Tiếng Việt | English

01/07/2022 - 08:19

Ấm áp bữa cơm gia đình

Cùng với hàng triệu gia đình trong cả nước, các cấp, các ngành và nhiều gia đình ở Long An vừa có những hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam (28/6). Đã 21 năm qua, Ngày Gia đình Việt Nam dần dần được các gia đình biết đến là một sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, là dịp để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

21 năm qua, hệ thống quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật về gia đình của Nhà nước và các cấp chính quyền không ngừng được bổ sung, hoàn thiện. Các mặt công tác, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc đã được các ngành, đoàn thể triển khai, thực hiện, lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch, chỉ tiêu, hoạt động và đạt được rất nhiều kết quả từ nâng cao nhận thức, hiểu biết, kỹ năng trên các mặt luật pháp, kinh tế, văn hóa, xã hội,…Các gia đình đã phát huy tốt vai trò là tổ ấm, môi trường giáo dục đầu đời của trẻ em, tế bào lành mạnh của xã hội. Từ đó, đóng góp nguồn nhân lực chất lượng, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mỗi người khi sinh ra đều gắn với một gia đình, đó có thể là một gia đình đầy đủ hay thiếu vắng người cha hoặc người mẹ. Dù thế nào đi chăng nữa, ai cũng mơ về một gia đình ấm no, hạnh phúc. Ở đó, các thành viên trong gia đình quan tâm, yêu thương lẫn nhau, có với nhau những bữa cơm ấm áp,... Thế nhưng, gia đình luôn bị tác động bởi yếu tố bên ngoài như mặt trái của kinh tế thị trường, tệ nạn xã hội, nhịp sống công nghiệp hối hả; những yếu tố bên trong như sự quan tâm, chia sẻ, tôn trọng, bạo hành,... Gần đây, đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến đời sống gia đình, có những gia đình mất đi những người thân yêu, kinh tế gia đình khó khăn hơn. Cùng với đó, tình trạng vật giá hàng hóa tăng cao càng làm trầm trọng hơn những khó khăn về đời sống, dù các cấp chính quyền, công đoàn đã nỗ lực chăm lo an sinh xã hội...

Đời sống khó khăn rồi cũng sẽ phục hồi theo đà phục hồi sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế nước nhà. Cái cần thiết trước mắt là mỗi gia đình cố gắng thu vén, khéo léo tổ chức, sắp xếp cuộc sống, tránh sa vào rượu chè, tệ nạn xã hội, “tín dụng đen”. Trong khó khăn thì càng phải quan tâm, chăm sóc, yêu thương nhau theo đúng truyền thống “râu tôm nấu với ruột bầu/chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Khi vật chất không đầy đủ thì càng phải quan tâm đời sống tinh thần bằng sự chăm sóc, chia sẻ, động viên nhau, điều đó sẽ là sợi dây gắn kết đời sống gia đình.

Trong gia đình, theo truyền thống của người Việt Nam, bữa cơm gia đình có vai trò rất quan trọng. Đó là nơi chúng ta sẽ “học ăn, học nói, học gói, học mở”, “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Bữa cơm là môi trường tốt nhất để cả gia đình đoàn tụ sau một ngày vất vả mưu sinh, học hành, công tác. Nơi đó, các thành viên gia đình sẽ dành sự quan tâm cho nhau, chia sẻ vui, buồn trong cuộc sống, cho nhau những kinh nghiệm, lời khuyên hữu ích. Dịp này, người lớn sẽ trao truyền cho con, cháu những kinh nghiệm sống, giá trị truyền thống. Các thành viên sẽ cảm nhận được không khí gia đình, tổ ấm hạnh phúc. Do vậy, dù đi đâu, làm gì, mọi người luôn hướng về gia đình, mong được dùng bữa cùng nhau, cho dù bữa cơm có đạm bạc,…Tất nhiên, để có được những bữa cơm ấm áp phải cần có sự điều hành khéo léo của người lớn và sự tôn trọng lẫn nhau. Nếu không có “nghệ thuật” quản lý cảm xúc và thiếu sự tôn trọng nhau, đôi khi bữa cơm gia đình lại là nơi bắt đầu những bất hòa.

Cuộc sống hiện đại luôn hối hả, bận rộn. Chúng ta cần giữ nền nếp là các bữa ăn ấm áp trong gia đình. Nơi đó, người mẹ, người chị dồn hết tình thương vào từng món ăn; người cha, người anh dành hết tình yêu, trách nhiệm cho gia đình. Đó là điều tuyệt vời nhất mà không phải ai cũng có. Do vậy, dù điều kiện kinh tế dư dã, bận rộn mưu sinh, học hành, mọi người nên quan tâm đến bữa cơm gia đình!./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết