Tiếng Việt | English

02/02/2024 - 07:28

23 tháng Chạp dựng nêu trước nhà

Dựng nêu đón tết là nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc ta. Trong cuộc sống hiện đại, ít gia đình còn giữ phong tục này nhưng cứ nhắc đến tết, mọi người lại nhớ phong tục dựng nêu. Tục dựng nêu ngày tết gắn liền với mong ước của người dân về một cuộc sống yên bình, ấm no và hạnh phúc.

Sự tích dựng nêu ngày tết gắn liền với mong ước của người dân về một cuộc sống yên bình, ấm no và hạnh phúc

Gia đình ông Nguyễn Huỳnh Long (78 tuổi, ngụ phường Khánh Hậu, TP.Tân An, tỉnh Long An) là một trong số ít gia đình còn giữ phong tục này. Hàng năm, cứ vào sáng 23 tháng Chạp, từ 7-9 giờ, gia đình ông Long lại dựng nêu đón tết. Ông cho rằng, dựng nêu trong khung giờ Thìn như thế sẽ mang lại nhiều may mắn. Và đến mùng 7 tháng Giêng, ông hạ nêu.

Tùy theo mỗi vùng, miền mà cây nêu sẽ được treo lên đó túi đựng trầu cau, tờ giấy hồng đơn viết chữ trừ tà, bó lá dứa. Nêu thường là cây tre, giữ lại phần ngọn. Cây nêu ngày tết của gia đình ông Long, trên ngọn sẽ treo bánh tét, bắp, chuông gió, đèn lồng cùng lá phướn đỏ với một bên mặt có dòng chữ “Nguơn - Hanh - Lợi - Trinh” và bên mặt còn lại với dòng chữ “Mừng Xuân Giáp Thìn 2024”.


Đối với ông Nguyễn Huỳnh Long (phường Khánh Hậu, TP.Tân An), trên mâm cỗ luôn có tục xin chữ như người xưa 

Ông Long chia sẻ: “Với tôi, việc dựng nêu đón tết mang ý nghĩa đặc biệt, thể hiện lòng tôn kính, tri ân tổ tiên và các bậc tiền nhân có công khai khẩn vùng đất nơi mình sinh ra và lớn lên. Gia đình tôi giữ gìn và duy trì phong tục dựng nêu ngày tết vì muốn lưu giữ truyền thống tốt đẹp của mình, đặc biệt là để nhắc nhở con cháu nhớ về phong tục ngày tết của ông bà, luôn ghi nhớ công ơn của tổ tiên”. Sau khi dựng nêu, gia đình ông Long sẽ lau dọn, trang hoàng bàn thờ gia tiên, chuẩn bị cử hành những nghi lễ cúng tất niên, giao thừa, năm mới,... Sau đó, cả nhà quây quần ấm áp trong những ngày tết.

Bên cạnh dựng cây nêu tại nhà, ông Long còn cùng những người trong Câu lạc bộ Thư pháp tỉnh dựng nêu tại Công viên TP.Tân An, khu vực đường Hùng Vương nối dài (phường 6), Nông trại hữu cơ Tâm An (xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa), Đền thờ Nguyễn Trung Trực (xã Tân Bình, huyện Tân Trụ),... Trong các lễ hội, cây nêu còn được xem là tiêu điểm tập trung, sự gắn kết giữa cộng đồng. Với gia đình ông Long, hình ảnh cây nêu cũng trở nên quen thuộc, thiêng liêng.

Nghi thức cúng dựng nêu tại đền thờ Nguyễn Trung Trực (huyện Tân Trụ)

Giữ gìn và duy trì truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại, góp phần giáo dục tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ cũng như tạo nên một không gian tết ấm cúng, ý nghĩa và hoài niệm tết xưa là việc cần làm. Và, Cu kêu ba tiếng cu kêu/ Trông mau tới tết dựng nêu ăn chè là câu ca dao ông Nguyễn Huỳnh Long thường nhắc vào dịp tết đến, xuân về./.

Thu Thảo

Chia sẻ bài viết