Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Liên minh Hợp tác xã tỉnh Long An làm việc với UBND huyện Tân Hưng về củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã trên địa bàn huyện
Còn nhiều khó khăn
Thời gian qua, nhiều THT, HTX trên địa bàn tỉnh nỗ lực vượt khó, thực hiện hiệu quả vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp và nông dân, góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH của các địa phương. Đồng thời, hoạt động của các THT, HTX giúp giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là ở khu vực nông thôn, làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, các THT, HTX vẫn còn nhiều hạn chế khiến mô hình kinh tế tập thể chưa thực sự phát huy được hiệu quả hoạt động.
Đến nay, toàn huyện Bến Lức có 22 HTX nông nghiệp với 295 thành viên và 106 THT với 1.023 thành viên nhưng chỉ có 3 HTX hoạt động hiệu quả. Hầu hết HTX, THT đều hạn chế cả về nhân lực, vật lực và tài chính nên thiếu nguồn lực đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, thiếu đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn. Nhiều HTX vẫn chưa thể hiện tốt vai trò kết nối doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và nông dân.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức - Lê Văn Nam cho biết: “Năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế, một số HTX thường xuyên thay đổi về nhân sự chủ chốt đã làm ảnh hưởng đến quá trình quản lý, điều hành HTX. Bên cạnh đó, một số địa phương cũng chưa quan tâm nhiều đến sự phát triển HTX nói chung và HTX điểm, HTX điển hình nói riêng. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục củng cố hoạt động của các HTX hiện có, tập trung phát triển quy mô, diện tích sản xuất; phấn đấu có 4 HTX hoạt động ổn định, hiệu quả; đồng thời, rà soát, củng cố lại các THT hiện có, mở rộng thành viên THT tối thiểu 15 thành viên/THT”.
Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Lương Bình (xã Lương Bình, huyện Bến Lức) - Trần Thanh Bình chia sẻ: HTX hiện có 18 thành viên sản xuất khoảng 54ha. HTX chủ yếu sản xuất và thu mua các sản phẩm nông nghiệp mới qua sơ chế như chanh, thanh long, khóm,... Ngoài ra, HTX cũng mua bán cây giống và vật tư nông nghiệp. Hiện nay, khó khăn nhất của HTX là nguồn vốn để mở rộng việc kinh doanh, do đó, HTX mong sớm được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi.
Huyện Thủ Thừa có 12 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với 153 thành viên, tổng vốn điều lệ trên 4.628 tỉ đồng và 111 THT với 1.005 thành viên, trong đó chỉ có 2 HTX hoạt động hiệu quả. Phó Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa - Phan Văn Tới thông tin: “Khó khăn lớn nhất của các HTX hiện nay là các chỉ số về kinh tế (doanh thu, lợi nhuận,...) và chế độ, chính sách cho cán bộ làm việc trong HTX (tiền lương, chế độ bảo hiểm,...). Bên cạnh đó, nhiều HTX có số lượng thành viên lớn nhưng vốn góp lại rất ít và chủ yếu thực hiện các dịch vụ “đầu vào”, rất hạn chế thực hiện các dịch vụ “đầu ra”. Việc liên doanh, liên kết giữa HTX với HTX, giữa HTX với các thành phần kinh tế khác còn rất ít, hiệu quả chưa cao”.
Tập trung gỡ khó
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các HTX nông nghiệp hoạt động yếu kém, song một số nguyên nhân được xác định chủ yếu là do năng lực, trình độ quản lý của cán bộ HTX còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm, chưa thích nghi được cơ chế thị trường đang cạnh tranh gay gắt. Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thạnh Hòa - Đỗ Quang Huế kiến nghị các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ chính sách ưu đãi về đất đai để mở rộng mặt bằng nhằm sản xuất có hiệu quả và giải quyết việc làm cho thêm nhiều lao động địa phương; tạo điều kiện cho HTX tiếp cận vốn hỗ trợ, kích thích liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Còn Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh (xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa) - Nguyễn Quốc Cường cho biết: “Theo tôi, điểm cốt lõi để củng cố và phát triển HTX là phải chọn được người lãnh đạo có tâm huyết và phải có trình độ, năng lực quản lý. Bên cạnh đó, các thành viên cũng cần có trách nhiệm, thẳng thắn phản biện và góp ý kiến thì hoạt động của HTX mới hiệu quả”.
Hợp tác xã Thạnh Hòa (huyện Bến Lức) tăng cường liên kết, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm chanh không hạt
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX yếu kém là cần có sự chỉ đạo đồng bộ và hiệu quả của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là sự điều hành, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể các huyện, thị xã, thành phố và cấp xã. Ngoài ra, các HTX cần phát huy nội lực vốn có, phải nhạy bén và linh hoạt vận động. Các thành viên nên mạnh dạn phản ánh, phê bình, đề xuất giải pháp để hoạt động của HTX ngày một tốt hơn”.
Cũng theo ông Thiện, hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Liên minh HTX tỉnh phối hợp các địa phương rà soát lại tình hình hoạt động và việc chấp hành Luật HTX năm 2012. Cụ thể là xây dựng điều lệ, nội quy, quy chế hoạt động của ban quản trị; xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hàng năm; trích lập các quỹ đúng luật quy định; tổ chức đại hội thành viên và ra nghị quyết đại hội thành viên,...
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Liên minh HTX tỉnh cũng đề nghị các địa phương mạnh dạn giải thể đối với những HTX hoạt động không hiệu quả. Đối với những HTX thuộc diện yếu kém, cần tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh thì tiến hành rà soát lại số lượng cụ thể và thực trạng của từng HTX, từ đó, có kế hoạch phối hợp các cơ quan, ban, ngành liên quan giúp HTX kiện toàn bộ máy ban quản lý và ban kiểm soát, xây dựng điều lệ, phương án sản xuất, kinh doanh để tiếp tục hoạt động./.
Bùi Tùng