Tiếng Việt | English

07/04/2021 - 09:39

Những câu chuyện nhỏ về tình yêu thương và sẻ chia

Bài 1: Gắn kết những tấm lòng

Nhiều người nghĩ rằng, làm việc thiện là việc của người giàu. Thế nhưng, chỉ cần có trái tim yêu thương thì việc làm từ thiện, giúp đỡ các mảnh đời yếu thế trong xã hội rất dễ dàng, ai cũng làm được. Và thời gian qua, nhiều cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh Long An làm được điều này, góp phần cho niềm vui, cái đẹp được lan tỏa trong cuộc sống, viết nên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

Gặp nhau ở tấm lòng thiện nguyện, nhiều cá nhân, tổ chức cùng gắn kết xây nên mái ấm của tình yêu thương, bếp ăn từ thiện cho các mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống, góp phần chung tay cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Trẻ em mồ côi được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Tâm Đức

Trẻ em mồ côi được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Tâm Đức

Mái ấm của tình yêu thương

Xã hội phát triển, nhiều người bị cuốn vào guồng quay của cơm, áo, gạo, tiền, thậm chí có người vì lợi ích mà đánh mất đi tình thân, sẵn sàng chà đạp lên nhân phẩm, đạo đức của chính mình, đi ngược lại đạo đức của dân tộc. Thế nhưng, đâu đó trong xã hội vẫn còn rất nhiều người có tấm lòng nhân ái, sẻ chia với các mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống. Và ở đó, họ sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời mình chỉ để xây nên mái ấm của tình yêu thương dành cho các hoàn cảnh yếu thế trong xã hội, góp phần cho cái đẹp được lan tỏa trong cuộc sống, viết nên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

Ông Phan Văn Hạnh (đại diện Mái ấm tình người Đức Ái, tọa lạc xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa) cho biết: “Cách đây 11 năm, mái ấm Đức Ái do tôi và chị Lê Thị Kính thành lập. Ban đầu, chúng tôi chỉ dựng một căn nhà sàn nhỏ và đưa 3 cụ già tật nguyền về nuôi dưỡng. Sau đó, nhiều cụ già có hoàn cảnh khó khăn biết đến mái ấm và xin vào nương tựa. Hiện nay, mái ấm đang cưu mang, giúp đỡ 22 cụ già neo đơn, từ 62 đến 96 tuổi, trong đó hầu hết các cụ đều rất yếu, sinh hoạt cá nhân đều cần người khác giúp đỡ.

22 cụ trong mái ấm là 22 số phận khác nhau nhưng cùng chung cảnh đời khốn khó: Không vợ, không chồng, không con cháu, phải tự bươn chải nuôi thân ở tuổi xế chiều, lắm khi đau yếu, bệnh tật cũng không ai chăm sóc, càng thêm buồn tủi. Do đó, các cụ già vào đây nương tựa, chúng tôi chăm sóc chẳng khác nào ông bà, cha mẹ trong gia đình. Và ở đây, ai có công góp công, ai có sức góp sức, không phân biệt ít nhiều, chỉ cần có chung tấm lòng hướng về những điều tốt đẹp trong cuộc sống”.

Tôi vào mái ấm Đức Ái đã được 3 năm. Tôi xem nơi đây chính là mái nhà thứ 2 của mình. Từ ngày vào đây, tôi được đùm bọc, che chở, giúp đỡ rất nhiều. Cũng như các bạn già khác, tôi rất mừng khi có chỗ nượng dựa đến cuối đời”.

Bà Phạm Thị Hạnh (quê Bình Dương)

Từ khi sinh ra và lớn lên, em không biết cha mẹ mình là ai, chỉ biết các cô, chú trong trung tâm là người thân duy nhất. Ở đây, em được cho đi học, dạy bảo những điều hay, lẽ phải. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ tấm lòng của các cô, chú trong trung tâm”.

Em Hoàng Văn Thành (Trung tâm Bảo trợ xã hội Tâm Đức)

Ngoài mái ấm Đức Ái, tỉnh còn nhiều mái ấm được xây nên từ tình yêu thương như Cơ sở Trợ giúp xã hội Bàu Sen (xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa); Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ mồ côi (xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc); Cơ sở Bảo trợ xã hội Mái ấm An Lạc (thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc); Trung tâm Bảo trợ xã hội Tâm Đức (xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa);... Được biết, các mái ấm này đều cưu mang, giúp đỡ miễn phí hàng trăm hoàn cảnh khó khăn là người già neo đơn và trẻ mồ côi.

Bà Trần Thị Dung Em (đại diện Trung tâm Bảo trợ xã hội Tâm Đức) cho hay: “Hiện nay, trung tâm cưu mang 16 trẻ em mồ côi, trong đó, các trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Những năm qua, trung tâm luôn làm tốt công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, góp phần giúp các cháu có điều kiện phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần như tổ chức nhiều chuyến đi Suối Tiên, Thảo cầm viên,... Các nhân viên ở trung tâm đều quan tâm, chăm sóc trẻ em nơi đây chẳng khác nào máu mủ, ruột rà”.

Có thể thấy, mỗi người trong các mái ấm là một hoàn cảnh khác nhau, có người không gia đình, không người thân, bạn bè nhưng lại bệnh tật, đau yếu thường xuyên, có người bị cha mẹ bỏ rơi khi vừa mới sinh ra,... Thế nhưng, tất cả đã được bù đắp, chia sẻ khó khăn nhờ trái tim yêu thương của những "người dưng". Và những mảnh đời bất hạnh ấy có quyền mơ ước về một tương lai tốt đẹp hơn.

