Tiếng Việt | English

02/03/2018 - 14:58

“Làm Chay mười sáu nhớ về Tầm Vu”

Lễ hội dân gian là hình thức sinh hoạt văn hóa cao, tổng hợp các mặt vật chất, tinh thần, tín ngưỡng, nghệ thuật của một cộng đồng nhất định, là cầu nối giữ quá khứ và hiện tại.

Lễ hội Làm Chay ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành là lễ hội truyền thống lớn ở Long An nói riêng và Nam bộ nói chung, diễn ra từ ngày 14 - 16 tháng Giêng âm lịch, cầu quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa, cúng cô hồn thập loại chúng sinh.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Lễ hội Làm Chay vốn có nguồn gốc từ lễ Trai đàn của Phật giáo, nhân vật chính trong lễ hội là Tiêu diện Đại sĩ mà dân gian quen gọi là ông Tiêu. Tương truyền, ông là hóa thân của đức Bồ Tát Quán Thế Âm, chuyên hàng phục ma quỷ và cứu độ chúng sinh. Ngoài ông Tiêu, đối tượng cử hành lễ chính còn có các vị thần, Phật ở đình, miễu và chùa, trong đó đặc biệt có các bậc nghĩa sĩ trung kiên, các vị tiền bối cách mạng trong thời kỳ kháng Pháp và Mỹ, tiêu biểu: Đỗ Tường Phong, Đỗ Tường Tự, Châu Văn Giác, Võ Duy Truyện.

Không gian cử hành lễ hội không chỉ diễn ra ở riêng đình Tân Xuân mà còn liên quan đến nhiều thiết chế tín ngưỡng khác ở thị trấn Tầm Vu: Chùa Ông (Linh Võ tự) thờ Quan Thánh Đế Quân, miễu Điền (Dương Xuân Miếu) thờ thần Nông, miễu Cô Hồn (Âm Nhơn miếu), chùa Linh Phước (Linh Phước tự), thánh thất Phương Quế Ngọc Đài (đạo Cao Đài). Sự đan xen, hòa nguyện giữa nhiều thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng trong Lễ hội Làm Chay cho thấy tâm thức hoàn đồng trong thực hành tôn giáo, tín ngưỡng. Đây là đặc trưng nổi trội trong đời sống tâm linh ở Nam bộ và ẩn sâu trong nó là quan niệm về một tính cách cởi mở, thân thiện, dung hòa trong việc tiếp thu những nhân tố mới để tạo thành một sức mạnh tổng hợp phục vụ công cuộc khai khẩn, xây dựng xóm làng.

Lễ hội là quá trình sân khấu hóa, tái hiện đời sống xã hội trong quá khứ dưới hình thức cúng tế, trò chơi dân gian, vì thế, cùng với việc được vui chơi, giải trí, các hoạt động trên lễ hội còn hướng mọi người quay về với cội nguồn quê hương, đất nước, biết trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống quý báu, từ đó tự soi rọi bản thân và có những thái độ ứng xử nhân văn trong các mối quan hệ xã hội, quan trọng nhất là thấy được bổn phận, trách nhiệm của mình đối với đất nước, tổ tiên. Lễ hội Làm Chay vượt ra khỏi phạm vi của một địa phương nhỏ hẹp để trở thành lễ hội lớn của khu vực, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh tham gia.

Lễ hội Làm Chay luôn được người dân Tầm Vu gìn giữ và phát huy, thể hiện tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước và nhân ái, cho nên:

“Dù ai buôn bán bộn bề

Làm Chay mười sáu nhớ về Tầm Vu”.

Bách Nhân

Chia sẻ bài viết