Đại dịch COVID-19 đã gây ra những gián đoạn lớn cho cuộc sống của tất cả mọi người, trong đó trẻ em là nhóm đối tượng bị tác động sâu sắc bởi đại dịch này. Thay vì học tập tại trường, gặp gỡ thầy cô, bạn bè hàng ngày thì mọi hoạt động diễn ra trực tuyến.
Một thời gian quá dài đã khiến trẻ dần thích nghi với việc học tại nhà, cho dù học ở nhà có nhiều hạn chế thì việc quay trở lại trường không phải là dễ dàng với tất cả trẻ em. Trong khi nhiều học sinh vui mừng, háo hức quay trở lại trường học thì không ít những học sinh khác sẽ cảm thấy ngại, thậm chí lo lắng hoặc sợ hãi.
Do đó, cha mẹ hãy lưu ý một số điều để hỗ trợ con cái khi chúng trải qua những cảm xúc phức tạp, đan xen hoặc đối mặt khi trở lại trường.
1. Cha mẹ cần bình tĩnh và chủ động trò chuyện với con cái
Cha mẹ cần chủ động trò chuyện với con về việc đi học trở lại, tạo tâm lý an tâm cho con.
Sau một kỳ nghỉ như Tết Nguyên đán cũng đã khiến các con ngại đến lớp, do đó việc nghỉ hè và học tập online tại nhà kéo dài hơn nửa năm qua đối với nhiều học sinh thực sự là một trở ngại của bản thân. Vì vậy, cha mẹ hãy trò chuyện cởi mở với con, gợi về những hình ảnh với lớp học, thầy cô và bạn bè, những mặt tích cực khi con đến trường. Chia sẻ để con biết việc con cảm thấy lo lắng, ngại ngần không có gì khó hiểu. Chỉ cần qua ngày học đầu tiên, con sẽ cảm nhận việc đến trường là một điều may mắn.
Nhiều học sinh còn lo lắng là học tập trực tuyến nhưng quay trở lại trường lại là những bài thi trực tiếp có độ khó hơn nhiều so với những gì đã học. Cha mẹ có thể chủ động trao đổi với giáo viên của con những thông tin này để giải tỏa băn khoăn của con.
Theo chuyên gia tâm lý vị thành niên, Tiến sĩ Lisa Damour: Cha mẹ nên có một cuộc trò chuyện bình tĩnh, chủ động với con cái về bệnh Coronavirus (COVID-19), và vai trò quan trọng của trẻ trong việc giữ gìn sức khỏe cho bản thân. Cha mẹ nên khuyến khích con cái của họ chia sẻ nếu chúng không được khỏe hoặc nếu chúng cảm thấy lo lắng về virus hoặc bất cứ điều gì để cha mẹ có thể giúp đỡ.
Trẻ em cảm thấy căng thẳng và lo lắng về COVID-19 là điều dễ hiểu. Hãy trấn an con cái của bạn, nhắc nhở con rằng chúng ta có thể giữ an toàn cho bản thân và những người khác cũng như kiểm soát hoàn cảnh của mình tốt hơn, thường xuyên rửa tay, không chạm vào mặt và tránh tiếp xúc gần... |
2. Thực hiện các biện pháp phòng bệnh là điều quan trọng
Trẻ em có thể cảm thấy lo lắng hoặc miễn cưỡng trở lại trường học, đặc biệt nếu chúng đã học ở nhà trong nhiều tháng. Hãy thẳng thắn trao đổi với con về những việc như đo thân nhiệt mỗi ngày, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với bạn bè, thầy cô là những việc nên làm và cần thiết để bảo vệ bản thân và mọi người.
Có nhiều cách để kết nối mà không nhất thiết phải đứng cạnh, ngồi cạnh nhau như trao nhau những ký hiệu thả tim, ký hiệu chiến thắng hoặc like… để tương tác với nhau.
Giúp con hiểu về các biện pháp phòng dịch tại lớp học.
Trao đổi kỹ với con về các biện pháp an toàn tại chỗ để giúp bảo vệ học sinh và giáo viên, đồng thời nhắc trẻ rằng chúng cũng có thể giúp ngăn ngừa mầm bệnh lây lan bằng cách rửa tay bằng xà phòng và khi ho hoặc hắt hơi vào khuỷu tay của mình.