Những cụ già neo đơn đang nương tựa ở mái ấm Đức Ái, tọa lạc xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa

Những cụ già neo đơn đang nương tựa ở mái ấm Đức Ái, tọa lạc xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa

Ấm áp những bếp ăn từ thiện

4 giờ, bếp ăn từ thiện của quán cơm chay 5.000 đồng (thuộc Câu lạc bộ (CLB) Thiện Tâm, TP.Tân An) bắt đầu đỏ lửa. Ở đó, không ai bảo ai, mọi người nhanh tay bắt đầu công việc để chuẩn bị phục vụ gần 250 suất ăn cho người nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Theo quan sát, nấu ăn miễn phí không có nghĩa là các thành viên trong CLB nấu qua loa, ngược lại, các món ăn được chăm chút tỉ mỉ; thậm chí trong 1 tuần, các món ăn đều không trùng nhau.

Thành viên quán cơm chay 5.000 chuẩn bị các phần ăn miễn phí cho người nghèo

Thành viên quán cơm chay 5.000 chuẩn bị các phần ăn miễn phí cho người nghèo 

6 giờ 30 phút, một số thành viên CLB bắt đầu trở về nhà làm vệ sinh để chuẩn bị cho công việc hàng ngày của mình. Dù vất vả, mệt nhọc nhưng trên gương mặt ai cũng nở nụ cười. Anh Phạm Hoài Phong (Chủ nhiệm CLB Thiện Tâm, TP.Tân An) bộc bạch: “Quán cơm chay 5.000 đồng ra đời là tâm huyết của nhiều người, góp phần rất lớn trong việc chia sẻ khó khăn với người nghèo. Và khi nhìn thấy được nụ cười của người nghèo khi đến đây nhận các phần cơm miễn phí, chúng tôi thấy vui lắm, lấy đó làm động lực thực hiện tốt hơn các công việc thiện nguyện”.

Năm 2006, Hòa thượng Thích Đức Hảo (trụ trì chùa Phổ An, xã Long Trạch, huyện Cần Đước) thành lập bếp ăn từ thiện chùa Phổ An nhằm giúp đỡ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang điều trị tại Phòng khám Đa khoa khu vực Rạch Kiến và Bệnh viện Đa khoa huyện Cần Đước. Ban đầu, bếp ăn chỉ có kinh phí nấu khoảng 70 suất/ngày, nấu các ngày trong tuần. Sau đó, số lượng bệnh nhân ngày càng nhiều, vì thế bếp ăn tăng dần lên 200 suất/ngày. Thấy việc làm ý nghĩa và muốn chia sẻ gánh nặng về kinh phí với chùa Phổ An, nhiều tịnh thất, chùa,... chủ động đến chùa Phổ An xin được tham gia bếp ăn. Điển hình như chùa Long Hoa, Hội Cựu chiến binh xã Tân Chánh,... chủ động nấu 1 ngày ăn cho các bệnh nhân nghèo. Vì vậy hiện nay, chùa Phổ An chỉ nấu 3 ngày/tuần, mỗi ngày trên 200 suất ăn.

Hòa thượng Thích Đức Hảo nói: “Bếp ăn từ thiện chùa Phổ An duy trì và hoạt động đến hôm nay, tất cả là nhờ tấm lòng nhân ái của các nhà hảo tâm, phật tử. Bởi, chùa chỉ là nơi kết nối những tấm lòng nhân ái với các mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống. Hy vọng thời gian tới, chùa tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, góp phần cho bếp ăn được duy trì; đồng thời, có thêm nhiều hoạt động chăm lo công tác an sinh xã hội ở địa phương”.

Đối với nhiều người, 20.000 đồng chẳng đáng là bao nhưng đối với người nghèo chúng tôi, bán gần 20 tờ vé số mới có được số tiền đó. Vì vậy, buổi sáng, tôi chỉ dám ăn cơm nguội để đỡ tốn tiền, còn buổi trưa thì uống nước cầm hơi để tranh thủ thời gian đi bán vé số. Từ khi quán cơm chay 5.000 đồng thành lập, ngày nào tôi cũng có được bữa cơm trưa ngon lành mà không cần phải tốn nhiều tiền”.

Chị Trịnh Thị Bé Hai (quê Bến Tre)

Được biết, hiện nay, tỉnh có ít nhất 30 bếp ăn từ thiện tại các huyện, thị xã và thành phố nhằm giúp đỡ người nghèo, bệnh nhân nghèo có được bữa cơm ngon miệng. Và chúng tôi tin rằng, số lượng bếp ăn từ thiện trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng tăng, bởi xã hội còn rất nhiều tấm lòng nhân ái, sẵn sàng cưu mang, chia sẻ và đồng hành với người nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.

Có đến thăm các mái ấm tình người hay các bếp ăn từ thiện trong tỉnh, chúng ta mới cảm nhận được tình yêu thương, sự sẻ chia của những tấm lòng hảo tâm, nhân ái dành cho các hoàn cảnh yếu thế trong xã hội. Và chính tình thương, lòng nhân ái đã kéo nhiều người lại gần nhau, lập ra những mái nhà, bếp ăn từ thiện để mang lại niềm vui và gieo thêm niềm tin, hy vọng sống cho những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống./.

(còn tiếp)

Bài 2: Đồng hành cùng những người yếu thế trong xã hội

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết