Tiếng Việt | English

25/12/2023 - 09:02

Anh hùng trong chiến đấu, đi đầu trong xây dựng quê hương

Di tích lịch sử Giồng Dinh thuộc ấp Vinh, xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An vốn là vùng đất cao, gò, phân biệt hẳn với những vùng bưng thấp xung quanh và thuộc chiến khu Đông Thành. Giồng Dinh là nơi đánh bại trận càn quy mô của thực dân Pháp nhằm “san bằng” các cơ quan đầu não của ta, ghi một chiến tích oai hùng của quân, dân Đông Thành trong lịch sử 9 năm kháng Pháp. Khi đất nước hòa bình, phát huy truyền thống ấy, quân và dân Mỹ Thạnh Tây tiếp tục nỗ lực xây dựng và bảo vệ quê hương, một góc biên cương bình yên, tươi đẹp.

Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đức Huệ vừa gắn mã QR tại khu di tích, thuận lợi cho việc tra cứu thông tin

Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đức Huệ vừa gắn mã QR tại khu di tích, thuận lợi cho việc tra cứu thông tin

Nhắc chuyện anh hùng

Di tích lịch sử Giồng Dinh nằm cách UBND xã Mỹ Thạnh Tây không xa. Bia chiến thắng Giồng Dinh đặt trong khuôn viên nhỏ, cây, hoa được trồng, chăm cẩn thận. Mới đây, Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đức Huệ triển khai gắn mã QR tại khu di tích giúp người dân và khách đến có thể dễ dàng tra cứu thông tin về chiến thắng Giồng Dinh lịch sử.

Theo lịch sử địa phương, trong thời gian kháng Pháp lần 2, Giồng Dinh thuộc chiến khu Đông Thành. Do vị trí đặc biệt của 5 xã Bắc Thủ Thừa: Thạnh Lợi, Bình Hòa, Bình Thành, Mỹ Hạnh, Mỹ Quý, phần lớn các cơ quan lãnh đạo kháng chiến cấp miền, Khu 7, thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn và một số tỉnh,... đã tập trung về đóng quân nơi đây. Trước tình hình đó, năm 1946, Ủy ban Kháng chiến miền Nam quyết định thành lập Quân khu Đông Thành, một chiến khu có vị trí chiến lược rất quan trọng. Tháng 3-1947, thực dân Pháp mở cuộc càn quy mô lớn vào Đông Thành, trọng điểm là dùng binh chủng dù đánh vào Giồng Dinh nhằm tiêu diệt các cơ quan đầu não ở đây của ta gồm Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ, Xứ ủy Nam bộ, Khu 7,...

Máy bay trinh sát của chúng hướng dẫn cho lực lượng phóng pháo đến thả bom, bắn phá cả một vùng đất để dọn bãi đổ quân với 12 chiếc đa-ko-ta, 1 đại đội dù. Đây là trận đầu tiên thực dân Pháp sử dụng binh chủng dù trên chiến trường miền Nam. Và Trung đội bảo vệ thuộc Chi đội Hải ngoại IV cùng các lực lượng địa phương đã bẻ gãy cuộc tấn công này, thực dân Pháp bị thất bại nặng nề, đập tan âm mưu tiêu diệt các cơ quan kháng chiến đầu não của ta ở Quân khu Đông Thành (*).

“Trận Giồng Dinh là một điểm son trong trang sử vẻ vang của quân, dân ta, chứng minh cho sự tài tình và sáng suốt của Đảng đã sử dụng linh hoạt đặc thù địa phương để xây dựng Đông Thành thành một căn cứ cách mạng, không có căn cứ Đông Thành không thể có chiến thắng Giồng Dinh lịch sử. Chiến thắng Giồng Dinh đi vào lịch sử, mãi mãi là niềm tự hào bất diệt của quân, dân Đông Thành” - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ - Hà Thị Huyện cho biết.

Nỗ lực hôm nay

Tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng của thế hệ cha anh, quân và dân Mỹ Thạnh Tây tiếp tục nỗ lực trên hành trình xây dựng quê hương. Năm 2022, Mỹ Thạnh Tây đạt chuẩn xã nông thôn mới và là xã biên giới đầu tiên của huyện Đức Huệ xây dựng thành công nông thôn mới, từng bước hướng tới nông thôn mới nâng cao. Từ đó, đời sống người dân vùng biên giới ngày càng được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Trong đó, phải kể đến những nỗ lực của lực lượng cựu chiến binh (CCB) với nhiều hoạt động, mô hình giúp hội viên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng ngay trên chính quê hương.

Di tích lịch sử Giồng Dinh gần UBND xã Mỹ Thạnh Tây, có người quét dọn, chăm sóc hàng ngày

Di tích lịch sử Giồng Dinh gần UBND xã Mỹ Thạnh Tây, có người quét dọn, chăm sóc hàng ngày

Ngoài làm tốt việc quản lý nguồn vốn vay từ ngân hàng và phát triển quỹ hội phục vụ các hoạt động hội và hỗ trợ hội viên khi gặp khó khăn, Hội CCB xã Mỹ Thạnh Tây còn xây dựng và duy trì hiệu quả Câu lạc bộ (CLB) Góp vốn xoay vòng với 30 thành viên và tổng nguồn vốn hiện có hơn 425 triệu đồng. Chủ nhiệm CLB Góp vốn xoay vòng Hội CCB xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ - Huỳnh Văn Nhỏ cho biết, ban đầu, CLB hoạt động dưới hình thức tổ đa dạng với nguồn vốn khoảng 10 triệu đồng.

Trung bình 6 tháng, thành viên CLB đóng góp thêm từ 500.000 đồng hoặc 1 triệu đồng, tùy từng thời điểm. Nguồn vốn dành cho thành viên CLB vay với lãi suất tượng trưng để làm vốn phát triển kinh tế gia đình. Ông Huỳnh Văn Nhỏ nói: “Tùy theo từng dự án của các thành viên mà CLB xét cho vay từ 20-50 triệu đồng trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm phục vụ sản xuất, kinh doanh và trang trải trong cuộc sống như hỗ trợ sản xuất lúa; chăn nuôi trâu, bò; mua bán nhỏ, lẻ; sửa chữa nhà ở; chi phí con cháu học hành,…”.

Chủ tịch Hội CCB xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ - Bùi Văn Phụng cho biết, nhờ sự đoàn kết, gắn bó, nỗ lực giúp đỡ nhau phát triển kinh tế và tinh thần vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, các hội viên Hội CCB xã từng bước phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. “Tính đến nay, hội viên của Hội không còn ai thuộc diện hộ nghèo. Hầu hết hội viên đều gương mẫu đi đầu trong các phong trào tại địa phương, tự nguyện tham gia góp tiền, hiến đất mở rộng đường, nạo vét kênh, mương nội đồng,... góp phần giúp Mỹ Thạnh Tây trở thành xã nông thôn mới” - ông Bùi Văn Phụng thông tin./.

(*) Theo thông tin tra cứu tại Khu di tích lịch sử Giồng Dinh

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết