Tiếng Việt | English

24/05/2022 - 08:40

Anh hùng thời chiến, cống hiến thời bình

Tính cách thẳng thắn là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với ông Lê Minh Hồng (SN 1950, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An). Ông là một trong những tấm gương anh hùng thời chiến, cống hiến thời bình tiêu biểu tại địa phương.

Anh hùng thời chiến

Cách UBND xã Đông Thạnh chưa đầy 500m, chúng tôi dễ dàng tìm được nhà ông Hồng. Đón khách bằng nụ cười tươi, người đàn ông ngoài 70 tuổi chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời ông. “Năm 15 tuổi, tôi tham gia cách mạng” - ông Hồng nhớ lại. Sinh ra trong gia đình có 5 anh chị em, ngoài giờ đi học, ông Hồng có chiếc radio cũ làm bạn. Lòng yêu nước, căm thù giặc của ông được "nuôi dưỡng" từ những lần nghe tin tức giặc ném bom ở miền Bắc, càn quét, bắn phá xóm làng miền Nam. Cộng với việc được nghe cán bộ tuyên truyền khi họp măng non đã thôi thúc ông tìm đến cách mạng.

Năm 1965, ông tham gia bộ đội địa phương. Buổi sáng, ông mặc áo trắng giả vờ đi học để nắm tình hình của địch. Năm 1966, ông bắn rơi 1 máy bay trong trận chống càn ở xã Tân Tập. Chỉ tay vào vết sẹo ở cằm, ông Hồng nói: “Đây là "kỷ niệm" trong trận chống càn ở xã Mỹ Lộc năm 1967. Hôm đó, tôi cùng các đồng đội bắn máy bay của địch thì bị thương. Tôi mất nhiều máu, nửa tỉnh, nửa mê, được đồng đội đưa điều trị. Giai đoạn đó, tôi chỉ có thể giao tiếp bằng cách viết và ra dấu, sau 1 tháng, tôi mới nói được”.

Năm 1968, ông tham gia Chiến dịch Mậu Thân. Tháng 12/1969, ông bị bắt ở xã Phước Lâm. Địch giam và tra tấn ông 7 ngày ở tiểu khu Long An trước khi đưa về giam tại Hố Nai (tỉnh Đồng Nai). Biết chẳng thể thu được thông tin gì từ ông nên tháng 02/1970, địch chuyển ông ra nhà tù Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Nhìn những tấm bằng khen, giấy khen, ông Hồng bồi hồi nhớ lại kỷ niệm về một thời chinh chiến

Theo ông Hồng, ở các nhà giam đều có tổ chức Đảng, dù bị địch bắt, tù đày nhưng mọi người vẫn sinh hoạt và đấu tranh cách mạng bằng cách tuyệt thực để đòi quyền dân sinh, dân chủ. Cuộc sống nơi “địa ngục trần gian” vốn chẳng dễ dàng nhưng mọi người luôn động viên nhau trung thành với Đảng, Tổ quốc, tất cả đều có chung niềm tin rồi đây cách mạng sẽ thành công.

Năm 1973, sau khi được trả tự do, ông Hồng về an dưỡng ở miền Bắc gần 1 năm. Năm 1974, ông trở về chiến trường Long An và tiếp tục tham gia cách mạng đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ông từng được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 3, Huân chương Chiến công hạng Ba,...

Cống hiến thời bình

Sau giải phóng, ông về làm Đại đội phó Đại đội Thông tin Tỉnh đội Long An. Từ năm 1979 - 1984, ông Hồng sang hỗ trợ nước bạn Campuchia, giữ chức vụ Đại đội trưởng Đại đội Thông tin. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông trở về quê nhà tiếp tục công tác đến năm 1988 thì nghỉ hưu. Trên cơ thể ông vẫn còn nhiều mảnh kim khí ở chân, tay và vai nhưng thay vì nghỉ ngơi, an dưỡng, ông Hồng lại tiếp tục tham gia các hoạt động tại địa phương. Ông Hồng tâm sự: “Với trách nhiệm của người đảng viên, khi còn sức khỏe thì tôi sẽ cống hiến. Tôi từng trải qua các vị trí: Trưởng ấp, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã, Phó Bí thư Chi bộ ấp,...”.

Theo lời kể của Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Đông Thạnh - Phùng Văn Lắm, cách đây hơn 20 năm, ông Hồng vận động 38 triệu đồng để xây dựng cầu Đúc ấp Bắc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. Ông rất trách nhiệm, số tiền vận động được ông cẩn thận ghi vào sổ và cho mạnh thường quân ký tên. Ngoài ra, ông còn thông tin về nguồn kinh phí vận động được qua loa phát thanh để mọi người nắm. Đến nay, cầu Đúc ấp Bắc đã không còn, hiện tại, khu vực này đã đắp đập, tuy nhiên những đóng góp của ông Hồng vẫn được mọi người ghi nhớ.

Do sức khỏe không tốt nên ông Hồng đã thôi đảm nhận các chức vụ tại ấp và ở nhà an dưỡng. Gần 54 năm tuổi Đảng, ông luôn hết lòng vì quê hương, đặc biệt, ông luôn quan tâm giáo dục con cháu trở thành người có ích cho gia đình và xã hội, sống xứng đáng với những hy sinh của thế hệ cha ông vì nền độc lập, tự do của dân tộc./.

Nguyễn Dung

Chia sẻ bài viết