Nếu trẻ khó chịu hoặc bực bội nếu cảm thấy khó khăn khi đeo khẩu trang. Hãy thử trấn an con bạn rằng rất nhiều người lớn đang nỗ lực để giúp chúng ta được an toàn, nhưng hãy nhấn mạnh rằng điều quan trọng là tất cả chúng ta đều tuân theo các biện pháp được khuyến nghị để chăm sóc lẫn nhau và đặc biệt là những thành viên dễ bị tổn thương hơn trong cộng đồng của chúng ta.
3. Khuyến khích con tuân thủ các biện pháp phòng ngừa một cách thuyết phục
Thường xuyên rửa tay, sát khuẩn tay để phòng bệnh.
Rửa tay thường xuyên là một biện pháp phòng ngừa quan trọng để bảo vệ trẻ em và tất cả mọi người. Vệ sinh tay không chỉ hỗ trợ ngừa COVID-19 mà còn nhiều bệnh lây truyền khác.
Nếu là trẻ nhỏ, hãy khuyến khích rửa tay thường xuyên bằng cách nhẹ nhàng như hát theo bài hát yêu thích của con bạn hoặc nhảy cùng nhau để làm cho việc học trở nên thú vị. Nói cho con biết cách vi trùng dễ dàng tấn công con người dù chúng ta không thể nhìn thấy vi trùng bằng mắt thường.
Khi trẻ hiểu lý do tại sao chúng cần rửa tay, chúng sẽ chủ động trong việc rửa tay thường xuyên...
4. Con cảm thấy sợ hãi vì cảm giác bị cô lập khi đến trường?
Giúp con kết nối với bạn bè. Ảnh: Vũ Thúy Hường.
Nếu con bạn có những lo lắng, bồn chồn trước ngày đến lớp, hãy tâm sự vì có thể con bạn có lý do quan trọng. Ví dụ như con bạn không còn chơi cùng nhóm với những người bạn thân trước kia và thậm chí còn cảm thấy bị cô lập hơn, cảm thấy bị tách khỏi bạn bè. Trò chuyện và giúp con chủ động kết nối với bạn bè bằng thái độ cầu thị. Con cũng có thể bắt đầu các quan hệ tốt hơn với những nhóm bạn phù hợp.
Điều quan trọng là bạn phải bình tĩnh và chủ động trong các cuộc trò chuyện với trẻ - hãy kiểm tra với chúng để xem chúng đang thế nào. Cảm xúc của trẻ em sẽ thay đổi thường xuyên và bạn cần cho con thấy điều đó không sao cả.
Hãy luôn gần gũi để giúp trẻ bày tỏ và truyền đạt bất kỳ cảm giác tiêu cực nào mà trẻ có thể đang trải qua trong một môi trường an toàn và hỗ trợ. Điều này giúp trẻ tìm ra những cách tích cực để thể hiện những cảm xúc khó khăn như tức giận, sợ hãi hoặc buồn bã.
Vì trẻ em thường tiếp thu những tín hiệu cảm xúc từ những người lớn quan trọng trong cuộc sống của chúng - bao gồm cả cha mẹ và giáo viên - điều quan trọng là người lớn phải quản lý tốt cảm xúc của chính mình và giữ bình tĩnh, lắng nghe những mối quan tâm của trẻ, nói chuyện tử tế và trấn an chúng.
5. Điều cần chú ý khi con bạn bắt đầu trở lại trường
Kiểm tra sức khỏe mỗi ngày là việc cần thiết khi học sinh quay lại trưởng. Ảnh: Minh Huệ
Ngoài việc kiểm tra sức khỏe thể chất và tình hình học tập của con khi con đi học trở lại, bạn cũng nên để ý các dấu hiệu căng thẳng và lo lắng. COVID-19 có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của con bạn và điều quan trọng là phải đồng cảm và hỗ trợ, chia sẻ, gần gũi con.
Đã có những lo ngại về tình trạng kỳ thị và bắt nạt khi trẻ em đi học trở lại, do thông tin sai lệch xung quanh COVID-19. Bạn nên giải thích rằng virus không liên quan gì đến ngoại hình của một người nào đó, họ đến từ đâu hoặc ngôn ngữ họ nói.
Nếu con bị bắt nạt ở trường, chúng nên được khuyến khích nói với một người lớn đáng tin cậy. Nhắc nhở con bạn rằng mọi người đều xứng đáng được an toàn ở trường học. Bắt nạt luôn là điều sai trái và mỗi chúng ta nên làm phần việc của mình để lan tỏa lòng tốt và hỗ trợ lẫn nhau./.
Theo SK&ĐS