Tiếng Việt | English

20/11/2016 - 08:39

Hội Cựu giáo chức tỉnh Long An

“Mái nhà chung” của những người từng “gieo chữ”

Rời xa bục giảng, phấn trắng, bảng đen, không phải thầy, cô giáo nào cũng có cuộc sống ổn định khi hết tuổi lao động hoặc không đủ sức khỏe làm việc. Chính vì vậy, việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên (HV) là nhiệm vụ hàng đầu của Hội Cựu giáo chức (CGC) tỉnh nhà.


Hội Cựu giáo chức thăm hội viên ốm đau, bệnh tật, có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh:Kim Phụng

Chăm lo đời sống vật chất

Ngay từ khi thành lập, Hội CGC Việt Nam tỉnh có chủ trương động viên HV phát huy nội lực với phương châm “Lấy HV chăm lo cho HV”. Các cấp hội tìm mọi giải pháp nhằm khai thác các nguồn lực, trước hết là nguồn lực từ HV để xây dựng các loại quỹ hoạt động. Tính đến hết năm 2015, Quỹ Hội có tổng số tiền trên 1,3 tỉ đồng. Kinh phí hoạt động chủ yếu do cán bộ, giáo viên, công nhân viên ngành Giáo dục và Đào tạo đóng góp, trong đó có sự hỗ trợ của một số doanh nghiệp, mạnh thường quân. Hội đồng Quản lý quỹ ủy quyền cho Hội CGC cấp huyện quản lý, sử dụng trên 1 tỉ đồng để kịp thời hỗ trợ HV ốm đau, bệnh tật, có hoàn cảnh khó khăn hoặc phúng điếu HV từ trần.

Tại tất cả các địa phương từ cấp huyện đến cơ sở, Hội CGC đều có quỹ hoạt động. Một số địa phương còn xây dựng được “Quỹ trợ táng” khi HV từ trần, Hội CGC đến phúng viếng và cùng gia đình tổ chức tang lễ được chu đáo. Ngoài ra, một số Hội CGC cơ sở còn dùng quỹ gốc trợ vốn cho HV cải thiện kinh tế gia đình, nâng cao đời sống.

Với nguồn quỹ của mình, các cấp hội hỗ trợ trên 200 HV nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam; mừng thọ, tặng quà HV cao tuổi, có đời sống khó khăn với số tiền trung bình 300 triệu đồng/năm. Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, với nguồn vận động từ Công ty TNHH Dệt may Nguyên Dung (TP.HCM) do bà Nguyễn Thị Ngọc Dung làm Giám đốc, Hội CGC tỉnh tổ chức lễ tri ân, tặng quà nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam cho hơn 900 cán bộ, giáo viên, HV với tổng trị giá 315 triệu đồng; thường xuyên giúp đỡ HV già yếu, đời sống khó khăn 500.000 đồng/người/tháng liên tục trong 12 tháng, với tổng số tiền 900 triệu đồng. Hiện tại, công ty tiếp tục sẻ chia, giúp đỡ hội trong năm 2016.

Theo Phó Chủ tịch Hội CGC Việt Nam huyện Thủ Thừa - Bùi Thị Ngọc Điệp, nhiệm kỳ qua, Hội CGC huyện cho 39 lượt HV vay vốn trang trải cuộc sống với số tiền 78 triệu đồng. Các HV còn trích lương hưu, hội phí để thăm hỏi HV đau bệnh, neo đơn. Dù nguồn quỹ hạn hẹp, đời sống HV còn nhiều khó khăn nhưng sự sẻ chia, giúp đỡ nhau trong lúc ốm đau, hoạn nạn là vô cùng quý báu.

Thầy Hồ Quang Tư (sinh năm 1950), ở thị trấn Thủ Thừa, trước đây là giáo viên dạy ở Trường Tiểu học Bình Thạnh (xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa), là một trong những HV có hoàn cảnh khó khăn được Hội CGC huyện quan tâm, hỗ trợ năm 2015. Thầy Quang Tư cho biết: “Do vướng bận chuyện gia đình, tôi nghỉ dạy từ năm 1987 nên không có lương hưu. Giờ đây, cuộc sống của gia đình tôi rất khó khăn. Bởi, tôi mắc bệnh tim và bị tắc mạch máu, hoại tử chân phải cưa bỏ từ khớp gối với chi phí chữa trị rất cao. Hội CGC huyện cùng Công đoàn ngành vận động hỗ trợ tôi trên 56 triệu đồng và thường xuyên quan tâm, thăm hỏi. Tôi vô cùng cảm động và trân trọng tấm lòng của những đồng nghiệp”.


