Các học sinh học thể dục tại lớp thể dục kích thích phát triển chiều cao ở Trung tâm TDTT Hoa Lư - Ảnh: Đ.V.
Theo chuyên gia dinh dưỡng Trương Hồng Sơn, điều tra mới đây về thực trạng dinh dưỡng trẻ em đô thị VN đã cho kết quả đáng báo động: 15% bà mẹ có con thừa cân béo phì vẫn muốn con tiếp tục tăng cân, 30% bà mẹ có con thừa cân béo phì không biết tình trạng của con mình.
20% trẻ lứa tuổi tiểu học ở Hà Nội, TP.HCM thừa cân
Ông Sơn cho biết tỉ lệ trẻ thừa cân béo phì ở một số đô thị VN đã cao hơn mức trung bình thế giới và tỉ lệ bình quân chung của châu Á, như ở TP.HCM có 9,6% trẻ dưới 5 tuổi thừa cân béo phì (bình quân thế giới là 6,9%).
Theo ông Sơn, hiện TP.HCM đang có tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi thừa cân béo phì cao nhất nước, khoảng 12,2% ở khu vực nội ô và 9,6% tính chung toàn TP. Kế đến là Đà Nẵng 9,9% (nội ô), Hà Nội (nội ô) 5,5%, trong khi toàn quốc tỉ lệ này là 4%.
Ở lứa tuổi tiểu học, ông Sơn cho biết chưa có điều tra quy mô lớn, nhưng các điều tra quy mô nhỏ ở các trường nội ô, khu vực kinh tế khá giả ở TP.HCM và Hà Nội đều cho tỉ lệ này là trên 20%.
“Đây là các con số chỉ báo để có chính sách kịp thời, vì trẻ béo phì thừa cân vùng trung tâm TP.HCM đã tương đương các nước phát triển” - ông Sơn nói.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thụ động của trẻ là việc thiếu sân chơi trong trường học cũng như ở các khu dân cư.
Tuy nhiên, nỗi khó này có thể được giải quyết nếu hai ngành giáo dục và thể thao có sự phối hợp chặt chẽ để có thể tận dụng cơ sở vật chất của ngành thể thao.
Đồ họa: Tấn Đạt
45.000 đồng/tuần để "đốt" mỡ bụng
Ông Tăng Bá Lễ, trưởng phòng thể thao cộng đồng Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM, cho biết: “Học sinh tại TP.HCM có rất nhiều sự lựa chọn môn chơi thể thao như bóng đá học đường, phổ cập bơi và sắp tới võ cổ truyền và vovinam sẽ được đưa vào giờ học chính khóa.
Đối với việc phổ cập bơi, TP.HCM đang làm khá tốt. Các trung tâm TDTT đều hỗ trợ trường học trong từng quận theo công văn liên tịch giữa hai ngành. Chẳng hạn Q.1, Q.4, Q.Phú Nhuận... có chương trình phổ cập suốt năm cho từng cấp lớp và mùa hè là cao điểm.
Các trung tâm TDTT quận, huyện ngoài việc hỗ trợ cung cấp HLV còn phát hàng chục ngàn phiếu miễn phí cho học sinh đi bơi, thậm chí là tổ chức xe đưa đón học sinh đến tận hồ bơi”.
Ông Chung Tấn Phong - tổng thư ký Liên đoàn Thể thao dưới nước TP.HCM - cho biết: “Bơi là hoạt động thể thao có thể đốt mỡ được nhưng đòi hỏi sự kiên trì. Học sinh cần phải bơi cự ly trung bình, dài và liên tục ít nhất 20 phút mỗi buổi mới có tác dụng, bởi lúc đó cơ thể mới cần sử dụng lượng “dự bị” từ mỡ.
Theo tôi, mỗi tuần các em cần bơi ba buổi, mỗi buổi từ 45 phút. Tại CLB Yết Kiêu, vé bơi là 15.000 đồng/suất/giờ, nếu có HLV dạy bơi thì 720.000 đồng/4 tuần (mỗi tuần 3 buổi). Đối với học sinh được phổ cập bơi, CLB chỉ tính phí dạy bơi mỗi học sinh 10.000 đồng/suất”.
Bóng rổ, môn thu hút học sinh tiểu học
Theo ông Tăng Bá Lễ, một trong những môn thể thao thu hút lứa học sinh tiểu học TP.HCM là bóng rổ.
HLV bóng rổ người Mỹ Ben Smith - giám đốc đào tạo bóng rổ tại Học viện thể thao SSA Sports - cho biết: “Bóng rổ là một bộ môn cần phải phối hợp nhiều động tác như chạy, nhảy, bật cao, ném bóng, chuyền bóng... nên sẽ giúp bé phát triển chiều cao, tiêu hao năng lượng hiệu quả và kiểm soát cân nặng. Các bé có thể tự chơi tại nhà, trường học hoặc sân bóng. Tùy theo độ tuổi và sức khỏe của mỗi bé, HLV sẽ đề xuất lịch học phù hợp. Trung bình thời gian học lý tưởng cho các bé từ 6 - 13 tuổi là 3 buổi/tuần và 1 buổi học 1 tiếng rưỡi”.
