Tiếng Việt | English

09/02/2016 - 10:47

“Kỹ sư” nông dân

Học vấn chỉ đến lớp 9, chưa từng được đào tạo về cơ khí chế tạo nhưng có một nông dân tự mày mò sáng chế ra những máy móc biết “nói”, ứng dụng hiệu quả vào thực tế. Những sáng chế của ông, những kỹ sư được đào tạo bài bản cũng phải nể phục.

Ông Sơn lắp ráp máy ép, sấy cám viên tại nhà

“Kỹ sư” nông dân đó chính là ông Đinh Văn Sơn (55 tuổi), ngụ ấp 1, xã Long Cang, huyện Cần Đước. Với những thành tích trong sáng chế, đầu tháng 12-2015, ông vinh dự là 1 trong 2 nông dân tiêu biểu đại diện cho tỉnh đi dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc tại thủ đô Hà Nội.

Những ngày “dạ dày sắt” 

Trước năm 2011, hễ cứ thấy ông Đinh Văn Sơn đi mua nhôm, sắt về cắt, gò cả ngày rồi lại lắp vào, tháo ra xoành xoạch, ai cũng lấy làm lạ. Thế nhưng, sau 3 năm mày mò, nghiên cứu, ông sáng chế thành công chiếc máy ép, sấy cám viên làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản trong sự ngỡ ngàng của bà con, láng giềng.

Máy có chiều cao chưa đến 1m, dài khoảng 2m, nặng 230kg. Khi cắm điện vận hành thì những cám gạo, bắp và các phụ phẩm như cơm thừa, rau, củ, quả, ruột gà, ruột cá, ốc bươu vàng,... bỏ vào sẽ được xay nhỏ, ép, sấy, chế biến thành cám viên sử dụng thay cho cám công nghiệp. Những thứ phụ phẩm này rất dễ kiếm, nhiều khi hàng xóm bỏ đi thì ông xin, còn ra chợ mua thì giá rẻ như bèo. Cám làm từ máy của ông Sơn sáng chế ra cũng nhỏ, mịn, khô, có thể đóng bao để trữ lâu không thua kém cám công nghiệp. Riêng về chất lượng bổ dưỡng với gia súc, gia cầm, cá cũng không thể chê.

Theo ông Sơn, sáng chế ra chiếc máy này do trong quá trình chăn nuôi, ông thấy lợi nhuận không cao bởi chi phí đầu tư thức ăn cám công nghiệp cho cá, heo bỏ ra quá lớn. “Nhưng để sáng chế ra chiếc máy, có ngày tui thấy ổng bỏ ăn, cứ loay hoay bên đống sắt thép, cắt, gọt, tháo ra, lắp vô,... Tui nóng ruột nhắc thì ổng chỉ uống hộp sữa rồi lại hì hục với công trình” - bà Trần Thị Triều (49 tuổi), vợ ông Sơn nhớ lại. Cũng vì thói quen bỏ ăn để nghiên cứu máy móc mà ông Sơn được vợ đặt cho biệt danh “dạ dày sắt”. “May mà sau khi sáng chế chiếc máy thành công, ổng vui hay sao mà lại trông khỏe và có da, có thịt hơn trước” - bà Triều phấn chấn nói.

Theo ông Sơn, mỗi ngày, máy có thể ép, sấy được 1 tấn cám từ các phụ phẩm, lại ít hao tốn điện năng. Với ứng dụng hiệu quả vào thực tế, chiếc máy ép, sấy cám viên của ông Sơn đoạt giải nhì tại Hội thi Sáng tạo tỉnh Long An năm 2013. Sau đó cùng năm, chiếc máy lại tiếp tục đoạt giải tư tại Hội thi Sáng tạo toàn quốc do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.

Tự tay lắp ráp máy bán cho khách hàng

Sau khi thấy chiếc máy ứng dụng hiệu quả, mang lại kinh tế cao cho người chăn nuôi, năm 2013, ông Sơn tiếp tục lắp ráp thêm nhiều máy. Hiện tại, ông lắp ráp tại nhà vài máy để sản xuất cám. Mỗi kilôgam cám do ông sản xuất chỉ có giá khoảng 6.000-7.000 đồng, trong khi đó, nếu mua cám công nghiệp phải mất 12.000 đồng/kg. Còn người dân có phụ phẩm, đưa đến ép để làm thức ăn chăn nuôi thì ông chỉ lấy tiền công.
Thấy máy có thể phổ biến rộng rãi nên ông hạn chế chăn nuôi, tập trung lắp ráp máy để bán.

“Gần đây, tui rủ 8 anh em, bạn bè có khiếu về cơ khí đến nhà “sản xuất” máy để bán. Cần 3 thợ làm khoảng 5 ngày là xong 1 máy” - ông Sơn chia sẻ. Hiện nay, số máy mà ông Sơn bán ra ngót ngét gần 100 cái, giá mỗi máy 26 triệu đồng. Giá cả phải chăng lại hữu ích nên nhiều khách hàng gần xa liên hệ đặt hàng. Không chỉ khách hàng trong tỉnh đặt mua mà còn có nhiều người ở tận miền núi phía Bắc như Lai Châu, Lào Cai, các tỉnh miền Trung, Tây nguyên, Đông Nam bộ cũng tìm đến.

Đến những sáng chế khác

Sau khi sáng chế thành công chiếc máy ép, sấy cám viên, nhớ đến chuyện nhiều năm trước suýt chết trong một lần đi xịt thuốc cho lúa, bị ngộ độc thuốc trừ sâu nên ông Sơn lại tiếp tục sáng chế ra chiếc máy tự động cùng một lúc vừa hút rầy, vừa phun thuốc. Mãi đến hơn 1 năm sau, chiếc máy mới được chế tạo xong. Máy không phải mang vác mà được người điều khiển di chuyển trên đường và ruộng lúa. Điều đặc biệt, máy được điều khiển bằng hệ thống tự động, khi đứng cách xa ở bán kính 100m vẫn có thể điều khiển được. Dù chưa phổ biến rộng nhưng qua thử nghiệm, chiếc máy này hút rầy đạt tỷ lệ khá cao. Với chiếc máy này, ông Sơn tiếp tục “rinh” về giải nhì tại Hội thi Sáng tạo nhà nông của tỉnh và hạng nhì tại Hội thi Sáng tạo toàn quốc do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.

Chưa dừng lại ở đó, mới đây, ông lại nghiên cứu, sáng chế ra máy ép, sấy cám viên cho tôm. Máy do ông sáng chế đưa vào thử nghiệm được ngành chức năng đánh giá cao với tính năng và hiệu quả ứng dụng trong thực tế, vì thức ăn do máy nghiền, ép, sấy, khi cho tôm ăn sẽ giảm được hao phí, thất thoát.

Gặp và trò chuyện với ông Sơn, có một điều ai cũng cảm nhận được ở ông là sự trăn trở, niềm say mê sáng chế máy móc và với quyết tâm dám nghĩ, dám làm. Và, tôi lại càng thích câu nói của người nông dân có khuôn mặt hiền từ, chất phác, dáng người nhỏ nhắn này: “Lớn lên trong gia đình nông dân nên hơn ai hết, tui rất hiểu những khó khăn, vất vả của nhà nông. Vì vậy, tui sẽ cố gắng sáng chế ra nhiều loại máy móc giúp nông dân giảm sức lao động, giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập”./.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết