Long An
Xuất phát từ việc thực hiện Chương trình GDPT 2018, tiếp cận chương trình giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực cho HS, Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.Tân An) tổ chức Ngày hội STEM cho HS tham gia từ năm học 2020-2021.
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn - Lê Hồng Thái cho biết: “Ngày hội STEM là dịp để HS, giáo viên của trường được học hỏi và phát triển chuyên môn qua sự chia sẻ của các chuyên gia đến từ các trường đại học, Sở Khoa học và Công nghệ; đồng thời là cơ hội để nhìn nhận về tầm quan trọng của việc đổi mới phương pháp giáo dục, hòa nhập cùng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong thời đại hiện nay.
Đặc biệt, HS không chỉ được tiếp cận kiến thức một cách thực tế nhất mà còn có thể phát triển tư duy phản biện, sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề. Ngày hội với phương châm “học thông qua làm và làm những gì được học”, trường khuyến khích và tạo điều kiện cho HS được tham gia vào các dự án, thực nghiệm, từ đó rút ra những bài học quý giá, áp dụng vào cuộc sống thực tế”.
Học sinh trình bày các sản phẩm của nhóm trong Ngày hội STEAM tại Trường THPT Lê Quý Đôn
Tham gia Ngày hội STEM, Trần Bùi Toàn Nguyên - HS lớp 11A2, Trường THPT Lê Quý Đôn, chia sẻ: “Nhóm em tham gia đề tài ứng phó với biến đổi khí hậu. Chúng em chọn làm mô hình chiếc tủ tự động có tích hợp việc tích lũy năng lượng ánh sáng mặt trời để tạo thành nguồn năng lượng cung cấp cho bộ cảm biến. Trong 2 tuần thực hiện, chúng em nỗ lực tìm tòi kiến thức mới, học cách làm, cách lắp mạch. Đề tài này giúp nhóm em đoạt giải nhì tại Ngày hội STEM. Với em, Ngày hội STEM là hoạt động bổ ích giúp em và các bạn có thể tiếp thu, học hỏi kiến thức mới, nhất là phát huy khả năng sáng tạo”.
Sau khi kết thúc học kỳ 2, năm học 2023-2024, Trường THPT Chuyên Long An tổ chức Ngày hội STEAM cho HS trong và ngoài trường tham gia. Đây là sân chơi khoa học, bổ ích, lý thú, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo khoa học, công nghệ, góp phần nâng cao tinh thần hợp tác và các kỹ năng sống theo định hướng phát triển năng lực, kỹ năng cho HS. Ngày hội còn là cơ hội để phụ huynh và giáo viên hiểu thêm về ý nghĩa của việc nghiên cứu khoa học - kỹ thuật đối với HS; tạo cơ sở ban đầu để lan tỏa mô hình giáo dục STEAM trong đội ngũ giáo viên dạy các môn: Toán học, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, từ đó sẽ ủng hộ và tạo điều kiện cho HS “Khơi nguồn sáng tạo” với hoạt động nghiên cứu khoa học. Ngoài HS Trường THPT Chuyên Long An, Ngày hội còn thu hút các HS THCS trên địa bàn TP.Tân An và Trường THPT Nguyễn Trung Trực - Bến Lức (huyện Bến Lức).
Học sinh THCS tham gia các hoạt động trải nghiệm trong Ngày hội STEAM
Thông qua Ngày hội STEAM, các em được tham gia trình diễn các thí nghiệm hóa học và vật lý; cuộc thi Hóa học “Những lọ hóa chất mất nhãn”; hoạt động trải nghiệm “Làm tên lửa nước” dành cho HS THCS; cuộc thi “Tên lửa nước” dành cho HS THCS; cuộc thi Kỹ thuật “Đua xe phản lực”; cuộc thi Toán học “Cầu chịu lực”; trưng bày sản phẩm cuộc thi “Văn hóa dân tộc qua con mắt các bạn trẻ”; trưng bày sản phẩm STEAM; các gian hàng workshop của Ngày hội.
Phan Lê Khánh An - HS lớp 8/1, Trường THCS Trần Phú (TP.Tân An), bày tỏ: “Biết đến Ngày hội STEAM qua fanpage của Trường THPT Chuyên Long An, em quyết định tham gia để được trải nghiệm và học hỏi thêm những kiến thức thú vị về khoa học tự nhiên. Khi tham gia hoạt động này, em cảm thấy rất vui, nhất là được xem, trải nghiệm các hoạt động thí nghiệm”.
Nhờ những hoạt động trải nghiệm, sáng tạo, HS được giáo dục toàn diện hơn, từ đó phát huy năng lực, phẩm chất./.
|
Để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức của học sinh, giáo viên nỗ lực thay đổi phương pháp giảng dạy. Tùy đối tượng HS, nội dung bài học, điều kiện thực tế, GV có phương pháp phù hợp.
|
An Nhiên