Hướng đến các trò chơi vận động
Kỷ lục gia nhảy cao VN Nguyễn Duy Bằng - chủ nhiệm CLB thể dục Bằng Tâm nổi tiếng với các lớp học thể dục “Kích thích tăng trưởng chiều cao” - cho biết: “Nhiều trẻ đến với CLB khi đã bị béo và chúng tôi phải tiến hành cho trẻ giảm béo song song với các hoạt động kích thích tăng trưởng chiều cao.
Cái khó là các em không kiên nhẫn tập luyện nên khó áp dụng các bài thể dục cứng ngắc. Phương pháp của chúng tôi là phải cho trẻ ăn kiêng, rồi CLB hướng trẻ đến các trò chơi vận động, cho chạy nhảy nhiều. Trẻ vui sẽ không cảm thấy mệt nhưng ra mồ hôi nhiều và mỡ bụng cũng sẽ từ từ tan biến”.
Đi học từ sáng đến tối
*Nguyễn Thành Nhân, học sinh lớp 7, Trường THCS Nguyễn Khuyến, nặng 70kg:
“Con đi học từ sáng đến 5g chiều mới về nhà. Một tuần con học thêm ba môn văn, toán, tiếng Anh nên rất ít thời gian rảnh. Khi rảnh con cũng chỉ chơi điện tử, xem tivi chứ không chơi thể thao vì không có ai chở đi”.
* Dương Minh Hoàng, học sinh lớp 3, Trường tiểu học Phan Chu Trinh:
“Ở trường tụi con học thể dục một buổi/tuần, tập được một chút là thầy cho chơi gì thì chơi, con chơi cờ vua còn nhiều hơn tập thể dục. Đến thứ bảy, chủ nhật mẹ mới chở con qua đây tập (lớp thể dục kích thích phát triển chiều cao ở Trung tâm TDTT Hoa Lư)”.
* Huỳnh Anh Thái, học sinh ớp 2, Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng:
“Con đi học trên trường tới gần 5g chiều mới ra, mẹ chở về thì con ở nhà, có khi là chơi điện tử, xem hoạt hình rồi ăn cơm, học bài chứ con ít được tập thể dục. Cuối tuần, ba mới chở con qua sân Hoa Lư học thể dục với một số bạn. Hiện con nặng 40kg”.
* Võ Việt Phương, học sinh lớp 7, THCS Trần Đại Nghĩa:
“Con học đến chiều mới về. Tối cũng hay đi học thêm nhưng khi về thì ba mẹ cho con đạp xe vòng vòng trong phố. Ngày nghỉ con có đi bơi, hè thì học karate”. Anh Võ Anh Triết, phụ huynh của Việt Phương, thừa nhận con mình gặp khó khăn trong việc học thể thao vì giờ học quá nhiều. Tuy nhiên theo anh, vẫn có thể khắc phục bằng cách cho con đi xe đạp đến trường, đi bơi cuối tuần...
Nước ngoài: giờ học thể dục gấp đôi VN Phần lớn các nước châu Á đều có giờ học thể dục cho học sinh tiểu học và THCS nhiều hơn ở VN. Chẳng hạn, chương trình giáo dục thể chất ở Hàn Quốc quy định phải có ít nhất 3 giờ học thể dục một tuần, gấp đôi so với VN (2 tiết - tương đương 90 phút). Ở Canada thậm chí còn có quy định học sinh tiểu học phải tham gia hoạt động thể chất ít nhất 5 lần trong tuần, mỗi lần 30 - 60 phút. Ở Thái Lan, số giờ học thể dục trong một năm học của học sinh tất cả các cấp là 80 giờ/năm học, tức gần gấp đôi so với VN (64 tiết - tương đương 48 giờ). Không chỉ vậy, học sinh nơi đây còn phải tham gia các hoạt động ngoại khóa khoảng 200 giờ mỗi năm. Ở Singapore, tuy số giờ học thể dục chỉ là 2 nhưng mỗi năm các học sinh tiểu học buộc phải hoàn thành một bài kiểm tra thể lực khá nặng có tên NAPFA bao gồm những hình thức vận động như hít đất, nhảy không lấy đà, nhảy ếch... và chạy 1,6km. Ngoài ra, giờ học thể dục ở Singapore rất hấp dẫn khi học sinh không cần phải học các bài tập thể dục, thay vào đó là những môn thể thao như bóng đá, cầu lông, bóng rổ. Trong tổng số giờ học thể dục ở Singapore, số giờ học bơi chiếm 20 - 30% - trang web của Bộ Giáo dục Singapore cho biết. Khi lên cấp II, học sinh được học thêm khoảng 6 - 10 giờ/năm về những kiến thức hỗ trợ việc chơi thể thao như dinh dưỡng, cách phòng tránh chấn thương... |
Theo Tuoi tre online