Tiếng Việt | English

17/06/2023 - 14:02

Bà Nụ

Bà Nụ đẩy xe hàng vào nhà đã 10 giờ khuya, bà ngồi phịch xuống ghế, với lấy bình nước trên bàn, tu một hơi đã cơn khát. Đôi chân mỏi rã rời sau một ngày bán hàng, giờ là lúc căn bệnh xương khớp lại hành hạ bà. Đó là hậu quả của mấy chục năm bà bươn chải, kiếm tiền nuôi con. Giờ con trai bà đã có vợ đẹp, con ngoan, có sự nghiệp, nhà sang, xe đẹp,… bà lấy làm mãn nguyện lắm! Nói gở miệng nếu bà có mệnh hệ gì về với tổ tiên, bà cũng thấy lòng thanh thản và cũng không phải tủi hổ khi gặp lại chồng mình nơi chín suối. Bà sẽ tự hào, ngẩng cao đầu mà nói với chồng: “Điều anh lo lắng dặn dò em trước lúc lâm chung là hãy gắng nuôi con sao cho nó bằng chúng bạn, đừng để nó tủi hổ với đời, thì giờ đây, con anh đã có đầy đủ những gì như người ta hằng mong ước. Giờ em đã thanh thản buông bỏ tất cả để về bên anh đây!”. Ý nghĩ đó hay hiện lên trong đầu bà mỗi khi đêm về, lúc bà một mình trằn trọc trên chiếc giường cũ kỹ chịu đựng những cơn đau hành hạ thân xác.

Lâu ngày con trai không gọi điện về, bà bỗng cảm thấy nhớ con và cháu quá, không kìm được, bà mở điện thoại rồi bấm số gọi con:

- Trung à, lâu rồi con không gọi về. Nay sốt ruột quá, mẹ gọi cho con hỏi xem sao? Hai cháu có khỏe không?

Phía bên kia, tiếng Trung lạu bạu:

- Có chuyện gì mà mẹ gọi muộn thế này? Vợ chồng con làm việc cả ngày, đêm về ngủ chút cũng không được yên nữa!

- Mẹ xin lỗi!

- Chúng con vẫn ổn, lần sau mẹ đừng gọi muộn thế này nhé. Có việc gì con sẽ gọi về, mẹ không phải lo, mẹ nhớ nhé!

Tiếng máy phụt tắt. Bà Nụ buồn bã thở dài và cảm thấy tủi thân vô cùng! Bà lo và thương nhớ con, cháu là vậy mà chúng đâu có hiểu lòng bà, chúng coi đó là bị làm phiền nên khó chịu. Bà nhớ lúc chồng bà bị tai nạn qua đời, khi đó, thằng Trung mới 16 tháng tuổi vừa chập chững biết đi, miệng mới bi bô được mấy tiếng “ba ba, ma ma”… Nhớ lời dặn của chồng, bà tự nhủ dù khổ đến đâu cũng quyết không để con thua kém bạn bè, bao tình thương yêu, bà dành hết cho con. Hàng ngày, bà địu con và đẩy xe rau ra chợ tảo tần, buôn bán nuôi con. Cũng nhiều người đàn ông tốt bụng cùng cảnh ngộ như bà ngỏ lời cưới nhưng thương con, sợ phải san sẻ tình cảm, con sẽ buồn tủi, vậy là bà đã bỏ lỡ nhiều cơ hội có thể tái hôn. Được cái trời phù hộ cho bà, thằng Trung cũng ngoan ngoãn và học rất giỏi nên bà thấy sự hy sinh của mình phần nào được đền đáp. Ngày ấy, cứ nghĩ về con, bà lại thấy gánh nặng như vơi đi và lại nhủ mình phải cố gắng hơn với mong muốn con không thể thiếu thốn và thua bạn bè. Bà nhịn ăn, nhịn mặc để vun vén, bù đắp cho con. Ngày Trung đỗ vào Trường Đại học Bách Khoa, bà vui đến phát khóc! Bà làm mấy mâm cơm, trước hết là để báo cáo với vong linh của chồng, sau nữa cũng là cảm ơn họ hàng, bạn bè đã chia ngọt, sẻ bùi với bà bao năm qua. Bà lại tự nhủ, từ nay cần phải cố gắng làm lụng nhiều hơn nữa, bởi phía trước còn 4 năm đại học của con. Sống ở thủ đô, cái gì cũng đắt đỏ… mỗi tháng, nếu thật dè sẻn cũng mất đứt 5-6 triệu đồng, chưa kể tiền tiêu vặt, giao lưu bạn bè, khi tiệc tùng, lúc lễ, tết,… Nhưng tất cả vì tương lai của con, bà làm và quên đi chính bản thân mình, ốm không dám nghỉ chợ, đau không dám mua thuốc, quần áo cũng chẳng dám mua đồ tốt! Cứ thế rồi con bà ra trường với tấm bằng xuất sắc và được một công ty nước ngoài nhận vào làm việc với mức lương khá hậu hĩnh. Được một năm
thì con bà đòi cưới vợ. Lo vợ cho con mất hơn trăm triệu đồng cũng mình bà bỏ ra. Cuối cùng, bà bán 2 mảnh đất, mua nhà chung cư cho con. Sau mỗi sự kiện, chứng kiến từng bước trưởng thành của con, bà đều cảm thấy mình thật vui, thật kiêu hãnh, xóm giềng ai cũng nể phục bà, bà lấy hạnh phúc của con làm niềm vui sống cho mình. Con bà giờ có tất cả, nhưng bà thì không, bà vẫn cặm cụi hàng ngày với xe rau ngoài chợ… Cứ thế, bà cam chịu mọi sự, kể cả giờ đây là sự bạc bẽo của con.

Hai ngày không thấy bà Nụ đi chợ, lo bà gặp sự chẳng lành, Quỳnh là hàng xóm ở sát nhà tìm đến. Chị gõ cửa mà không thấy bà Nụ ra mở, Quỳnh lên tiếng gọi to:

- Cô Nụ ơi! Cô có nhà không?

Nghe tiếng Quỳnh, lúc này, bà Nụ mới cố dậy ra mở cửa. Nhìn bà đầu tóc rối bù, dáng đi lảo đảo, Quỳnh vội đỡ bà ngồi xuống ghế.

- Cô ốm à?

- Sáng qua cô dậy, định đi chợ thì thấy mặt mày sây sẩm, đứng không vững, đành nằm lại giường, đau đầu, đau chân không thể dậy được nữa. Tối mới cố dậy nấu gói mì tôm ăn và đi nằm tới giờ vẫn chưa thấy đỡ.

- Cô đã uống thuốc gì chưa?

- Có thuốc gì đâu cháu! Mọi khi cũng bị thế này nhưng cứ nằm rồi tự nó khỏi.

- Không thể được, để cháu nấu cháo cho cô rồi cháu đi nhờ bác sĩ vào khám cho. Phải uống thuốc thì mới khỏi được chứ!

Quỳnh để bà Nụ ngồi đó rồi vào bếp nấu cháo. Cháo chín, Quỳnh múc ra bát cho nguội và dặn bà Nụ:

- Chờ cháo nguội cô ăn nhé, giờ cháu đi đón bác sĩ.

Khi Quỳnh đưa bác sĩ về, bà Nụ vừa ăn xong bát cháo. Quỳnh hỏi:

- Cháu gọi điện cho vợ chồng Trung nó về với cô nhé!

Nghe Quỳnh nói vậy, bà gạt phắt đi:

- Ấy chết, cháu đừng gọi, vợ chồng nó bận việc, đừng làm phiền chúng, mặc cô, có bác sĩ khám, cho thuốc uống chiều là khỏi thôi!

- Cô lạ thật đấy, ốm đau gọi con về là bình thường sao cô phải ngại?

- Không được, nó bận về mất ngày, mất buổi của nó phiền phức ra, cô không sao.

Lo bà Nụ ốm phải nằm một mình, Quỳnh lén gọi cho Trung:

- Trung à, xem thu xếp đưa vợ con về nhé. Cô bị ốm 2 ngày nay rồi, nằm một mình, sáng nay chị sang thấy thế chị vừa nấu cháo cho cô ăn và gọi bác sĩ đến khám, vừa mua thuốc cho cô uống rồi. Thấy cô có vẻ yếu lắm, em liệu về ngay nhé!

Đầu kia giọng Trung có vẻ không vui:

- Lại ốm! Chắc bà cũng cảm cúm như mọi lần thôi, uống thuốc là ổn mà. Chúng em trên này bận tối mặt sao có thể về ngay được. Để tí nữa em gọi lại cho bà, có gì em sẽ tính.

Nói vậy rồi Trung cúp máy, không nói được một lời cảm ơn với Quỳnh. Bác sĩ khám, bảo bà bị rối loạn tiền đình và huyết áp tăng quá cao, không cẩn thận dễ bị tai biến. Bác sĩ kê đơn, lấy thuốc cho bà uống.

Hai ngày sau, Trung lái xe về. Vừa bước vào cửa, Trung đã to tiếng:

- Mẹ sao vậy? Tuổi già đau đầu, chóng mặt là thường, sao phải nhờ chị Quỳnh gọi cho con làm gì chứ? Nhờ chị ấy mua thuốc uống là được rồi. Mẹ có biết chúng con bận lắm không?

- Mẹ không bảo. Chắc nó lo cho mẹ nên tự gọi thôi, mẹ vẫn biết con bận mà!

- Không bảo sao chị ấy lại gọi? Sổ mũi hắt hơi một tí là gọi - Trung hậm hực.

- Tôi tự gọi đấy - từ ngoài cửa bước vào, Quỳnh đã nghe Trung nói, không kìm được, Quỳnh nói một mạch - Tôi lấy làm lạ khi mẹ chú ốm, tôi gọi điện báo mà chú cứ thờ ơ như không. Chú coi công việc hơn cả tính mạng của mẹ chú thế à? Thử hỏi không có chúng tôi và hàng xóm thì mẹ chú sẽ thế nào?

- Chị cứ nói quá lên thế, chỉ cảm cúm nhì nhằng có gì hệ trọng đâu. Chị biết không, từ Hà Nội về đây hơn trăm cây số cả đi, cả về gần 300 cây, mất đứt 600 ngàn tiền xăng của em, lại còn phải xin nghỉ việc nữa, bao nhiêu là phiền phức, chứ có rảnh như người ở quê đâu mà hơi tí là gọi về.

- Nếu ngại đi lại thì chú đón bà lên ở với vợ chồng chú cho tiện chăm sóc chứ để bà ở nhà thế này lúc tắt lửa tối đèn, bà biết trông cậy vào ai? Tuổi già như chuối chín cây, biết đâu mà lường?

- Đón bà lên ở cùng thế nào được! Rồi lại mẹ chồng, nàng dâu cãi cọ khác gì giết nhau! Em không thể đón được. Vợ em nó bảo rồi…

Nằm trên giường nghe con nói vậy, bà Nụ nước mắt giàn giụa, bà cố ngồi dậy, bao dồn nén giờ không nhịn được nữa, bà chỉ thẳng vào mặt Trung quát:

- Giờ thì tao đã hiểu mày là thằng bất nhân, bất hiếu! Từ nay tao không có đứa con như mày. Tao sống với dân làng. Họ không để tao chết khô đâu. Mày cút ngay!

Thoáng chút sửng sốt rồi dường như chỉ chờ có vậy, Trung quát lớn:

- Đó là bà muốn như vậy nhé! Bà nhớ lấy. Đã thế thằng này mặc xác bà!

Nói rồi Trung lao ra xe, mở cửa, nổ máy, quay xe phóng đi. Bà Nụ gục xuống bên giường thổn thức.Quỳnh đỡ bà nằm xuống. Quỳnh không hiểu nổi một người con được mẹ hết lòng yêu thương, chăm chút, cho ăn học đàng hoàng, giờ mẹ tuổi cao, sức yếu, cần đến con thì lại bị chính con trai mình hắt hủi như vậy!? Quỳnh vừa buồn, vừa thương cho bà Nụ.

Mấy tháng sau, bà Nụ tìm đến luật sư xin tư vấn về việc làm di chúc thừa kế. Bà đã quyết định làm di chúc với di nguyện sau khi chết sẽ hiến hơn 5 sào đất vườn của bà cho địa phương để xây dựng trường mầm non, toàn bộ đất thổ cư và ngôi nhà bà tặng lại cho Quỳnh - người đã thường xuyên chăm sóc bà. Cuối cùng, bà xin hiến xác phục vụ nghiên cứu y học. Hơn một năm sau, bà qua đời. Bản di chúc đã được công bố và thực hiện theo ý nguyện của bà mặc dù Trung đưa ra nhiều yêu sách đòi xóa bỏ bản di chúc./.

Bùi Nhật Lai

Chia sẻ bài viết