Tết đến, mọi người quây quần bên nhau gói bánh tét (Ảnh: Triệu Vinh)
Có lẽ từ xa xưa, đất phương Nam, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long được thiên nhiên ưu đãi, là vùng đất màu mỡ với ngút ngàn màu xanh cây trái, ruộng đồng tươi tốt, nhiều sông, rạch.
Xuân về, người dân Đồng bằng sông Cửu Long chuẩn bị ăn tết theo phong tục, tập quán cổ truyền của văn hóa Việt Nam. Dù trong nền kinh tế thị trường, từng bước công nghiệp hóa, sinh hoạt của mỗi người cũng có nhiều thay đổi để thích nghi với thời đại nhưng họ vẫn giữ bản sắc văn hóa Tết Cổ truyền.
Tết của người miền Tây không chỉ bắt đầu từ 30, mùng 1 như nhiều nơi khác,... mà người dân nơi đây chuẩn bị ăn tết rất sớm. Đầu Chạp, hầu như nhà nào cũng lo chuyện ăn mặc mấy bữa tết; cửa hàng, chợ búa cũng vào cuộc. Hàng hóa phục vụ tết đầy ắp các cửa hiệu. Khắp xóm nhịp nhàng tiếng chày quết bánh phồng, bánh tráng - đặc sản của miền quê ngày tết.
Để chuẩn bị “món ngon, vật lạ” trong ngày tết, hầu như nhà nào cũng có sẵn các loại bánh ngọt, mứt me, bí, gừng, dừa,... Món ưa thích nhất là món tôm khô củ kiệu. Vào những ngày tết, nhà nào cũng có dưa hấu. Họ thường chọn trái lớn và ngon nhất để cúng ông bà. Nhà khá giả chọn cặp dưa hấu thật đẹp, thật tròn, dán thêm miếng giấy hồng vuông vuông, đặt hai bên lư hương. Nhà càng giàu, cặp dưa càng lớn. Đặc biệt, sáng mùng 1, mọi người trong nhà quây quần xẻ trái dưa hấu, nếu thấy ruột đỏ tươi thì cảm nhận năm mới vận hạn sẽ đỏ, mọi chuyện đều hanh thông và thành công.
Nghề làm báng tráng hối hả vào xuân (Ảnh: Triệu Vinh)
Mùa xuân hương sắc ngọt ngào, trăm hoa đua nở. Hoa mai được xem là biểu tượng của mùa xuân ở đất phương Nam nên được nâng niu, chăm chút từng ngày kể từ khi lặt lá, thường vào khoảng 15-18 tháng Chạp để có thể nở rộ vào đúng sáng mùng 1 tết với sắc vàng rực rỡ.
Rồi tết đến, đánh dấu bằng bữa cơm tất niên cúng “rước ông bà”. Phong sương mấy độ qua đường phố/ Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê - hai câu thơ của cố nhà văn Sơn Nam, dù nghèo, dù giàu, là người Việt cũng phải cố trở về cho kịp thời giờ giao thừa. Giây phút năm cũ chuyển qua năm mới thiêng liêng! Thời khắc ấy “là tuổi mới, mà ai cũng gọi là giao thừa, rũ bỏ cái cũ đi, đón nhận niềm vui mới đến”.
Xuân về, miệt vườn thêm khởi sắc, ruộng vườn bát ngát, bao la. Vạn vật như bừng lên sức sống. Tiếng chim ca ríu rít trong vườn cây đầy trái chín. Du khách xuống thuyền hoặc xuồng ba lá khoan thai mái chèo theo những con rạch đục ngần phù sa, quanh co luồn vào các nhánh sông chằng chịt, với những rặng bần trầm mặc ven sông, bụi ô rô mọc hoang bên bờ đất chảy xuyên qua những mảnh vườn và nghe văng vẳng đâu đó tiếng đờn ca: Con kênh xanh giấu mình dưới bóng dừa lá ngọn/ Đò dọc ngang đưa khách đến quê em/ Dòng sông Hậu, sông Tiền mang nặng hạt phù sa/ Bồi mảnh đất Đồng bằng sông Cửu Long thêm màu mỡ.
Chở “tết” về nhà (Ảnh: Triệu Vinh)
Du khách thỏa thích ngắm nhìn những vườn trái cây bạt ngàn xanh ngát, tận hưởng hương thơm trái cây chín ngọt ngào chắt ra từ phù sa sông Hậu. Như nhà văn Nguyễn Tuân nói: “Chỉ cần với tay đã có trái ăn liền”. Ngồi trong sân vườn, khách thưởng thức bữa tiệc đậm đà hương đồng quê “sệt” chất Nam bộ: Bánh xèo, bánh khọt, bắp nướng, lẩu mắm, cá lóc nướng trui, cá rô kho tộ, gà bọc đất sét nướng, tôm càng xanh nướng,... cùng các loại rau sạch của miệt vườn. Muốn lai rai thì có rượu nếp, tráng miệng với trái cây sẵn có trong vườn. Vừa thưởng thức món ăn dân dã, du khách vừa được nghe đờn ca tài tử, hưởng không khí trong lành của đồng thơm cỏ nội và nghe tiếng ếch, nhái đồng ca khi đêm xuống.
Những ngày tết, còn gì thú vị bằng khi đến những điểm du lịch sinh thái ở Đồng bằng sông Cửu Long, được thăm thú vườn tược, thả hồn theo sông nước hữu tình, thưởng thức những loại trái cây ngon, những món ăn, đặc sản mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất phương Nam./.
Nguyễn Thanh Hoàng