HV có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm về vật chất và chia sẻ, động viên tinh thần. Ảnh:Cát Tường

Hội CGC Việt Nam tỉnh Long An hiện có gần 4.900 HV với gần 96% số hội viên/nhà giáo nghỉ hưu. Những năm đầu nhiệm kỳ II (2010-2015), đời sống đa số HV cơ bản ổn định nhưng có khoảng 60% HV không có lương hưu. Mấy năm gần đây, tỷ lệ này giảm dần do hội được bổ sung thêm lực lượng giáo viên mới nghỉ hưu gia nhập hội.
Hiện tại, toàn tỉnh có khoảng 45% HV đời sống khó khăn và đau bệnh cần trợ giúp. Trong đó, 45 gia đình HV có sổ hộ nghèo; gần 570 HV đau bệnh thường xuyên, bệnh nghề nghiệp hoặc bệnh nặng; 100 HV bị bệnh hiểm nghèo.

Quan tâm, chia sẻ về mặt tinh thần

Cùng gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, các thế hệ nhà giáo vẫn luôn giữ mối thân tình khi rời xa bục giảng. Hội CGC chính là nơi gắn kết, “ngôi nhà chung” của những người thầy, cô giáo khi không còn “cầm phấn”.

Có “quỹ thời gian” rảnh rỗi, tham gia công tác xã hội cũng được xem là “món ăn tinh thần” hữu hiệu cho các CGC. Do đó, các CGC rất tích cực tham gia công tác tại địa phương, tiếp tục góp sức trong sự nghiệp “trồng người”. Hiện tại, bên cạnh tham gia giảng dạy tại một số lớp học tình thương, CGC còn vận động học sinh trở lại trường, vận động xã hội hóa sửa chữa trường học, xây dựng nhà ăn cho học sinh, mua sắm trang thiết bị học tập,...

Bên cạnh đó, dù kinh phí có giới hạn nhưng ngoài chăm lo vật chất, đời sống tinh thần của CGC cũng đặc biệt được chú trọng. Ngày 20/11 hàng năm là ngày hội của những người theo nghề giáo. Riêng với Hội CGC, đây là dịp để các HV gặp gỡ, giao lưu, ôn lại kỷ niệm và sẻ chia buồn vui trong cuộc sống cùng những đồng nghiệp cũ. Không quá chú trọng chuyện kinh phí, quà cáp, các cấp hội đều cố gắng tổ chức những buổi họp mặt trong không khí thân mật và ấm tình đồng nghiệp.

Cô Nguyễn Thị Nhiển (CGC xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa) chia sẻ: “Ngày 20/11 cũng là “cái tết thứ hai” của những người làm nghề giáo. Chẳng cần quá trang trọng hay phải có quà tặng, chúng tôi chỉ cần cái siết tay, cái ôm động viên hay những câu chuyện cười trong nghề, cùng nhớ về những kỷ niệm cũ cũng là liều thuốc tinh thần quý báu. Ngoài ra, dù tuổi cao, sức khỏe hạn chế nhưng chúng tôi lại vô cùng hạnh phúc khi được giúp đỡ các đồng nghiệp có hoàn cảnh khó khăn và tiếp sức cho học sinh đến trường”.

Chủ tịch Hội CGC Việt Nam huyện Đức Hòa - Nguyễn Văn Hùng thông tin: “Bên cạnh duy trì những chuyến tham quan, du lịch bằng kinh phí do HV đóng góp hoặc vận động thêm từ mạnh thường quân, Hội CGC huyện còn thường xuyên tổ chức sinh hoạt các câu lạc bộ nói chuyện chuyên đề để HV giao lưu, gặp gỡ”. Tùy theo nguồn quỹ hiện có, các cấp hội đều cố gắng tạo sân chơi cho HV có cơ hội họp mặt. Được biết, Hội CGC các huyện trong toàn tỉnh tổ chức được hơn 70 câu lạc bộ thơ, thể dục dưỡng sinh, đờn ca tài tử, phổ biến pháp luật và 10 đội văn nghệ quần chúng tại các địa phương.

Phó Chủ tịch Hội CGC Việt Nam, Chủ tịch Hội CGC Việt Nam tỉnh Long An - Ngô Hải Phong nhận định: “1 trong 3 chức năng cơ bản của Hội CGC Việt Nam là chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của các thầy, cô giáo nghỉ hưu nhằm động viên, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau, góp phần giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà giáo. Qua đó, các HV được phát huy tiềm năng, trí tuệ để hội tồn tại, phát triển và góp sức vào công cuộc đổi mới sự nghiệp giáo dục”.

Những người thầy, người cô với mái tóc điểm bạc không còn vì bụi phấn vẫn luôn trọn tình đồng nghiệp, tận tâm với sự nghiệp “trồng người”. Với họ, mỗi ngày trôi qua, bản thân được quan tâm những thầy, cô đi trước, được sẻ chia cùng những đồng nghiệp cũ và đón nhận những lời động viên từ thế hệ đàn em cũng là sự thể hiện cái tình, cái tâm của những người “gieo chữ”. Từ đó, góp phần vun bồi thêm truyền thống “tôn sư trọng đạo” ngàn đời của dân tộc ta./.

Cát Tường

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích